Không trả đủ tiền 'nhượng' cao tốc TP. HCM – Trung Lương, Công ty Yên Khánh bị phạt 265 tỷ đồng

Kinh tếThứ Hai, 20/08/2018 12:40:00 +07:00

Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIMP Cửu Long) Trần Văn Thi vừa có văn bản yêu cầu phạt Công ty Yên Khánh gần 265 tỷ đồng vì chậm thanh toán Hợp đồng bán quyền thu phí cao tốc TP. HCM – Trung Lương.

Có thể thu hồi quyền thu phí của Công ty Yên Khánh

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, từ cuối năm 2013, Bộ GTVT đã “nhượng” quyền thu phí cao tốc TP. HCM – Trung Lương cho công ty Công ty Yên Khánh. Sau 5 năm thu phí, công ty này đã nộp tương đối đầy đủ theo các điều khoản hợp đồng.

Riêng năm 2018, Công ty Yên Khánh đã nộp 400 tỷ đồng, hiện còn khoảng 265 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ngày qua đơn vị này chưa thể trả hết nợ, trong khi thời gian thu phí còn lại của Công ty chỉ còn 3 tháng (đến ngày 31/12/2018).

Ngày 3/8/2018, Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có văn bản số 244/TB – TCĐBVN đề nghị Công ty Yên Khánh phải nộp toàn bộ số tiền chậm thanh toán.

Cụ thể, trong tháng 8/2018, nộp toàn bộ số tiền phạt sau khi trừ thuế VAT đã nộp. Nếu ngày 25/8/2018 Công ty Yên Khánh chưa nộp số tiền phạt nêu trên thì Tổng Cục ĐBVN sẽ báo cáo với Bộ GTVT thu hồi quyền thu phí và giao cho CIMP Cửu Long để thực hiện thu phí từ ngày 1/9/2018 để thu hồi số tiền phạt hợp đồng bán quyền thu phí.

cao-toc-can-tho-1

Công ty Yên Khánh bị đề nghị truy thu 265 tỷ đồng tại cao tốc Tp.HCM - Trung Lương

Phương án thu hồi tiền phạt Công ty Yên Khánh thế nào?

Theo tính toán của CIMP Cửu Long, số tiền phạt mà công ty Yên Khánh phải nộp căn cứ tại Điều 13 của Hợp đồng số 4746/CIPM – HĐ là 264.736.286.000 đồng.

Ngày 30/7/2018, CIMP Cửu Long đã có văn bản số 1910/CIPM– TCKT gửi Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thành Đô tịch thu toàn bộ giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng (100,2 tỷ đồng) tại thư bảo lãnh số 474/TBL – BIDV. TĐ do Ngân hàng BIDV –Chi nhánh Thành Đô cấp ngày 24/12/2013 để thi hành việc nộp phạt chậm thanh toán Hợp đồng 4746/CIPM – HĐ thay cho công ty Yên Khánh.

Hiện CIMP Cửu Long đang làm việc với Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thành Đô để tịch thu bảo lãnh hợp đồng này.

Số tiền còn lại là 164,5 tỷ đồng đồng theo hai phương án. Thứ nhất: Công ty Yên Khánh tự nguyên giao nộp tiền thu phí hàng ngày, chậm nhất từ ngày 1/9/2018, chuyển tiền thu phí hàng ngày tại các trạm thu phí cao tốc TP. HCM – Trung Lương cho CIMP Cửu Long để nộp vào ngân sách nhà nước .

Tổng Cục ĐBVN và CIMP Cửu Long giám sát việc thu phí hàng ngày của Công ty Yên Khánh tại các trạm thu phí. Số tiền hàng ngày và thời gian thu tiền để đảm bảo thu hồi đủ số tiền phạt còn lại, căn cứ vào tình hình doanh thu hiện nay thì số tiền thu hàng ngày khoảng 1,4 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 01/9/2018 đến khi kết thúc hợp đồng ngày 31/12 năm nay.

Thứ hai: Cơ quan nhà nước thẩm quyền cưỡng chế thi hành ngay từ ngày 1/9/2018, Bộ GTVT thu hồi quyền thu phí đường cao tốc  TP. HCM – Trung Lương giao cho CIMP Cửu Long để thu phí nộp vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của CIMP Cửu Long, Bộ GTVT phối hợp với Công ty Yên Khánh để thống nhất thực hiện theo phương án Công ty Yên Khánh tự nguyên giao nộp tiền thu phí hàng ngày.

Như vậy, sau một loạt các dự án BOT đình đám như BOT cầu Hạc Trì, Cầu Cổ Chiên, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Công ty Yên Khánh tiếp tục dính những lùm xùm trong việc thu phí cao tốc Sài Gòn – Trung Lương.

Video: Lái xe bằng chân trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương: Tài xế bị xử lý thế nào?

Hồ sơ công ty Yên Khánh 

Công ty Yên Khánh có tên đầy đủ là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh. Công ty này được thành lập năm 2005, có trụ sở tại 35-37 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM do doanh nhân 8x - Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985) làm Chủ tịch HĐQT. 

Sau 12 năm hoạt động, vốn điều lệ của Yên Khánh hiện nay là 1.800 tỷ đồng gồm ba cổ đông sáng lập là: bà Đinh Thị Hiên (30%), Vũ Thị Hoan (69,5%) và Đinh Thị Liên (0,5%).

Có thể nhiều người sẽ đặt câu hỏi như bà Vũ Thị Hoan là con cháu của đại gia nào mà có thể lập công ty khi mới 20 tuổi và sở hữu cả nghìn tỷ.

Nhưng xuất thân của bà Hoan khá bình thường. Bà Hoan có chị gái là bà Vũ Thị Hoa – người từng giữ chức thành viên HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC (tính đến tháng 6/2017) và mẹ là bà Đinh Thị Lựu (nguyên quán tỉnh Hà Nam Ninh sau đó tách ra thành 3 tỉnh Hà Tây – Nam Định – Ninh Bình).

Dù tuổi đời còn khá trẻ, xuất thân bình thường song bà chủ của Yên Khánh cũng kịp làm quen với loạt công ty tên tuổi như: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco1, công ty Thái Sơn (thời kỳ ông Đinh Ngọc Hệ làm Chủ tịch HĐQT), hay Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc của đại gia Trần Tuấn Lộc để lập lên nhiều liên danh thực hiện loạt dự án BOT đình đám.

Những dự án BOT có sự góp mặt của Yên Khánh có thể kể đến như:

Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Việt Trì mới (hay còn gọi cầu Hạc Trì). Liên danh thực hiện dự án này gồm: Cienco1 - Yên Khánh - Thái Sơn. Để thực hiện dự án, Liên danh này đã lập ra Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì với vốn điều lệ 265 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của các thành viên Liên danh nhà đầu tư lần lượt là CIENCO1 20% (53 tỷ đồng), Yên Khánh 40% (106 tỷ đồng) và Thái Sơn 40% (106 tỷ đồng).

Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn Km 123 + 105 – Km 268 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Chủ đầu tư dự án là liên danh: Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng, Công ty Thái Sơn và Công ty Yên Khánh. Liên danh trên đã thành lập Công ty TNHH BOT và BT quốc lộ 20 có số vốn điều lệ là 555,3 tỷ đồng do ông Nguyễn Việt Dũng làm đại diện pháp luật. Trong đó, Tổng công ty 319 góp 222,12 tỷ đồng (tương đương 40%), Công ty Thái Sơn và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh mỗi công ty góp 166,59 tỷ đồng (tương đương 30%).

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng do liên danh: Tuấn Lộc – Yên Khánh - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty cổ phần Hoàng An - Công ty cổ phần Đầu tư Cầu đường CII làm chủ đầu tư. Để thực hiện dự án, liên danh trên đã lập ra Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Trong đó Yên Khánh và Tuấn Lộc mỗi bên chiếm 30% vốn, 40% còn lại chia đều cho các cổ đông khác.

Ngoài ra Yên Khánh còn góp mặt ở loạt các dự án BOT khác như, Yên Khánh hợp tác cùng Cienco 1 để đầu tư xây dựng dự án cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng. Theo nguồn tin của VietnamFinance, Công ty Yên Khánh là cổ đông chiến lược của Cienco1 với tỷ lệ sở hữu 28,28%.

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Bình luận
vtcnews.vn