Kịch bản Uber, Grab rời Việt Nam vẫn kiếm nghìn tỷ, Nhà nước thất thu thuế

Kinh tếThứ Ba, 31/10/2017 16:30:00 +07:00

Nếu Uber, Grab rời khỏi Việt Nam và đặt trụ sở ở nước khác nhưng vẫn cung cấp ứng dụng và kiếm tiền tại Việt Nam thì Nhà nước sẽ không thu được đồng thuế nào từ 2 công ty này.

Bộ Công Thương có văn bản đề nghị cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng phần mềm như Grab, Uber là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải.

Văn bản của Bộ Công Thương nêu, do chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp như Uber, Grab sẽ không chịu trách nhiệm về các vấn đề bảo đảm an toàn cho khách và người trên đường, trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ.

1699393

Nếu Uber, Grab rời khỏi Việt Nam và đặt trụ sở ở nước khác nhưng vẫn cung cấp ứng dụng và kiếm tiền tại Việt Nam thì Nhà nước sẽ không thu được đồng thuế nào từ 2 công ty này. 

Cùng với đó, do chỉ được coi là đơn vị cung cấp phần mềm, các doanh nghiệp này không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống khác như taxi, xe ôm.

Bộ Công Thương lý giải, đây là một nội dung quan trọng mấu chốt để quản lý loại hình cung cấp dịch vụ này.

Phản bác về đề xuất trên của Bộ Công thương, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, Bộ Công thương đang đề xuất quy định coi Uber, Grab là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải chỉ để đặt ra các chính sách theo hướng dễ dàng hơn cho cơ quan quản lý mà không quan tâm đến đối tượng bị quản lý, không quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng.

Luật sư lý giải, trước đây, nếu quản lý taxi truyền thống thì cơ quan quản lý chỉ cần quản lý trên đầu công ty nhưng nếu quản lý Uber, Grab thì nhà nước chỉ thu được thuế của họ trên phương diện họ là doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ thông tin.

Còn đối với những người tham gia vào hệ thống Grab, Uber thì phải quản lý bằng hợp đồng điện tử, bằng thuế hay bảo hiểm, tem dán của Uber, Grab. Lúc này, cơ quan quản lý phải quản lý nhiều nghìn người. Rõ ràng, việc quản lý sẽ khó khăn vất vả hơn.

Nếu bây giờ xóa bỏ được những điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống nữa thì sẽ khó khăn hơn về mặt quản lý của cơ quan nhà nước.

Luật sư nói thêm: “Thực tế, ở Hà Nội muốn xin được giấy phép taxi thì thủ tục rất nhiêu khê, nói thẳng là phải tốn rất nhiều tiền để lo chi phí, thậm chí có những chi phí ngoài.

Trong câu chuyện này, bản thân Bộ Công thương đang đề xuất quản lý đối tượng lại không nằm trong đối tượng quản lý của bộ. Bởi vì, người tham gia chạy Uber, cơ quan quản lý xác định là quản lý theo hợp đồng điện tử thông qua giao dịch giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ, được xác định bằng ứng dụng có Uber, Grab cung cấp, giao dịch thông qua tin nhắn…

Còn Grab và Uber không phải là công ty vận chuyển hành khách vì không có xe, một công ty công nghệ về giải pháp kết nối lại bị áp quy định quản lý như một doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng là vô lý”.

Video: Vinasun dán khẩu hiệu nói xấu Uber, Grab

Luật sư quan ngại, nếu như quy định này được thông qua, đặt giả thiết, Uber và Grab không cần đặt trụ sở, không đặt sever ở Việt Nam mà đặt ở nước khác nhưng lại cung cấp ứng dụng cho người Việt thì lúc đó Nhà nước sẽ không thu được đồng tiền thuế nào của họ, trong khi họ vẫn kiếm tiền ở Việt Nam.

“Bây giờ là thời đại thế giới phẳng, mọi giao dịch đều thực hiện trên internet… Họ cần gì phải ở Việt Nam, giống như Youtube hay Google cũng thế thôi, khi đó chúng ta làm sao thu được thuế của họ, và khi ấy, người thiệt nhất là cơ quan quản lý.

Lái xe chắc chắn vẫn dùng ứng dụng Uber, Grab, người dân vẫn dùng vì họ có mất gì đâu mà nó còn mang lại tiện ích.

Thế nên, thay vì nghĩ cách quản lý nó thì Bộ Công thương hãy mạnh dạn dỡ bỏ các điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống để họ được cởi trói và phát huy được hết nội lực, tăng tính cạnh tranh”, luật sư Truyền nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng doanh thu của Grab trong 3 năm 2014, 2015, 2016 là 1.755 tỷ đồng. Còn tổng doanh thu của hãng này 3 năm 2014-2016 và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng.

Đây là tổng doanh thu đối với hoạt động vận tải thu của khách hàng thông qua ứng dụng Grab, bao gồm cả của lái xe, các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hợp tác với Grab, Uber. Trên thực tế, doanh thu của riêng Grab, Uber được hưởng thấp hơn con số trên.

Đức Thuận
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn