Kiểm tra tài sản khoảng 1.000 cán bộ lãnh đạo, ĐBQH: 'Anh kê khai sai anh phải mất chức'

Thời sựThứ Hai, 29/05/2017 17:15:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng trong quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nếu không trung thực thì người đó phải bị xử lý, phải bị mất chức.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó sẽ bao gồm cả các cán bộ là Uỷ viên Bộ Chính trị, thành viên Ban bí thư. 

Sáng 29/5, trả lời về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới việc không hiệu quả trong việc kê khai tài sản của lãnh đạo.

Hinh anh Kiem tra tai san khoang 1.000 can bo lanh dao: Dai bieu Quoc hoi noi gi?

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

"Nhưng nguyên nhân đầu tiên là người kê khai không trung thực. Đã phát hiện nhiều trường hợp và có những đồng chí đã bị miễn nhiệm chức vụ và bị kỷ luật vì không trung thực.

Thứ hai là việc kê khai từ trước đến nay không đưa vào quá trình giám sát. Tức là chúng ta kê khai và cất nó đi.

Thứ ba là không minh bạch, không để cho những người khác có thể kiểm soát được mà chỉ ở trong phạm vi nhỏ. Nó còn kín cho nên không có hiệu quả", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu.

Vị đại biểu này cho rằng, tuy đó là những nguyên nhân nhỏ nhưng tác động rất lớn đến tính hiệu quả của việc kê khai tài sản của cán bộ. Vì vậy, thực tế kê khai là có nhưng không mang lại nhiều hiệu quả.

"Đến khi một đồng chí nào đó bị phát giác lúc đó mới lôi bản kê khai ra lúc đó mới phát hiện ra. Thậm chí lúc chúng ta xem xét các vấn đề thì tài sản đó đã đi rất nhiều vòng rồi, qua nhiều chủ rồi cho nên tôi thấy nó không hiệu quả", ông Nhưỡng nói thêm.

Ngoài ra, trước đây chúng ta có thái độ xử lý chưa cương quyết lắm đối với những trường hợp này.

"Anh kê khai sai anh phải mất chức. Tại sao như vậy? Vì anh đã sử dụng bản kê khai này làm điều kiện tối thiểu để được bổ nhiệm, bầu cử. Cho nên anh kê khai không trung thực thì anh phải bị xử lý, bị loại ra khỏi cuộc chơi này. Tôi nghĩ cần phải cương quyết", đại biểu Nhưỡng bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết bản thân cử tri và nhiều người cũng kỳ vọng và đặt niềm tin lớn vào công việc sắp tới phải làm.

"Tuy nhiên người ta cũng băn khoăn liệu có xử lý một cách rốt ráo không? Liệu những người đứng ra trực tiếp làm cái này có đủ năng lực và đủ độ tin cậy để làm không? Liệu kết luận này có được triển khai thực hiện rốt ráo khi chúng ta phát hiện ra hay không? Và liệu người dân có được kiểm soát không? Người dân có được xem xét, thông tin về những vấn đề mà kết quả chúng ta kiểm tra, giám sát hay không?", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Vì vậy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị các cơ quan chức năng cũng nghiên cứu ý kiến của nhân dân, cử tri và đại biểu Quốc hội để quy định và tiến hành công việc này cho thực sự có hiệu quả.

Hinh anh Kiem tra tai san khoang 1.000 can bo lanh dao: Dai bieu Quoc hoi noi gi?

 Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên).

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng khi Bộ chính trị quyết định đối tượng kiểm tra giám sát như thế thể hiện quyết tâm của Đảng, không có loại trừ với người kê khai tài sản. Người có chức vụ càng cao thì càng phải làm gương trước.

Đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng việc tập trung sẽ làm cho cán bộ cấp cao làm gương, làm nghiêm túc, rồi tiến hành các đối tượng khác thì sẽ đồng bộ. Thực hiện như thế là trên trước, dưới sau. 

"Tôi nghĩ đúng với người có chức vụ càng cao thì quá trình kiểm tra, giám sát có khó khăn, cũng nhạy cảm nhưng quyết tâm thì chúng ta làm được. Vì đây là một trong những vấn đề thể hiện Đảng chúng ta có trong sạch vững mạnh hay không, Chính phủ có liêm chính vì dân hay không. Vì vậy, phải bắt đầu từ việc cụ thể, gắn liền với bản thân của mỗi đồng chí lãnh đạo", đại biểu Nguyễn Thái Học nói.

Video: Kỷ luật cán bộ cấp cao thể hiện trách nhiệm cao của Đảng

Việc kê khai tài sản không chỉ là nghĩa vụ của cán bộ công chức nói chung mà thể hiện sự gương mẫu, nêu gương của lãnh đạo. 

"Có thể nói có đồng chí lãnh đạo có nhiều tài sản, nhưng tài sản đó kê khai trung thực, nguồn tài sản có được hợp pháp thì phải tôn trọng, ghi nhận và khi công khai minh bạch như thế thì nhân dân đồng tình. 

Đồng chí lãnh đạo có nhiều tài sản nhưng kê khai trung thực, dân giám sát một cách khách quan công bằng thì đó là điều bình thường.

Nếu như có nhiều tài sản mà kê khai không có gì, thể hiện không trung thực trong công khai thì phải kiểm tra, giám sát để chỉ ra địa chỉ đó ở đâu và xem xét như thế nào", vị đại biểu Phú Yên bày tỏ.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn