Kiểm soát đào tạo văn bằng 2 thế nào sau lùm xùm Đại học Đông Đô?

Diễn đànThứ Năm, 24/12/2020 16:19:00 +07:00

Theo chuyên gia, các chương trình đào tạo văn bằng 2 nở rộ, chất lượng thấp là điều khó phủ nhận, các cơ quan quản lý không đủ khả năng kiểm soát cơ sở đào tạo.

Sau vụ việc bằng giả của Đại học Đông Đô, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhà nước khó lòng đảm bảo và kiểm soát 100% chất lượng đào tạo văn bằng 2.

Học văn bằng 2 tiếng Anh dễ hơn chứng chỉ quốc tế

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng văn bằng có giá trị vĩnh viễn vì nó xác nhận người học hoàn thành một khối kiến thức nghề nghiệp. Nếu đặt vấn đề văn bằng 2 ngoại ngữ phải có thời hạn giá trị nhất định thì văn bằng 2 của các ngành khác cũng phải có thời hạn nhất định. Nếu không, văn bằng 2 ngành ngoại ngữ lại không tương đương với những ngành khác.

Về pháp lý và thực tế, yêu cầu văn bằng 2 phải có giá trị trong một thời gian nhất định, theo ông, là hết sức vô lý.

Theo ông, chúng ta không thể vì trường hợp gian dối trong đào tạo văn bằng 2 của Đại học Đông Đô mà "đóng cửa" tiêu chuẩn ứng viên học thạc sĩ, tiến sĩ phải có văn bằng 2 tiếng Anh.

"Nếu việc đào tạo gian dối, bằng giả tràn lan khắp nơi như trường hợp Đại học Đông Đô thì là việc khác. Nhưng nếu các trường đại học khác vẫn làm nghiêm túc và Đại học Đông Đô là trường hợp cá biệt thì chúng ta không nên bỏ tiêu chuẩn này", ông nói.

Hơn nữa, những tiêu chuẩn để học thạc sĩ, nghiên cứu sinh không chỉ có yêu cầu văn bằng 2 ngoại ngữ, nếu học viên có những chứng chỉ tương đương thì học vẫn được xét tuyển.

"Vấn đề là tại sao các học viên không dùng các chứng chỉ quốc tế mà lại đi tìm học văn bằng 2? Một phần bởi việc học văn bằng 2 dễ hơn. Trong khi các chứng chỉ quốc tế đòi hỏi ôn luyện, thi cử nghiêm túc, khó hơn. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Để xảy ra tình trạng đó là do các trường đào tạo không nghiêm túc chứ không phải tại tấm bằng", TS Nguyễn Đức Nghĩa lý giải.

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng vấn đề cốt lõi ở đây là sự nghiêm túc, chất lượng đào tạo trong việc cấp văn bằng 2. Chỉ vì Đại học Đông Đô có nạn mua bán bằng nên những người có nhu cầu mới tìm đến. Nếu đào tạo nghiêm túc, thì văn bằng 2 vẫn rất có giá trị.

Tương tự, thạc sĩ Lê Hữu Phước, giảng viên bộ môn Tiếng Anh, Đại học Ngoại thương (cơ sở 2, TP.HCM) cho rằng vấn đề đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh bát nháo hiện nay là do các cơ sở giáo dục đào tạo không uy tín.

Mặt khác, thầy cho rằng các đơn vị tuyển dụng và một số cơ sở giáo dục đào tạo lại lấy văn bằng 2 tiếng Anh làm cơ sở đánh giá năng lực ngôn ngữ của một cá nhân và công nhận năng lực đó là vĩnh viễn là không hợp lý. Vì năng lực sử dụng ngôn ngữ sẽ thay đổi nếu không được sử dụng thường xuyên.

"Vấn đề do cách sử dụng chứ không phải do thời hạn sử dụng văn bằng. Nếu chỉ lấy nó làm cơ sở để xét đầu vào của một số chương trình học thạc sĩ, nghiên cứu sinh thì nó hợp lý hơn là để đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ", thạc sĩ Phước nêu.

Kiểm soát đào tạo văn bằng 2 thế nào sau lùm xùm Đại học Đông Đô? - 1

Buổi lễ tốt nghiệp và phát văn bằng 2 của Đại học Duy Tân. (Ảnh: Đại học Duy Tân)

Chất lượng nằm trong tay các trường và người học

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, cho biết thực tế việc đào tạo văn bằng 2 hiện nay khó lòng có thể kiểm soát được tất cả các trường.

"Người muốn học văn bằng 2 thực chất có nhu cầu làm giàu học vấn và hy vọng cơ hội chuyển đổi việc làm hay thăng tiến. Nhà trường lại dễ dãi về chất lượng để kiếm tiền thì sẽ tự huỷ hoại uy tín của mình", TS Vinh nêu.

Các trường đại học đều phải có cơ chế tự chịu trách nhiệm, tự giải trình với người học. Nhà nước không thể kiểm soát được hết vì không đủ nhân lực. Vì vậy, cơ quan quản lý, mà ở đây trực tiếp là Bộ GD&ĐT phải ứng dụng công nghệ trong quản lý, yêu cầu 3 công khai, xử lý nghiêm khi vi phạm.

GS Trương Nguyện Thành cho biết ở Mỹ không phân biệt văn bằng 1 hay văn bằng 2. Người học muốn có tấm bằng cử nhân bất cứ một ngành nghề nào đều có thể chọn học tập trung hoặc vừa học vừa làm. Khi hoàn thành đủ khối lượng kiến thức, số tín chỉ quy định, họ được cấp bằng tốt nghiệp.

Ngoài ra, một số trường đại học còn đưa ra một bài kiểm tra tốt nghiệp. Nếu không vượt qua bài kiểm tra này, học viên dù đạt đủ số tín chỉ quy định vẫn không thể tốt nghiệp.

Bởi không phân biệt văn bằng 1 hay 2 nên việc kiểm tra, giám sát, đo lường chất lượng đào tạo của các trường đại học ở Mỹ không có sự khác biệt đối với người học tập trung hay vừa học vừa làm.

Quay trở lại trường hợp của Việt Nam, GS Thành cho rằng rất khó để có cơ chế quản lý, kiểm soát được 100% chất lượng đào tạo văn bằng 2.

"Bởi mọi quy định đều có lỗ hổng và con người có thể lách nếu muốn. Tôi nghĩ giải pháp không thể nào khác hơn là nâng cao ý thức, sự tự trọng của người học. Đơn vị đào tạo cũng phải kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo của mình chính vì uy tín, thương hiệu của trường", GS Thành nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn