Kiểm toán dự án giao thông đô thị Hải Phòng: Mua xe công 'quá tay', tốn thêm hơn 1,3 tỷ đồng

Kinh tếThứ Hai, 19/08/2019 10:07:00 +07:00

Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng mua 2 ôtô gần 2,1 tỷ đồng, vượt định mức 1 xe, “đội” chi phí mua xe thêm hơn 1,3 tỷ đồng.

Báo cáo kết luận kiểm toán Dự án phát triển giao thông đô thị TP.Hải Phòng của Kiểm toán Nhà nước cho thấy Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (Ban QLDA) không tuân thủ các quy định về mua sắm trang thiết bị, ôtô cho dự án.

Cụ thể, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ban QLDA được trang bị 1 xe ôtô một cầu với giá trị tối đa 720 triệu đồng. Tuy nhiên, dự án đã được phê duyệt mua 2 xe với giá trị 2,075 tỷ đồng.

BQL DA

 Từ 1/5/2019, Ban Quản lý dự án khu vực các công trình giao thông vận tải sáp nhập vào Ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng và đổi tên thành Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng trực thuộc UBND TP.Hải Phòng. (Ảnh: Haiphong.gov.vn)

Như vậy, các đơn vị lập, thẩm định và phê duyệt dự án đã không tuân thủ quy định Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ (Khoản 5, Điều 1) quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty nhà nước.

“UBND TP.Hải Phòng xem xét làm rõ để có phương án bố trí lại cho phù hợp đối với 2 ôtô đã mua sắm và trang bị cho Ban QLDA vượt tiêu chuẩn định mức theo đúng quy định của Chính phủ”, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Vẫn theo kết luận kiểm toán, việc thực hiện quy định về quản lý hóa đơn giá trị gia tăng tại dự án cũng còn nhiều tồn tại. Theo đó, tại thời điểm kiểm toán, một số nhà thầu chưa phát hành và cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng đầy đủ, kịp thời.

Theo cơ quan kiểm toán, số thuế giá trị gia tăng tương ứng với khối lượng nghiệm thu, thanh toán chưa có hóa đơn là hơn 3,6 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Ban QLDA và các nhà thầu, trong đó Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Quảng Tây hơn 3,3 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP hơn 301 triệu đồng.

Dự án phát triển giao thông đô thị TP.Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 4.905 tỷ đồng, nhằm nâng cao điều kiện đi lại trong đô thị, tăng cường năng lực quản lý và quy hoạch giao thông đô thị Hải Phòng.

Quá trình triển khai, UBND TP.Hải Phòng phê duyệt dự án án đầu tư khi chưa có vă bản thông qua của Hội đồng nhân dân, vi phạm quy định của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Đồng thời, hồ sơ dự án thiếu các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy cùng yêu cầu về an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, việc lập và phê duyệt tổng mức đầu tư dự án được xác định chưa chính xác, tồn tại sai sót với giá trị hơn 221 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo kết luận, toàn bộ 7 gói thầu xây lắp của hợp phần A đều chậm tiến độ so với hợp đồng gốc đã ký kết. Trong đó, gói thầu CW1A-lô 1 chậm 23 tháng, gói CW1A-lô 2 chậm 22 tháng, gói CW2A-lô 1 chậm 28 tháng, gói CW2A-lô 2 chậm 10 tháng, gói CW3A chậm 26 tháng, gói CW4A chậm 26 tháng và gói CW5A chậm 22 tháng.

Dù các bên đã gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng nhưng chưa xác định rõ và đầy đủ nguyên nhân, lý do gia hạn.

Đáng nói, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (Ban QLDA) cũng chưa cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan đến việc xác định các nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của từng nguyên nhân trong việc chậm tiến độ.

Ngoài các gói thầu xây lắp, tiến độ gói thầu G1B – Mua sắm xe buýt (gói thầu thiết bị) cũng bị chậm 5 tháng so với hợp đồng gốc đã ký kết. Các bên đã làm thủ tục gia hạn tiến độ nhưng lý do gia hạn chưa hợp lý.

Gói thầu CS1B - Hỗ trợ thành lập cơ quan quản lý giao thông công cộng cũng chậm đi vào hoạt động so với quy định của hợp đồng ban đầu 22 tháng.

Không chỉ các gói thầu riêng lẻ, tiến độ toàn dự án đến thời điểm tháng 5/2019 đã chậm 22 tháng so với quyết định đầu tư ban đầu và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc này đã làm giảm hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn