Khu đô thị Splendora: Nơi ước đến, chốn... không mong về

Kinh tếThứ Ba, 07/01/2014 02:03:00 +07:00

Các hợp đồng mua bán nhà tại Khu đô thị và khu chung cư Splendora gần như 100% có "vấn đề"?

Các hợp đồng mua bán nhà tại Khu đô thị và khu chung cư Splendora gần như 100%  có "vấn đề"?

Trong khi bức xúc ở các tranh chấp khác sớm có biện pháp hóa giải thì mâu thuẫn giữa khách hàng và Công ty Liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) vẫn "nổi đình nổi đám" như khi trước "mọc" lên ở phía Tây Hà Nội năm 2009.

Người giàu dở khóc, dở mếu

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Lương Thanh Tú (mã khách hàng là PI 185), đại diện cho nhóm khách hàng mua nhà tại dự án Splendora cho biết, dự án khởi công từ năm 2009, đến nay đang được Công ty An Khánh JVC bàn giao cho khách hàng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng có rất nhiều vướng mắc về chất lượng công trình, gây thiệt hại nặng nề về tài chính cho khách hàng. Mặc dù khách hàng đã nhiều lần yêu cầu họp khách hàng, nhiều lần tập hợp lại xin gặp người chịu trách nhiệm cao nhất là Tổng Giám đốc để đối thoại, nhưng An Khánh JVC đều lảng tránh. Các văn bản tập thể hoặc cá nhân gửi công ty để khiếu nại cũng không được trả lời.


Splendora
Splendora - Bùng nổ tranh chấp 
Trong đơn, nhóm khách hàng tập trung yêu cầu công ty làm rõ một số vấn đề. Thứ nhất là tỷ giá quy đổi từ USD ra VNĐ trong Hợp đồng mua bán nhà cao hơn tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương cùng thời điểm.

Cụ thể, để chuyển từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, vào đầu năm 2011, khi quy đổi tiền USD ra tiền đồng Việt Nam, công ty đã tính trượt giá đồng USD thêm 10%/năm, làm tăng tỷ giá từ 19.200 VNĐ/USD lên tới 23.300 VNĐ/USD.

Tuy nhiên, tỷ giá USD/VNĐ trong hơn hai năm qua không biến động đáng kể, điều này đã gây thiệt hại lớn cho khách hàng, thiệt hại thấp nhất là 500 triệu đồng/căn nhà liền kề, cao nhất khoảng 1,5 tỷ đồng/nhà biệt thự.


Thứ hai là vấn đề bàn giao phần thô căn nhà. Tại điều 5.1 trong Hợp đồng mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất được ký giữa hai bên đã ghi rõ: "Đồng thời với việc thanh toán đợt 2, bên bán và bên mua sẽ tiến hành bàn giao phần thô của căn nhà".

Thế nhưng, đã hơn 2 năm, kể từ ngày thanh toán đợt 2, mặc dù khách hàng đã nhiều lần yêu cầu, An Khánh JVC vẫn phớt lờ không chịu bàn giao phần thô. Nguyên nhân chính không bàn giao khách hàng đều nhận thấy là chất lượng phần thô không bảo đảm.

Nhiều hộ khi đến xem nhà đã phát hiện sự cố như nứt cổ trần, nứt tường, cầu thang lung lay... Thêm nữa là về kỹ thuật công trình, An Khánh JVC đã xây dựng sai với thiết kế.


Bà Đỗ Thúy Loan, mã khách hàng PI 091 cho biết: "Căn nhà liền kề của cá nhân tôi còn có dấu hiệu bị thi công sai so với thiết kế, quá nhiều bất cập như các dầm trần "chạm" đầu, cầu thang từ tầng 3 trở lên bị hẹp đi 15cm, hệ thống đường ống nước thải nằm trên sàn nhà, lắp đặt toàn bộ toilet sai vị trí, mặt ngoài nhà bị lún nứt...".

Tại biên bản kiểm tra nhà, nhiều khách hàng đã kiến nghị, yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn rất chậm chạp, trong khi đó, yêu cầu đóng tiền theo đợt đối với khách hàng, kể cả khoản lãi nếu chậm thanh toán thì được An Khánh JVC gửi cụ thể, chi tiết bắt nộp và truy thu.

Theo tiến độ của dự án, chậm nhất đến tháng 9/2013, An Khánh JVC phải bàn giao nhà, nhưng đến nay đã chậm hơn 3 tháng so với hợp đồng mà đa số khách hàng vẫn chưa được nhận nhà.


Sự vào cuộc của cơ quan chức năng

Do khách hàng khiếu kiện, ngày 23/7/2013, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra. Ngày 30/8/2013, Sở đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 65/QĐ-XPHC đối với An Khánh JVC do tổ chức thi công sai thiết kế cơ sở và yêu cầu "khẩn trương làm việc với khách hàng mua nhà tại dự án để thống nhất ý kiến về việc điều chỉnh độ cao cốt nền sân, bậc tam cấp".

Trong khi đó, ngày 23/8/2013, An Khánh JVC đã gửi văn bản số AK/2013 Aug.23/DT-56 xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc thực hiện điều chỉnh cao độ đường - sân nhà. Việc làm này được thực hiện sau khi An Khánh JVC đã hoàn thiện toàn bộ dự án và thông báo cho khách hàng đến kiểm tra để chuẩn bị nộp tiền bàn giao căn nhà vào ngày 13/8/2013.

Ngày 14/10/2013, tại công văn số 2148/BXD-HĐXD, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo "Những nội dung điều chỉnh thiết kế phải được thẩm tra, thẩm định và phê duyệt lại theo đúng quy định". Cho đến nay, An Khánh JVC vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng.

Thế nhưng trong các công văn gửi Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội và Bộ Xây dựng, An Khánh JVC đều khẳng định: "An Khánh JVC cam kết việc điều chỉnh không làm thay đổi chất lượng công trình, công ty đã chủ động xin ý kiến khách hàng về việc thay đổi".

Tuy nhiên, theo đại đa số khách hàng thì điều này là hết sức vô lý. Vì thực chất, việc hạ cốt sân nhà xuống bằng hoặc thấp hơn mặt đường, hạ cao độ chênh từ cốt đường so với cốt sảnh từ 0,500m - 0,750m (theo thiết kế) xuống còn có 0,155m - 0,300m (theo thực tế) đã ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng công trình, tính thẩm mỹ của ngôi nhà, môi trường sống cũng như thẩm mỹ chung của khu đô thị cao cấp.


Chủ đầu tư nói gì?

Trong buổi làm việc với PV, ông Hoàng Thế Trung, Phó Tổng giám đốc An Khánh JVC và bà Lê Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh, đại diện cho An Khánh JVC, đã phản bác các kiến nghị của khách hàng.

Bà Quỳnh Anh lý giải: "Hợp đồng ghi là đồng thời thanh toán với bàn giao phần thô không có nghĩa là công ty bắt buộc phải bàn giao phần thô. Chủ đầu tư chỉ bàn giao khi khách hàng có yêu cầu. Hơn nữa, khách hàng muốn bàn giao phần thô thì phải nộp tiền trước đã (?)".

Tại văn bản trả lời khách hàng ngày 25-2-2013, An Khánh JVC lưu ý theo điều 5.1 của Hợp đồng mua bán quy định đồng thời với việc thanh toán đợt 2 bên bán và bên mua sẽ tiến hành bàn giao phần thô.

Thế nhưng, thực tế khi khách hàng đã nộp đủ tiền đợt 2 mà An Khánh vẫn không bàn giao phần thô là vi phạm hợp đồng mua bán, chiếm dụng vốn của khách hàng, nên họ yêu cầu công ty phải trả lãi khách hàng từ khi nộp tiền đến thời điểm bàn giao phần thô của căn nhà. Đối với vật liệu hoàn thiện căn nhà, bà Quỳnh Anh cho biết thêm, An Khánh JVC khẳng định nội dung này đã được quy định rõ trong hợp đồng mua bán nhà và phụ lục hợp đồng kèm theo và chủ đầu tư không có nghĩa vụ phải thống nhất lại với khách hàng về vấn đề này. Đây là điều gây bức xúc nhiều cho khách hàng vì khi thi công đã sử dụng nguyên vật liệu không rõ ràng về chủng loại, chất lượng, xuất xứ...


Liên quan đến chênh lệch tỷ giá quy đổi từ USD ra VNĐ trong Hợp đồng mua bán nhà, ông Trung giải thích, An Khánh JVC làm việc với khách hàng trên cơ sở các hợp đồng.

Cụ thể, khi chấm dứt hợp đồng góp vốn, hai bên đã ký bản thanh lý hợp đồng góp vốn và đồng ý thực hiện quyền mua và ký hợp đồng mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất.

Mặt khác, tuân thủ Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71/2010/NĐ-CP và quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, theo đó, giá hợp đồng phải thỏa thuận bằng đồng Việt Nam và không được thay đổi trong suốt quá trình thực hiện.

Vì vậy, An Khánh JVC đã thực hiện việc chuyển đổi giá bán từ USD sang đồng Việt Nam để tuân thủ quy định của Nhà nước.

Việc xác lập giá được tính theo tỷ giá tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán và tính thêm yếu tố biến động giá để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của dự án...


Thực tế, giải thích như vậy của chủ đầu tư, khách hàng của Splendora đã nhận được nhiều, nhưng từ văn bản, giấy tờ đến thực tế vẫn còn một khoảng cách khiến cho khiếu kiện dai dẳng. Với khách hàng thì "nơi ước đến, chốn mong về" như quảng cáo ban đầu của An Khánh JVC trở nên hết sức xa vời.

Theo Hà Nội mới

Bình luận
vtcnews.vn