Kiếm tiền tỷ nhờ sáng chế băng chuyền tự xúc cát sỏi

Sản phẩmThứ Ba, 25/09/2018 10:29:00 +07:00

Anh Quách Quang Dũng (SN 1980, thôn Gò Pháo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tuy chỉ học hết lớp 7, song với niềm đam mê sáng chế, anh đã chế tạo thành công băng chuyền tự xúc nguyên vật liệu xây dựng cát sỏi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, gia cảnh khó khăn nên anh Dũng chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ. Năm 1998, anh lên thành phố học nghề cơ khí, học xong anh ở lại thành phố làm việc.

Sau nhiều năm bươn trải ở nơi phố huyện, cuối cùng anh trở về quê mở xưởng cơ khí chuyên sản xuất băng chuyền, phục vụ các bến bãi cát sỏi ven sông Cầu.

Nhưng cùng lúc đó, trên thị trường có hàng loạt loại băng chuyền thông thường nên xưởng cơ khí của anh Dũng gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều ngày mày mò, tìm lối đi riêng cho xưởng của mình anh Dũng nhận ra những chiếc băng truyền trên thị trường đều không thể tự xúc cát sỏi mà cần có nhân công xúc bằng tay hoặc máy xúc. Công việc đó lại rất mất sức, tốn nhân công còn chi phí thì lại cao.

Trước thực tế đó, với nghề cơ khí trong tay anh quyết tâm chế tạo ra những chiếc băng chuyền riêng biệt. Hơn một năm trời anh Dũng quanh quẩn ở các bến bãi để nghiên cứu. Tích góp mãi mới được hơn 20 triệu anh cũng bỏ ra để sáng chế.

anh 1

 Anh Dũng bên cạnh băng truyền tự xúc cát sỏi do mình chế tạo (Ảnh: vusta)

Cuối cùng, sự tìm tòi, sáng tạo và niềm say mê của anh đã được đền đáp. Chiếc băng chuyền thành công ra đời, có thể tự xúc cát xỏi mà không cần đến máy xúc hay người.

Hệ thống khung máy được làm bằng các ống thép, một trục đứng với dây cáp giúp nâng đỡ gầu xúc. Hệ thống gầu xúc hoạt động linh hoạt, giống một cánh tay robot có thể quay trái, phải được điều khiển bởi một tục lái.

Điểm ưu việt của chiếc máy xúc trong băng chuyền này là hệ thống mô tơ chạy bằng nguồn điện 3 pha. So với các loại máy xúc khác chỉ tiêu tốn 1/20 nhiên liệu.

Băng chuyền cũng có thể di chuyển dễ dàng trên địa hình bến bãi nhiều cát sỏi, nhờ hệ thống dây băng, con lăn, bánh xe.

Công suất của băng chuyền lớn tương đương một chiếc máy xúc 130, có nghĩa là công suất 1 phút xúc 1m3 đất, cát, sỏi.

Tính đến nay, xưởng cơ khí của anh Dũng đã bán ra thị trường trên 100 chiếc băng chuyền tự xúc, giá mỗi chiếc dao động trong khoảng từ 70 – 100 triệu. Rẻ hơn nhiều so với những loại máy khác. Doanh thu mỗi năm của xưởng đạt từ 3 - 4 tỷ đồng. Tạo việc làm ổn định cho từ 7- 9 lao động, với mức lương trung bình từ 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Ly Nga
Bình luận
vtcnews.vn