Không tiêm phòng sởi, bé gái nguy hiểm tính mạng

Sức khỏeThứ Hai, 03/03/2014 01:56:00 +07:00

(VTC News) -Không tiêm vắc xin phòng sởi nên bé gái này bị suy hô hấp, nguy hiểm tính mạng.

 

Bệnh nhi Bùi Kiều Tr. (16 tháng tuổi) bị bệnh sởi biến chứng suy hô hấp vừa được các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cứu sống.

PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi sởi, đã chuyển sang giai đoạn biến chứng viêm phổi nặng.

 

Hình minh họa.

 

“Đây là trường hợp sởi biến chứng nặng nhất mà Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ đầu mùa dịch đến nay”, bác sĩ Dũng đánh giá.

 

Bệnh nhi  Kiều Tr nhập viện trong tình trạng sốt cao, đã nổi ban ba ngày, suy hô hấp, có lúc ngưng thở. Theo thông tin của mẹ bệnh nhi thì bé chưa tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Qua theo dõi thể trạng, các bác sĩ Khoa Nhi, kiểm tra các xét nghiệm, máu thông thường để xem phổi có xâm nhập virus hay không. Tuy nhiên, bệnh nhi đã bị suy hô hấp nặng, cho thở máy nhưng ô xy không lên.

“Bệnh nhi rất khó kiểm tra tim, các bác sĩ phải siêu âm liên tục nhưng không thấy tổn thương trực tiếp nên tiếp tục điều trị tích cực”, BS Dũng nói.

Các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị tích cực, cho bệnh nhi thở máy suốt 5 ngày.Đến nay, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, có thể tự hô hấp bình thường, không cần sử dụng máy thở và dần hồi phục, sức khỏe tiến triển tốt.

Theo các chuyên gia, triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là: có sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Năm 2010, trên thế giới, cứ mỗi 4 phút có một người chết vì bệnh sởi. Tại Việt Nam, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm liên tục, giảm mạnh qua các năm triển khai chương trình tiêm chủng toàn quốc, tỷ lệ mắc bệnh năm 2012 đã giảm 830 lần so với thời kỳ trước khi triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (năm 1984).

Vào năm ngoái, các quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Australia đều có số trường hợp mắc sởi gia tăng so với năm 2012.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ: Ở Việt Nam, năm 2013 cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Trong tháng 01/2014, đã có 241 trường hợp mắc ở 24 tỉnh/thành phố, số mắc tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.  

Lứa tuổi mắc bệnh sởi chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (75,9%), đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm trên 60%. Tại Hà Nội trẻ dưới 5 tuổi chiếm 86,7% tổng số trẻ mắc bệnh.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc chưa nhận được đủ số mũi tiêm: các tỉnh, thành phố có trên 30% số mắc chưa được tiêm vắc xin, riêng Hà Nội và TP. HCM có trên 89% số mắc chưa được tiêm vắc xin sởi.

Hôm nay (3/3), Hà Nội tổ chức tiêm vắc xin sởi thành 2 đợt, đợt đầu từ ngày 3 đến 10/3 và tiêm vét đợt 2 từ ngày 3 đến 10/4. Dự kiến có khoảng 60.000 trẻ sẽ được tiêm vắc-xin phòng sởi dịp này.

 

Bình luận
vtcnews.vn