Kích cầu du lịch lần 2: Quyết cứu vãn nền kinh tế mũi nhọn bên sườn dốc

Thị trườngThứ Sáu, 16/10/2020 12:19:29 +07:00
(VTC News) -

Ngành du lịch nội địa vốn sứt mẻ nặng nề bởi COVID-19 cần được vực dậy nhanh chóng, nếu không muốn lao dốc, vì thế kế hoạch kích cầu lần 2 dù khó nhưng cần làm ngay.

Du lịch vẫn xám sau "cú đấm bồi" COVID-19

Đang trên đà hồi phục với tín hiệu khá lạc quan sau ba tháng “đóng băng” vì dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch lại gặp vô vàn khó khăn khi đợt dịch lần hai bùng phát. Từ ngày 25/7, những ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Đà Nẵng và lan sang nhiều địa phương. Tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch lập tức hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch.

Doanh nghiệp du lịch vì thế đã khó khăn nay càng thêm khó khăn khi chịu "cú đấm bồi" liên tiếp. 

Hiện tại, COVID-19 bước đầu được kiểm soát, các chuyến bay thương mại thường lệ rục rịch quay lại. Nhưng mối nguy dịch bệnh tái phát vẫn còn đó, đi du lịch vẫn là nhu cầu bị hạn chế của phần lớn người dân. Chưa kể, cao điểm hút khách của du lịch nội địa đã trôi qua.

Thừa nhận với VTC News tình trạng buộc phải cắt giảm nhân sự do tình hình khó khăn, bà Lê Thị Việt Hà - Phụ trách truyền thông Công ty TNHH Du lịch HIS Sông Hàn Việt Nam cho biết, công ty có hơn 400 nhân viên nhưng tạm thời đã phải dừng gia hạn với số nhân viên hết hạn hợp đồng.

"Công ty có nguồn vốn đầu tư nước ngoài nên gặp ít khó khăn hơn so với nhiều nơi khác. Nhưng trước những tác động liên tục của COVID-19, doanh số của công ty vẫn bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt đợt dịch lần 2 khiến 50% số tour du lịch nội địa bị hủy bỏ. Chúng tôi buộc phải cho nhân viên làm việc luân phiên. Đối với số nhân viên đã hết hạn hợp đồng, tạm thời chúng tôi không gia hạn vì không đủ khả năng chi trả", bà Hà chia sẻ.

Tương tự, công ty BenThanh Tourist cũng phải áp dụng hình thức cho nhân viên luân phiên nghỉ để giảm tải gánh nặng chi phí.

"Công ty thực hiện chế độ trả lương tối thiểu vùng áp dụng cho toàn hệ thống từ nhân viên đến quản lý cấp cao", bà Trần Phương Linh - Giám đốc truyền thông - cho biết.

Kích cầu du lịch lần 2: Quyết cứu vãn nền kinh tế mũi nhọn bên sườn dốc - 1

Biển Đà Nẵng vẫn vắng bóng khách tham quan. (Ảnh: Xuân Tiến)

TS Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - nhận định, hiện nay chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đang hoạt động ở mức rất cầm chừng, công suất buồng phòng trung bình thấp, các chuyến bay quốc tế chưa được nối lại hoàn toàn, lượng khách du lịch đến các khu vui chơi giải trí còn hạn chế, tỷ lệ người lao động trong lĩnh vực du lịch bị thất nghiệp cao, cụ thể là 62%. Chưa kể đến hàng chục nghìn tour bị hoãn, hủy, hiện nay mới được nối lại một phần.

Theo ông Siêu, khó khăn lớn nhất mà ngành du lịch phải đối mặt là đang ở mùa thấp điểm nhất trong năm, thêm tâm lý e ngại của du khách. Ngoài ra, do dịch bệnh kéo dài, nhiều lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp, đình trệ, thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng rất lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu của thị trường giảm sút. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, nguồn lực và quy mô sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, hết tháng 9/2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 3,6 triệu lượt, giảm 67,4% so với cùng kỳ 2019. Khách nội địa đạt 33 triệu, giảm 50%. Tổng thu từ khách du lịch là 214.970 tỷ đồng, giảm 51,39%.

Chính vì thế, thị trường du lịch Việt Nam khá trầm lắng, khác hẳn không khí náo nhiệt sau COVID-19 lần thứ nhất trước kia. Nhiều địa phương vốn là tâm điểm du lịch vẫn đang phải chờ khách, trong đó có Đà Nẵng. Dù đã mở lại các chuyến bay nhưng nhiều điểm tham quan du lịch của Đà Nẵng vẫn còn vắng khách. Những điểm check in nổi tiếng ở đây như bãi biển Mỹ Khê, Bà Nà Hill, chùa Linh Ứng, cầu tình yêu...lượng khách rất thưa thớt, nếu so với thời điểm năm ngoái không bằng một phần mười. Thậm chí, nhiều điểm du lịch còn chưa được mở cửa hoạt động trở lại. Với nhiều người Đà Nẵng, đây là cảnh "xưa nay hiếm", rất ít khi thấy Đà Nẵng "ế ẩm" như thế này.

