Kí ức người lính: Đoàn tàu không số và bác sĩ Thùy Trâm

Tổng hợpThứ Tư, 22/12/2010 12:42:00 +07:00

(VTC News) - Gặp ông Trần Ngọc Tuấn, chiến sĩ của Đoàn tàu không số huyền thoại ngày nào, nhân vật được nhắc đến trong Nhật kí Đặng Thùy Trâm...

(VTC News) - Gặp ông Trần Ngọc Tuấn (1933, quê Quảng Nam), người chiến sĩ của đoàn tàu "không số" huyền thoại hôm nào một ngày cuối năm giữa Tp. Nha Trang, người ta không khỏi bồi hồi trước tâm tình người lính già vẫn cháy hồi ức một thời hoa lửa.

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ, mộc mạc bừng sáng bởi những chiến công và huân, huy chương ghi dấu quá trình cống hiến của ông cho Tổ quốc. Đặc biệt, những tấm hình, những kỷ niệm về Đoàn tàu không số thì được ông trang trọng treo ở những “điểm nhấn” trong căn nhà…

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Tuấn bồi hồi nhớ lại ký ức một thời chiến đấu dọc suốt tuyến “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”…

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23/10/1961, Bộ đội Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của đoàn 125 Hải quân ngày nay) với mật hiệu “Đoàn tàu không số” để vận chuyển hàng hoá, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên tuyến đường huyền thoại mang tên “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”.
 
(...) Liên tiếp bị đánh và bị thất bại trên các mặt trận trên chiến trường miền Nam, đánh hơi thấy tuyến vận chuyển của ta, địch điên cuồng tổ chức lực lượng đánh phá. Chúng thành lập Lực lượng đặc nhiệm 115 và huy động lực lượng hạm đội 7 và lực lượng hải quân ngụy với các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như tàu thủy, máy bay… để ngày đêm lùng sục ngăn chặn. 

Trước tình hình đó, các con tàu vận chuyển phải hóa trang thành tàu đánh cá của dân, để tránh sự sự truy quét, các con tàu đều “không số”. Những lần gặp địch, cán bộ chiến sĩ trên tàu đã anh dũng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, sau đó phá nát vũ khí, cho nổ tàu hoặc cho tàu lao thẳng vào tàu địch, kiên quyết không để lộ nhiệm vụ hoặc lộ tuyến đường vận chuyển. Không quản ngại mưa bom bão đạn của kẻ thù, những chuyến tàu “Không số” vẫn hiên đưa hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược đến với chiến trường miền Nam…

Trong suốt 14 năm liên tục (1961 -1975) tuyến “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, huyền thoại của bộ đội Hải quân đã có 1.789 chuyến tàu không số vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí trang bị và 80 ngàn lượt cán bộ, vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4000 quả thủy lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

(Trích Kỷ yếu "Nhớ về Những con tàu không số" của tác giả Trần Ngọc Tuấn, Hồ Đắc Thạnh và Phan Nhạn).
 

Người lính già và những trận đánh huyền thoại

Sau khi tập kết ra Bắc, năm 1964 ông Tuấn được cấp trên điều về công tác tại Đoàn tàu không số và được giao nhiệm vụ chính trị viên, Bí thư chi bộ các tàu 55, 56 và 43. Với nhiệm vụ bảo toàn tài sản, tính mạng đồng chí chiến sĩ, vận chuyển an toàn lương thực, vũ khí chi viện cho miền Nam. Cùng đồng đội, ông Tuấn đã trãi qua nhiều thời khắc khi cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc… 

"Người lính già" Trần Ngọc Tuấn cùng đồng đội trên tàu 43 - Đoàn tàu không số
đi chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968

Bùi ngùi ông nhớ lại: “Một trong những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được, đó là mùa xuân đầu năm 1968. Đoàn vận tải 125 Hải quân, tức “Đoàn tàu không số”, được lệnh xuất phát chở hàng vào 4 bến khác nhau ở miền Nam. Tàu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và tôi (chính trị viên) chỉ huy, được lệnh chở vũ khí vào huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để chi viện cho chiến trường này.

Trên đường đi, máy bay và tàu chiến địch đã phát hiện và theo dõi các hoạt động của tàu 43. Trước tình thế đó, tất cả chiến sĩ giả vờ đánh bắt cá, lòng vòng suốt 3 ngày 3 đêm trên biển, và đến đêm thứ ba tàu cũng đến được vùng biển Quảng Ngãi.

Khi cách bến còn khoảng 15 hải lý thì bị tàu chiến địch phát hiện. 
Ngay lập tức chúng đánh tín hiệu truy hỏi: “Anh là ai?”. "Tôi là tàu đánh cá”, chúng tôi trả lời rồi hướng Ba Làng An thẳng tiến. Bỗng một ánh sáng chớp lòe trước mặt. Địch bắn pháo sáng rồi nã pháo tới tấp vào tàu 43, tiếp đến khép dần vòng vây hòng bắt sống con tàu. Thuyền trưởng Thắng hạ lệnh chiến đấu. Ngay loạt đạn đầu tiên, một tàu địch bị cháy. Máy bay địch xuất hiện. Mặt biển sôi lên vì pháo, đạn, cả một góc trời đỏ rực. Tiếng súng DKZ, đại liên của ta đanh thép đáp lại. Một máy bay HU-1A trúng đạn, bốc cháy đâm sầm xuống biển. 

Cuộc quyết chiến không cân sức, tàu ta trúng đạn khiến 3 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương và tàu bị mắc cạn. Trong cơn nguy kịch thuyền trưởng hạ lệnh đập khói mù, khiêng tử sĩ, thương binh lên bờ và ra lệnh hủy tàu”.

Tàu 56 của Đoàn tàu không số chở 44 tấn vũ khí đột phá vào bến Lập An (Bà Rịa- Vũng Tàu), trang bị cho 1 trung đoàn để đánh trận Bình Giã 1964. 

Trầm ngâm, ông Tuấn kể tiếp: “Khi tiếng nổ ầm ầm vang dậy cả một vùng biển cũng là lúc chúng tôi đã nằm trong vòng tay che chở của đồng bào thôn Qui Thiện, xã Phổ Hiệp (Quảng Ngãi). Quân Mỹ đã tiến vào làng. Tiếng la hét inh ỏi khắp nơi. Tiếng giày đinh nện rầm rầm trên nắp hầm bí mật… Mười ngày đêm nằm hầm trong tình trạng thương vong, nếu không có sự đùm bọc, che chở của người dân nơi đây chắc chúng tôi khó mà qua được.

Rồi chúng tôi được du kích cáng lên bệnh xá của chị Đặng Thùy Trâm. Hai lần đi đều gặp địch buộc phải quay lại và đến đêm thứ ba mới về trạm xá trót lọt”.

Ông Trần Ngọc Tuấn bên cuốn Kỷ yếu ký ức khó quên về những con tàu "không số" 

Ký ức đồng đội

Trong những năm tháng ác liệt, “Người lính già” đã cùng với đồng đội tổ chức 9 chuyến vận chuyển vũ khí vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bà Rịa- Vũng Tàu, Trà Vinh. Trong đó có 2 chuyến tàu đặc biệt phục vụ chiến dịch Bình Giã và chiến dịch Mậu Thân 1968.

Giờ đây, ở vào tuổi gần 80, ký ức về đồng đội vẫn luôn như còn nóng hổi trong lòng người lính già. 

"Tôi nhớ như in Anh hùng, Trung úy Nguyễn Phan Vinh (1933-1968, quê Điện Nam, Điện Bàn Quảng Nam), nguyên thuyền trưởng tàu Hải quân trong Đoàn tàu không số. Trong một trận đánh ở Hòn Hèo năm 1968, khi điều khiển tàu đưa vũ khí vào miền Nam, anh đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng để bảo vệ tàu, bảo vệ đồng đội và hy sinh anh dũng.

Năm 1970, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được mang tên anh, đảo Phan Vinh.

Cũng cuối năm 1968, sau sự hy sinh anh dũng của người con trai, thì cha anh, người du kích Nguyễn Đức Mẫn cũng nằm xuống trong một trận chống càn tại quê nhà."

Ông Trần Ngọc Tuấn sống cùng vợ trong ngôi nhà nhỏ giữa TP biển Nha Trang luôn nhắc về đồng chí đồng đội đã hy sinh và ký ức  

Ông Tuấn là “nhân vật” được Đặng Thùy Trâm ghi trong những dòng nhật ký hào hùng. “Tui sống được là nhờ Thùy Trâm và bệnh xá Bắc Mười cũng như người dân thôn Quy Thiện”, giọng ông Tuấn nghẹn lại, mắt nhìn lên tấm ảnh ký ức một thời trai trẻ.

Những lần dưỡng thương, chữa trị tại bệnh xá, hình ảnh cô gái Thủ đô trẻ trung, lạc quan luôn động viên, trông nom suốt đêm thôi thúc ông cố gắng lành bệnh để trở về đơn vị. "Tôi không bao giờ quên được giây phút chia tay trước khi vượt Trường Sơn trở lại đơn vị hôm ngày 10/4/1968. Tôi là người cuối cùng, Thùy Trâm nắm chặt tay nói: “Nhớ và gửi lời tới hậu phương”. Sau khi “hẹn gặp lại ngày thống nhất” Thùy Trâm bật khóc khiến chúng tôi không kìm được lòng mình…”, nói đến đây, ông Tuấn xúc động rơi lệ.

Đoàn tàu không số, nhưng đã được đặt tên cho huyền thoại; và người lính già giờ đây có thể tự hào nhìn lại thời trai trẻ của chính mình và đồng đội thân yêu trong huyền thoại ấy.

Phong Mai
Bình luận
vtcnews.vn