Kiểm điểm cán bộ vì không uống bia Sài Gòn: Vừa buồn cười, vừa trái luật

Thời sựChủ Nhật, 13/09/2015 12:31:00 +07:00

Việc lãnh đạo Hà Tĩnh chủ trương và chỉ đạo xử lý bảy công chức không uống bia Sài Gòn trong một cuộc nhậu vừa buồn cười vừa trái luật.

Việc lãnh đạo Hà Tĩnh chủ trương và chỉ đạo xử lý bảy công chức không uống bia Sài Gòn trong một cuộc nhậu vừa buồn cười vừa trái luật.


Ngày 11-9-2015, ông Dư Lý Trí, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục tỉnh Hà Tĩnh, cho biết cuối tháng 6 vừa qua, một số cán bộ trong cơ quan đã tổ chức liên hoan tại một nhà hàng ở TP Hà Tĩnh. Khi gọi đồ uống, bảy người đã không dùng bia Sài Gòn.

“Mấy người làm tiếp thị, kinh doanh tại nhà hàng thấy cán bộ Sở Giáo dục không uống bia của hãng nên nhắn tin cho lãnh đạo tỉnh, vị này sau đó trao đổi với giám đốc sở” (VNExpress dẫn lời ông Trí). 

Theo ông, làm như vậy là để hướng anh em nên sử dụng hàng hóa sản xuất trong tỉnh. Sau đó, trong một cuộc họp nội bộ, bảy cán bộ liên quan đã phải viết bản tường trình sự việc và bị nhắc nhở.

Điều 6 Luật Cạnh tranh quy định cấm cơ quan quản lý nhà nước thực hiện những hành vi buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. 

Bia Sài Gòn là mặt hàng thông thường, vì thế hành vi buộc người tiêu dùng lựa chọn nó là trái luật. Không hiểu sao lãnh đạo tỉnh này lại có một chủ trương sai ngay cả với những kiến thức pháp luật thường thức nhất.

Không thể nhân danh điều gì để làm như thế. Nếu nhân danh việc quảng bá thương hiệu của địa phương thì ngay cái tên gọi Bia Sài Gòn đã cho thấy niềm tự hào thương hiệu là của TP.HCM chứ không phải của Hà Tĩnh.

Nếu nói để tăng doanh thu cho Nhà máy bia Sài Gòn-Hà Tĩnh từ đó tăng nguồn thu thuế cho tỉnh thì nó là sự can thiệp thô thiển và sai trái, là dùng chủ trương và quyền lực công để bóp chết các thương hiệu bia khác. Nếu xử lý cán bộ vì người ta uống loại bia khác thì đó là sự cản trở tự do tiêu dùng. 

Không có luật nào buộc đảng viên hay cán bộ, công chức phải uống một loại bia nào cả. Họ chỉ bị xử lý nếu uống bia trong giờ hành chính hoặc uống đến mất kiểm soát, vượt ngưỡng và bị xử lý hành chính do hậu quả bia rượu.

Bia nào cũng là bia thì xe nào cũng là xe, nước hoa nào cũng là nước hoa. Ông nào ra lệnh xử lý cán bộ như trên thử về áp đặt vợ con mình chỉ dùng hàng hóa sản xuất tại Hà Tĩnh, xây nhà chỉ dùng nguyên vật liệu sản xuất ở Hà Tĩnh xem có bị chính người thân của mình phản ứng không.

Nếu nhân danh sản phẩm địa phương để ép cán bộ, công chức - với tư cách người tiêu dùng - phải sử dụng sản phẩm sản xuất trên địa bàn thì Hà Tĩnh nên cấm họ trước hết không được dùng khoai lang Đà Lạt vì khoai Thạch Hà đã trứ danh rồi. 

Cũng phải xử lý vị nào dùng mắm cá cơm khô Phú Quốc bởi huyện Lộc Hà, Nghi Xuân cũng có; xử luôn vị nào ăn dê Cầu Đòn hay bê Nam Nghĩa của Nghệ An và buộc họ ăn món này của huyện Hương Sơn tỉnh này.

Và đừng tưởng làm thế là có lợi cho bia Sài Gòn. Không biết tăng thu được bao nhiêu nhưng điều đó có thể khiến người tiêu dùng cả nước ác cảm với một thương hiệu lớn như bia Sài Gòn.

Nghĩ rồi đâm lo, khi một chủ trương như vậy được áp dụng và chấp hành rộng rãi bởi các ngành và địa phương trong tỉnh thì sức phản biện, trí tuệ và dũng khí của cả đội ngũ đâu rồi?


Nguồn: Pháp luật Thành phố
Bình luận
vtcnews.vn