Ở Quảng Nam, một trung tâm du lịch nổi tiếng khác, cũng không khá khẩm hơn. Ông Đỗ Như Châu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Như (đơn vị quản lý chuỗi khách sạn Le Pavillon Hoi An), than : "Nhiều tuần qua, dù khách sạn mở cửa trở lại cũng không có khách".

Ông Châu chia sẻ thêm, hiện doanh nghiệp của ông phải tạm thời đóng 2 khách sạn trong hệ thống do vắng khách, dự kiến đến cuối tháng 12 mới mở trở lại. 

Kích cầu du lịch lần 2: Quyết cứu vãn nền kinh tế mũi nhọn bên sườn dốc - 2

Nhiều khách sạn ở Hội An mở cửa nhưng vẫn phải đợi khách. (Ảnh minh họa)

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc Công ty du lịch Blue Sky - e ngại vì thói quen du lịch của người Việt đã bị thay đổi. "Sau COVID-19 lần thứ 2, tâm lý người dân thận trọng hơn hẳn. Nếu sau lần 1, làn sóng đua nhau đi du lịch nổ ra mạnh mẽ thì bây giờ du khách dè chừng hơn và chủ yếu lựa chọn du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch gia đình. Trong khi đó, một số đường bay thương mại quốc tế cũng mới được mở lại nên lượng khách quốc tế vẫn rất nhỏ so với nguồn cung du lịch", ông Tiến bày tỏ.

Tổng cục Du lịch dự báo thiệt hại của ngành du lịch 2020, tổn thất về khách quốc tế rất lớn so với mục tiêu 2020 là đón 20,5 triệu. Dự tính, nếu quý IV có đón xấp xỉ 4 triệu lượt khách quốc tế, thì vẫn giảm hơn 16 triệu lượt khách quốc tế so với kế hoạch. Thiệt hại tương đương trên 16 tỷ USD.

Trong khi đó, khách nội địa, theo kế hoạch 2020 đạt trên 90 triệu lượt khách, dự báo 2020 kích cầu du lịch nội địa thành công thì đến cuối năm có thể đạt trên 50 triệu lượt, giảm gần 40 triệu lượt. Thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Tổng thiệt hại khoảng 23 tỷ USD.

Tuy vậy, trong bức tranh xám, du lịch Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng trưởng. Một trong những tín hiệu rõ ràng nhất đó là kịch bản kích cầu lần 2 vừa được Tổng cục Du lịch khởi xướng.

Kích cầu lần 2: Khó nhưng phải làm ngay

Để giúp thị trường tan băng, Tổng cục Du lịch cho biết, tiếp tục khởi động chương trình kích cầu du lịch lần 2, trong đó du lịch nội địa vẫn được xác định là cứu cánh của ngành du lịch, tuy nhiên cũng chú trọng đến đối tượng khách quốc tế.

Theo đó, kịch bản kích cầu lần 2 sẽ không chỉ gói gọn trong quy mô "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nữa mà mở rộng đối tượng hơn, đó là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và cả cơ hội từ hơn 5.000 khách quốc tế mỗi tuần đến VN khi các đường bay quốc tế đang được nối lại.

"Tâm lý du khách không còn như trước, mà thận trọng hơn. Bên cạnh việc mở rộng đối tượng đi du lịch, nhiều sản phẩm, cách làm mới đang được nghiên cứu để đưa vào kịch bản kích cầu lần này", ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết.

Kích cầu du lịch lần 2: Quyết cứu vãn nền kinh tế mũi nhọn bên sườn dốc - 3

pho-tct-tcdl-ha-van-sieu.jpg

Không thể ngồi yên chờ cơ hội tới, ngành du lịch phải tiếp tục hành động để "phá băng" thị trường.

TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Trong khi đó, trả lời VTC News, TS Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - thừa nhận, kích cầu du lịch lần hai sẽ gặp nhiều thách thức, trong đó có việc mùa du lịch đã qua và cung - cầu yếu. Tuy nhiên ngành du lịch vẫn phải nỗ lực hết mình, không thể ngồi chờ cơ hội tới mà phải tiếp tục hành động để "phá băng" thị trường, điều chỉnh về đối tượng, phương thức kích cầu thị trường.

"Kích cầu du lịch là chương trình xuyên suốt cả năm, chỉ bị gián đoạn lại thời gian qua, nhưng đều xoay quanh chủ thể trung tâm là khách du lịch, không chú trọng vào số lượng mà đi sâu vào chất lượng, tạo môi trường du lịch an toàn, đưa ra chính sách linh hoạt, sản phẩm tốt. Chúng tôi kỳ vọng chương trình này sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch sống lại; chuẩn bị điều kiện cần thiết để đón khách quốc tế ngay khi có thể", ông Siêu nói.

Cũng theo ông Siêu, với doanh nghiệp, lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất vào thời điểm này. Nhiều sản phẩm và dịch vụ được đưa ra với mục đích truyền thông quảng bá thương hiệu, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Do đó, khách du lịch là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất.

Chính phủ đã có những kinh nghiệm, Bộ Y tế cũng cùng vào cuộc với ngành du lịch để điều phối các luồng khách nhằm đảm bảo an toàn cũng như gợi mở những điểm đến mới. Ngành du lịch cũng đang tìm những giải pháp, kiến nghị bằng các chính sách hỗ trợ, điều tiết để các dòng khách hài hòa theo xu hướng du lịch bền vững, không nặng về số lượng mà đi sâu vào chất lượng. "Do đó, lượng khách có thể không tăng nhiều nhưng tổng thu du lịch có thể tăng", ông Siêu nêu nhận định.

Một điểm nữa là trong những chương trình kích cầu du lịch lần này, các tập đoàn lớn có vai trò vô cùng quan trọng, phối hợp với địa phương chủ động tạo nên những điểm đến mới, sản phẩm du lịch mới, tạo nên sức hút đối với du khách.

"Chúng ta không còn quá bị lệ thuộc vào những điểm đến quen thuộc nữa. Ví dụ, vừa qua Tập đoàn Sun Group đầu tư điểm đến mới - Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen ở Quang Hanh (Quảng Ninh) rất hấp dẫn. Cùng với đó là các khu vui chơi giải trí Sun World liên tục được làm mới, điển hình như Khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh) là những điểm đến trước đây chưa được du khách biết đến nhiều. Bên cạnh đó là mùa lúa chín Tây Bắc, mùa hoa dã quỳ ở Tây Nguyên, mùa nước nổi ở miền Tây, đây là lúc kích hoạt những yếu tố mới đó", TS Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Dự báo về kịch bản của đợt kích cầu quan trọng này, ông Siêu nói: "Du lịch nội địa sẽ vẫn là một trong những cứu cánh của du lịch Việt Nam trong năm nay, nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, lượng khách sẽ ổn định tăng dần từ nay đến cuối năm, tần suất các chuyến bay được khôi phục hoàn toàn, chuỗi cung ứng dịch vụ được khôi phục thông suốt nhưng sẽ không có tình trạng quá tải như đợt hè vừa qua".

Đón đầu đợt kích cầu lần 2, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết ngay từ tháng 9 đã khởi động nhiều chương trình hấp dẫn.

"Saigon Tourist bắt đầu đưa ra rất nhiều các sản phẩm để phục vụ cho chương trình kích cầu những tháng cuối năm, trong đó chú trọng đến các điểm tham quan du lịch miền núi phía bắc, du lịch nghỉ dưỡng, MICE...Sau một tháng khởi động bước đầu đã cho những kết quả khả quan, tuy không thể so với kích cầu lần 1 được", bà Đoàn Thị Thanh trà - Giám đốc truyền thông Công ty Saigon Tourist chia sẻ.

Làm gì để kích cầu "trúng đích"?

Theo ông Siêu, trước khó khăn liên tiếp vừa qua, giống như đợt 1, Tổng cục Du lịch tiếp tục đề xuất với Chính phủ 4 nhóm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Các địa phương cũng đang quan tâm, đề xuất thêm đến khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn, tiếp tục miễn giảm phí tham quan cho khách. Đây sẽ là những điều kiện để hoạt động du lịch quay trở lại quỹ đạo.

Kích cầu du lịch đợt 2 sẽ rất khó khăn, nhưng đây là việc phải làm ngay và làm nhanh để cứu vãn ngành công nghiệp lữ hành.

TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Trong khi đó, các doanh nghiệp thì kiến nghị cơ quan quản lý cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, nguồn vay ưu đãi...để doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.

Ông Đinh Đức Văn - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư và Dịch vụ du thuyền Việt - Vietyach Club chia sẻ, công ty có hơn 20 du thuyền nhưng giờ ngày nào nhiều cũng chỉ có một vài khách, còn hầu hết đều phải bỏ không, tính sơ sơ một du thuyền tiêu tốn đến gần chục triệu cho các chi phí từ bảo dưỡng đến bến bãi, thuế… nếu không được hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn.

“Với tình hình như hiện nay, nếu không tiếp cận được nguồn vay ưu đãi cũng như các chính sách về phí, thuế thì chỉ trong thời gian ngắn nữa công ty sẽ phải đóng cửa hoàn toàn”, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư và Dịch vụ du thuyền Việt - Vietyach Club đề nghị.

Kích cầu du lịch lần 2: Quyết cứu vãn nền kinh tế mũi nhọn bên sườn dốc - 4

Nhiều địa phương sớm đón đầu đợt kích cầu du lịch lần 2. (Ảnh minh họa)

Để thực hiện tốt đợt kích cầu lần 2 các doanh nghiệp du lịch đặc biệt là các đơn vị lữ hành cũng đề nghị Tổng cục Du lịch, hiệp hội du lịch cần thể hiện vai trò cầu nối trung gian hơn nữa để sự liên minh, liên kết thực sự có hiệu quả.

"Để kích cầu du lịch được đồng bộ và hiệu quả thì cần phải có sự liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp nhưng hiện nay việc liên minh đó phần nhiều mang tính tự phát. Các doanh nghiệp dựa trên nguồn lực của mình để tự hoạch định chiến lược và tìm đối tác chứ chưa được liên kết một cách có bài bản và mang tính đồng bộ", bà Thanh Trà nhận định.

Phát biểu tại tọa đàm “Kích cầu Du lịch nội địa: Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn", do Tổng cục Du lịch tổ chức cuối tháng 9, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty lữ hành Viettravel thì cho hay, tâm lý của khách hàng trong đợt kích cầu du lịch lần hai hoàn toàn khác lần trước khi nhiều du khách lo lắng sau khi đi từ tâm dịch Đà Nẵng trở về. Do đó, để xây dựng lòng tin, sự yên tâm cho du khách đi du lịch, cơ quan quản lý nhà nước phải có kịch bản dự phòng, xây dựng quy trình bảo đảm cho khách sau chuyến đi.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lúc này các đơn vị càng cần phải phát huy sức mạnh của liên minh du lịch đã được hình thành từ giai đoạn trước. Chỉ có liên minh, liên kết thì các đơn vị mới cho ra được những sản phẩm du lịch chất lượng với giá hợp lý.

"Nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp. Tổ chức du lịch thế giới đưa khẩu hiệu: COVID-19 chuyển đổi du lịch, hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách khác, tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển. Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại”, ông Bình nêu ý kiến.

Có một thực tế là sau đợt phục hồi và kích cầu lần thứ nhất, các DN đã cố gắng triển khai chính sách giá tốt nhất cho thị trường để hút khách vào cao điểm hè 2020, nên sẽ vô cùng khó khăn khi thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn nữa trong đợt kích cầu lần 2.

"Trong thời điểm này, Chính phủ phải đóng vai trò tác động và điều phối cung cầu bằng các chính sách đòn bẩy kinh tế. Chẳng hạn, Chính phủ có thể hỗ trợ 50% chi phí khuyến mãi để kích thích tiêu dùng, thay vì DN tự giảm giá", một chuyên gia nêu ý kiến.

Địa phương nỗ lực khôi phục du lịch

Nhiều địa phương đã lên phương án khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn bằng việc tung ra sản phẩm mới vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa khai thác kinh doanh.

Ngày 4/10, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã tổ chức chào đón đoàn khách đầu tiên quay trở lại Đà Nẵng sau gần 2 tháng hoạt động du lịch bị trì hoãn vì làn sóng dịch COVID-19 lần 2. Để phục hồi ngành Du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng kích hoạt Chiến dịch “Đà Nẵng nhớ bạn - Danang Miss you”, dự kiến kéo dài đến hết tháng 10/2020 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.

Tỉnh Hà Giang cùng 8 tỉnh Tây Bắc đã mở rộng tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch. Thời gian tới, địa phương sẽ giới thiệu cao nguyên đá Đồng Văn với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh cũng xây dựng kịch bản kích cầu ngành du lịch trong tương lai, kết hợp phòng chống dịch. 

Trong khi đó, mới đây, tỉnh Quảng Ninh tung gói kích cầu du lịch mới trị giá khoảng 100 tỷ đồng nhằm thu hút khách.

Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục kéo dài thời gian giảm 50% giá vé tham quan vịnh Hạ Long cho cả khách lưu trú và tham quan ban ngày đến hết 31/12/2020. Đặc biệt, sẽ miễn phí tham quan đối với khách lưu trú trên vịnh Hạ Long vào những ngày lễ lớn như Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ (12/11)… Khách tham quan ban ngày vẫn được miễn vé tham quan vào những ngày lễ theo nghị quyết kích cầu du lịch trước đó.

Các trung tâm du lịch khác như Hà Nội và TP.HCM cũng đã có phương án để đón khách, kích cầu du lịch trở lại như đã mở cửa các loại hình kinh doanh dịch vụ, giải trí, quán bar, karaoke, các tuyến đi bộ...; hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tuyên truyền...; xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn