Khu vực Sông Tranh 2: Động đất còn tiếp tục

Thời sựThứ Sáu, 07/09/2012 07:30:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia Vật lý địa cầu nói sẽ còn tiếp tục xảy ra những trận rung lắc ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.

(VTC News) – Chuyên gia Vật lý địa cầu nói sẽ còn tiếp tục xảy ra những trận rung lắc ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2.

Như đã biết, gần 9 giờ tối 3/9, một trận động đất mạnh 4,2 độ richter đã xảy ra ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Tiếp đó, vào khoảng 7h17 phút sáng (6/9) lại có một trận động đất nữa mạnh 3,4 độ richter xảy ra ở khu vực này, gây rung lắc, làm nứt nhà cửa khiến người dân hoảng sợ.

Trước sự việc này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu (Ảnh: Kiều Vui) 
- Theo ông nguyên nhân dẫn tới hiện tượng rung chấn kéo dài có kèm theo tiếng nổ lớn ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là gì?

Hiện nay, có 2 giả thiết được đặt ra về nguồn gốc phát sinh những trận động đất xảy ra từ 3/9 cho đến nay.

Nguồn gốc thứ nhất là do đứt gãy kiến tạo. Người ta cho rằng đới đứt gãy Hưng Nhượng – Tà Vi làm phát sinh ra các trận động đất vừa qua.

Nguồn gốc thứ hai là nguồn gốc động đất kích thích, tức là nó phát sinh do sự tích nước vào hồ chứa của các đập thủy điện. Tại huyện Bắc Trà My có đập thủy điện Sông Tranh 2.

Theo quy luật, sau khi hồ chứa được tích nước một thời gian ngắn sẽ xảy ra các trận động đất có cường độ trung bình do ứng suất của cột nước quá lớn ép xuống lòng đáy của hồ gây ra những xáo trộn về địa chất ở dưới.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà địa chấn học chưa có cơ sở về mặt khoa học để đi tới kết luận nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là do đâu vì chúng ta chưa có các số liệu quan trắc động đất tại khu vực này.

Có một sự thật là độ lớn của các trận động đất xảy ra tại khu vực đó đang tăng dần lên từ năm ngoái tới giờ. Năm ngoái, đã có 2 trận động đất có cường độ mạnh khoảng 3,5 độ richter xảy ra tại chính khu vực gần đập thủy điện Sông Tranh 2, gây ra rung lắc, khiến người dân hoảng loạn.

Đến nay, đã có trận động đất mạnh 4,2 độ richter, như vậy cường độ của các trận động đất đang có xu hướng tăng dần lên. Đó là một điều đáng lo ngại buộc chúng ta phải nghĩ tới việc phải đưa ra những giải pháp an toàn về mặt địa chấn cho khu vực này.

Một vết sụt lún dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Tấn Vũ

- Liệu tính mạng của họ có bị đe dọa nếu tiếp tục sinh sống ở đó? 


Hiện nay, chưa có những báo cáo liên quan tới thiệt hại về người, chỉ có những báo cáo về rung lắc và nặng nhất là bị nứt nền nhà mà thôi. Có thể nói, những trận động đất nhỏ, trung bình ít khi gây ra thiệt hại về người, thường chỉ gây thiệt hại về của.

Tuy nhiên, với xu thế cường độ của các trận động đất tăng dần như hiện nay thì cũng cần phải có các biện pháp an toàn để đảm bảo tính mạng cho người dân ở khu vực đó.

 

Chắc chắn hiện nay đã có những rung lắc như vậy thì trong tương lai sẽ tiếp tục xảy ra các đợt rung lắc khác, gây thiệt hại cho người dân.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

- Dù tuyên bố lượng nước thấm đã giảm 80 - 90%, công việc khắc phục sự cố sắp hoàn thành, nhưng sáng 5/9 báo chí vẫn bị cấm cửa trước đường hầm này. Theo ông, vì sao lại như vậy?

Đó là do quyết định của chính quyền địa phương. Tôi nghĩ là nhiều khi nếu phổ cập quá tức là cho bất kì ai cũng có thể vào khu vực đó thì có thể thông tin chưa được kiểm chứng sẽ lan truyền rất nhanh, gây một số tác động nhất định.

Theo tôi, chính quyền địa phương họ muốn có những phát ngôn một cách chính xác theo một nguồn tin cậy nên mới làm vậy.

- Theo ông người dân ở khu vực này và các khu vực lân cận nên làm gì để tự bảo vệ mình trong thời gian này?

Đó là những kiến thức hết sức cơ bản mà các nước láng giềng đã phổ cập cho ngay cả trẻ em. Tuy nhiên, tại Việt Nam, điều đó vẫn chưa được phổ cập tốt. Khi có động đất, thường gây rung lắc, có tiếng nổ, nên người dân nên có những phản ứng kịp thời.

Nếu rung lắc mạnh, có khả năng sập trần thì không nên chạy ra khỏi nhà ngay mà nên chui xuống gầm giường, gầm bàn – những thứ có thể che chắn cho chúng ta khỏi bị sát thương. Nếu rung lắc yếu, không gây đổ nhà thì ta nên chạy ra khỏi nhà, tới những khu vực rộng rãi, khu đất trống.

- Nên hay chưa nên di dân vào thời điểm này, thưa ông?

Việc di cư hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ người dân người ta có muốn chuyển đi hay không vì nó còn gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, công việc của họ. Điều này cũng phụ thuộc vào chính sách của địa phương nữa.

Theo tôi, về lâu dài, chính quyền địa phương nên phối hợp với ban quản lý đập thủy điện đó để có những cách ly nhất định, di dân dần dần ra khỏi khu vực nguy hiểm vì chắc chắn hiện nay đã có những rung lắc như vậy thì trong tương lai sẽ tiếp tục xảy ra các đợt rung lắc khác, gây thiệt hại cho người dân.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng nên phối hợp với các nhà khoa học. Một trận động đất khi xảy ra bao giờ cũng có những lan truyền rung động. Thường thì khu vực tâm chấn sẽ rung động mạnh nhất, nhưng các khu vực xung quanh cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn