Kiểm toán chỉ ra hàng loạt sai sót tại Vinaconex 12

Kinh tếThứ Năm, 05/04/2018 07:39:00 +07:00

Nhiều sai sót tại Công ty cổ phần Xây dựng số 12 (Vinaconex 12) vừa được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

Kiểm toán Nhà nước vừa có thông báo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Công ty cổ phần Xây dựng số 12 (Vinaconex 12).

v12

 Đại hội cổ đông Vinaconex 12 năm 2017. (Ảnh: Vietstock)

Kiểm toán Nhà nước kết luận, Vinaconex 12 còn nhiều tồn tại về báo cáo tài chính, quản lý vốn và tài sản nhà nước.

Cụ thể, đối chiếu công nợ phải thu chưa đầy đủ, số nợ phải thu đã đối chiếu với các bên liên quan đạt 81,53% (239 tỷ đồng/293 tỷ đồng); chưa trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn. Theo đó, tổng số nợ phải thu ngắn hạn khó đòi tính đến 31/12/2016 là hơn 39 tỷ đồng, Vinaconex 12 đã trích lập hơn 34 tỷ đồng, số chưa thực hiện trích lập là hơn 4 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, Vinaconex 12 đã thực hiện thi công xong hai công trình PK1B Quốc lộ 3 mới đoạn Đông Anh – Yên Phong từ năm 2015, chi phí dở dang là hơn 2,6 tỷ đồng và công trình đường B3-E6 khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc từ năm 2008, chi phí dở dang là 972 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay hai công trình trên chưa được chủ đầu tư nghiệm thu quyết toán, chưa xác định được kết quả kinh doanh hoạt động xây lắp của hai công trình này.

Liên quan đến việc giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, theo Kiểm toán Nhà nước, người đại diện vốn của Tổng công ty cổ phần Vinaconex tại Vinaconex 12 chưa lập báo cáo giám sát tài chính theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Vinaconex 12 điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, xử lý tài chính nộp ngân sách Nhà nước các khoản thuế sau kiểm toán xác định tăng thêm 350,3 triệu đồng. Trong đó, thuế giá trị giá tăng 2,6 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 307,3 triệu đồng, tiền thuê đất 40,3 triệu đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán tại Vinaconex 12.

Cụ thể, tăng cường đối chiếu công nợ tại thời điểm lập báo cáo tài chính với các bên liên quan theo quy định. Đồng thời, thành lập hội đồng đánh giá khả năng thu hồi số nợ quá hạn để trích lập dự phòng số tiền 4,6 tỷ đồng (Vinaconex 12 chưa trích lập dự phòng) và có biện pháp thu hồi đối với khoản nợ này.

Vinaconex 12 cũng phải phối hợp với các chủ đầu tư và phê duyệt quyết toán khối lượng hoàn thành các gói thầu PK1B công trình Quốc lộ 3 mới đoạn qua Đông Anh – Yên Phong và công trình đường B3-E6 khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc. Đồng thời, kết chuyển chi phí dở dang còn kết dư để xác định kết quả kinh doanh (gói PK1B 2,6 tỷ đồng, gói B3-E6 972 triệu đồng).

Tổng công ty cổ phần Vinaconex thông qua người đại diện tại Vinaconex 12 thực hiện đầy đủ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Kết thúc năm tài chính 2017, Vinaconex 12 ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới hơn 519,1 tỷ đồng, tăng 86 tỷ đồng so với thời điểm 1/1/2017 (đã điều chỉnh lại). Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 504,7 tỷ đồng, nợ dài hạn là 14,3 tỷ đồng. Trong các khoản nợ ngắn hạn, chiếm lớn nhất là khoản nợ vay ngắn hạn 167,2 tỷ đồng, và phải trả người bán ngắn hạn 160,5 tỷ đồng…

Đáng lưu ý, trong khi nợ gần 520 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của Vinaconex 12 tại cùng thời điểm chỉ có 93,3 tỷ đồng. Nợ phải trả gấp gần 6 lần vốn sở hữu, cho thấy một đồng vốn của Vinaconex 12 đang phải “cõng” nhiều đồng nợ.

Năm 2017, dù Vinaconex 12 đạt lợi nhuận hơn 7,5 tỷ đồng nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm của công ty lại là âm 39,2 tỷ đồng (năm 2016, con số này cũng là âm 24,9 tỷ đồng).

Hoàng Hưng
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn