"Không thể mãi đóng vai MC giới thiệu Bùi Xuân Phái"

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 06/09/2010 01:11:00 +07:00

(VTC News) - "Đến một lúc nào đó tôi cũng phải dừng lại, chứ không thể suốt cuộc đời mình đóng vai 1 MC giới thiệu về cụ Phái" - con trai Bùi Xuân Phái thổ lộ.

(VTC News) - “Công tâm mà nói, tranh cụ Phái không phải bức nào cũng đẹp và tranh của Phương không phải tranh nào cũng dở. Tuy nhiên từ khi cụ Phái mất đến nay thì cả nhưng bức tranh chưa đẹp của cụ cũng vẫn đắt hơn tất cả những bức tranh đẹp của tôi”- con trai cố danh họa Bùi Xuân Phái nói về tác phẩm của cha và của mình. 

36 tác phẩm về Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa được trưng bày tại Viện Goethe 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội cuối tuần qua nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của cố hoạ sĩ. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Bùi Thanh Phương, con trai danh họa. 

"Tôi không bận tâm vị trí của mình đang ở đâu"

-. Được biết gần đây Natasha (vợ của cố họa sĩ Vũ Dân Tân) đã gặp anh và đặt vấn đề tổ chức một cuộc triển lãm tranh ở thập niên 80, 90 trong đó có một số bức của anh. Nhưng hình như anh không muốn?


- Tôi thấy không riêng gì hội họa mà trong nghệ thuật nói chung, trường hợp một cá nhân phủ nhận một giai đoạn nào đó đã qua trong cuộc đời mình là chuyện rất đỗi bình thường. Thậm chí khi quay đầu lại nhìn, có người còn uất hận, đau khổ với chính mình. Cuộc hành trình của người nghệ sĩ là cả một quá trình tự đẽo gọt, loại bỏ đi những cái thừa, những cái không hoàn thiện trong sự nghiệp của mình. Giai đoạn cuối của sự đẽo gọt, nhìn họ sẽ hoàn hảo hơn, tiến bộ hơn.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái. 
Natasha đã đến chơi và nói chuyện về dự định muốn làm một cuộc triển lãm trong bộ sưu tập tranh của các họa sĩ Việt Nam mà Natasha sưu tập được từ những thập niên 80, 90 ở thế kỷ trước, trong đó có một số tranh tôi vẽ trong giai đoạn này. Đây là dự định thú vị và đáng trân trọng. Thế nhưng quan niệm nghệ thuật của tôi đã được biến đổi theo từng giai đoạn của đời người. Tôi thấy tranh mình ở giai đoạn đó có quá nhiều thứ thừa, chỉ nên giữ lấy một, hai tác phẩm làm kỉ niệm. Đặc biệt, trước năm 1987, tôi chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ cha tôi, Bùi Xuân Phái.

- Chúng ta biết Bùi Thanh Phương đang muốn vẫy vùng thoát bớt ra khỏi cái bóng của cụ Bùi Xuân Phái, nhưng có cần phải quyết liệt và cực đoan đến thế?

- Thực ra thì với tôi, lý do này quan trọng hơn: Đó là, không phải lúc nào quan điểm nghệ thuật cũng đúng, nhất là khi người ta còn trẻ, ở một góc độ nào đó, có cái gì hơi hiếu thắng và ngông nghênh. Tuổi trẻ đượm nhiều cảm xúc, vừa chủ quan, vừa hạn chế về trải nghiệm mà lại đầy tự tin. Bây giờ, tôi đã kinh qua bao nhiêu khó khăn vấp váp, đã xây dựng cho mình một chừng mực điềm đạm trong cá tính, trong cách sống chứ không còn hoắng lên như hồi trẻ. Tranh của tôi thời ấy khác bây giờ. Thời ấy mình hồn nhiên, mình vẽ hoàn toàn là cuộc chơi, cũng có bán nhưng với giá rất rẻ. Các phương tiện thông tin đại chúng lúc đó cũng chưa chú ý đến hội họa nhiều, vì thế mà hội họa với xã hội không có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng rãi như hiện nay.

Nói chung, khi xem lại số tranh mình vẽ từ thuở đầu bước vào cuộc hành trình trên con đường hội họa, tôi đã không hài lòng. Nhưng nó đã thuộc sở hữu của Natasha, nếu tôi còn giữ thì chắc sẽ xóa trắng rồi. Tôi nói với Natasha rằng, nó chỉ có giá trị là dấu vết của một thời đã qua, bây giờ Phương vẽ khác. Tôi nghĩ khi người họa sĩ còn sống, họ có quyền bày tỏ chính kiến về những tác phẩm của mình và họ có thể đồng ý hay không chuyện tham gia vào một cuộc triển lãm bày trước công chúng.

Bùi Thanh Phương và cha, họa sĩ Bùi Xuân Phái (Ảnh tư liệu gia đình). 
- Bùi Xuân Phái đã tạo ra một "thương hiệu Phố Phái" với những đặc trưng riêng khác. Vậy đâu là đặc trưng của tranh Bùi Thanh Phương, và anh nhận định thế nào về vị trí của mình trong làng hội họa Việt Nam hiện tại?


- Thời điểm này, tôi không xem tranh của mình là thành công nên cũng chưa nói đến “đặc trưng”. Hãy để các cuộc trưng bày sau này người xem đánh giá về tranh của tôi ra sao, như thế sẽ khách quan hơn.

Phải nói rằng, tôi ảnh hưởng bởi cha một cách tự nhiên, từ nét chữ, giọng nói, đến lối giao tiếp hóm hỉnh của cụ - không hề có sự bắt chước. Về quan điểm nghệ thuật, cách vẽ, tôi nghĩ mình giữ lại và duy trì theo lối cụ Phái cũng tốt, nhưng tôi ý thức được mình phải thoát ra khỏi cái bóng của cha bằng mọi cách để đi tìm lối đi riêng. Ảnh hưởng bởi phong cách của cha thì tôi có thể xóa đi hoặc chữa lại bằng cách phát hiện và tìm những đề tài mới mẻ, những đề tài mà Bùi Xuân Phái chưa vẽ đến.

Tôi thích cô đơn một một góc, một cõi riêng chứ không quan trọng lắm chuyện hớn hở đua chen, cạnh tranh nhau. Làng hội họa họ vẽ thế này, tôi vẽ thế kia, đó là việc của mỗi người. Tôi không bận tâm việc vị trí của tôi ở đâu. Bạn cụ Phái xưa kia cũng đa phần là những người vẽ rất bình thường, tài năng của họ đã rơi vào quên lãng, trừ một số người như ông Sáng, ông Liên, ông Nghiêm. Nhưng thời đó các ông đến với nhau bằng cái tình chứ không phải cùng đẳng cấp về tài năng thì mới chơi thân được với nhau.

 
Một số tác phẩm của họa sĩ Bùi Thanh Phương. 

Người MC giới thiệu Bùi Xuân Phái và đi kiện vì Bùi Xuân Phái

- Vì sao sự kiện ồn ào cuối năm 2008 về việc anh vác đơn đi kiện tổ chức Sotheby’s bán tranh giả của cụ Phái sau đó lại im hơi lặng tiếng thế?

- Theo suy đoán của tôi, chính bên sở hữu tranh đã tự mua tranh của mình, tự mình "làm giá" - chuyện đó thường xảy ra nhiều. Ví dụ, họ chịu mất chút tiền ký gửi bán trong hãng đấu giá danh tiếng một sê-ri tranh của cụ Phái (toàn tranh giả), họ biết là giả nhưng lại mua với giá cao, 120 nghìn đô với một bức tranh giả. Tôi nhận định là họ tự bán tự mua. Động tác này giới buôn tranh “cáo già” gọi là "tiền ở túi bên trái chuyển sang túi bên phải" họ chỉ chịu mất một chút tiền phần trăm cho hãng tổ chức đấu giá nhưng họ thu được cái lợi là số tranh giả đó của họ trở nên có giá trị rất lớn trong dư luận nước sở tại, từ đấy họ rất dễ bán chúng.

Nếu như họ đưa những tranh giả của cụ Phái vào một bộ phim rồi bộ phim ấy rất hot, rất ăn khách, doanh thu lớn thì tôi mới đòi tiền bồi thường. Nhưng bản thân tổ chức làm giả chưa thu được cái lợi nào nên tôi nghĩ mình nên dừng lại ở đó. Tôi cứ kiện họ, rốt cục kết quả chỉ là họ sẽ đứng dậy xin lỗi, rồi lại bắt tay thôi, bởi vì họ nói không phải họ vẽ, họ là nạn nhân thì mình đành chịu. Không phải tôi sợ lý do này khác mà tôi hiểu nếu tiếp tục kiện, tôi sẽ tốn kém ít nhất 50 nghìn đô. Nếu số tiền đó tôi có, thà rằng tôi nhập vào số Qũy giải thưởng Bùi Xuân Phái có phải có hiệu quả hơn là việc cứ cố công theo kiện mà bến bờ thì không thấy đâu.

- Vậy rốt cuộc những động thái ồn ào của anh đối với hãng đấu giá nọ có mang lại điều gì?

- Cái tuyệt vời trong tranh cụ Phái là không ai có thể làm giả được. Bởi đặc thù trong tranh cụ là dùng dao miết, sau đó mới xử lý bằng bút cho mềm mại đi, nên có những bức nửa thế kỉ mà màu vẫn trong vắt. Điều tôi đạt được trong vụ Sotheby’s là khiến họ thận trọng hơn, biết tôn trọng "chủ nhà" và bản quyền tác giả, chứ không nhâng nháo "múa gậy vườn hoang'' như trước nữa. Sau vụ kiện, tôi nhận được khá nhiều những bức thư gửi đến từ nước ngoài, muốn xin bằng được chữ kí của tôi để xác nhận những bức tranh của Bùi Xuân Phái. Nếu người sở hữu bức tranh thật của cụ Phái muốn in chúng vào sách thì không nhà xuất bản nào dám chấp nhận in nếu không có chữ ký của tôi xác nhận đó là tranh của Bùi Xuân Phái.

- Có vẻ như khi nhắc đến Bùi Thanh Phương thì người ta vẫn thấy những hoạt động liên quan đến di sản của cụ Phái nổi bật hơn là hình dung về một phong cách hội họa độc đáo của cá nhân Bùi Thanh Phương. Anh có chạnh lòng không?

- Vấn đề của mình, tôi tạm gác sang một bên, không muốn chạm đến. Cái quan trọng cần được phổ biến bây giờ là di sản hội họa của cụ Phái, tôi coi đó là trách nhiệm lớn lao của mình. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó tôi cũng phải dừng lại thôi, chứ không thể suốt cuộc đời mình phải đóng vai một MC giới thiệu về cụ Phái. Có người trêu, bây giờ tôi đã trở thành "ngôi sao truyền hình", thực ra, vì tôi đã xem đó là công việc, là trách nhiệm nên buộc phải cố gắng thôi, đem những gì mình biết về cụ Phái để chia sẻ với mọi người. Hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu thấu đáo về Bùi Xuân Phái. Tôi hỏi bạn, ngoài tôi ra bây giờ còn ai là người thấu hiểu, và nắm giữ được nhiều những câu chuyện về Bùi Xuân Phái?

Tôi tự hào là hậu duệ của danh họa họ Bùi, nhưng tôi ý thức được rằng không bao giờ nên vênh váo với thành tựu của người khác, ông là thân sinh ra tôi, nhưng ở góc độ nghệ thuật thì ông vẫn là "người khác" đối với tôi chứ. Tôi có một niềm tin khá "ngông" (nhưng chỉ âm thầm trong tâm trí thôi nhé) rằng sẽ có lúc nào đó người ta nói về tôi, người ta sẽ nghĩ đến Bùi Xuân Phái. Chứ không phải như bây giờ, nói về Bùi Xuân Phái chán chê rồi họ mới kéo tôi vào một chút. Tình trạng này nếu kéo dài mãi, quả thật mình cũng không tránh được những mặc cảm và tổn thương của người nghệ sĩ.

Bùi Thanh Phương tại buổi triển lãm tranh của cụ Phái khai mạc cuối tuần trước tại Viện Goethe (Hà Nội). 
Một điều nữa là hồi trước tranh của cụ Phái xuất hiện ở thị trường cũng nhằm cải thiện kinh tế gia đình lúc bấy giờ. Lần đầu tiên tôi nói: "Những bức tranh này bố sẽ bán được ngay nếu muốn". Hồi đó đầu thập niên 80 ở thế kỷ trước, ở Hà Nội chỉ có một gallery nhỏ số 7 Hàng Khay là nhận tranh ký gửi tranh của các họa sĩ. Tôi đem những bức tranh nhỏ của cha và cả của mình kí gửi ở đó. Tranh của hai bố con bán bằng giá nhau, số lượng thì có tuần tranh ông bán được nhiều hơn, có tuần lại ít hơn.

Khác với cái đám đông "mê tín" xem tranh Bùi Xuân Phái chỉ có khen trở lên, tôi nhìn tranh cụ rất chân thực và khắt khe. Có lúc tôi nghĩ, nếu cha còn sống tôi sẽ bảo ông nên sửa chỗ này chỗ kia trên một số bức vẽ của ông. Tôi nói vậy không có nghĩa sự ngưỡng mộ cha trong tôi bị suy giảm. Công tâm mà nói, tranh cụ Phái không phải bức nào cũng đẹp và tranh của Phương không phải tranh nào cũng dở. Tuy nhiên từ khi cụ Phái mất đến nay thì cả nhưng bức tranh chưa đẹp của cụ Phái cũng vẫn đắt hơn tất cả những bức tranh đẹp của tôi. Đây là điều tất yếu, bởi cụ Phái đã kết thúc vẻ vang trang sử cuộc đời thì cái gì thuộc về cụ Phái với thiên hạ cũng đều quí giá, từ những di bút viết tay, đến những đồ dùng như chiếc đồng hồ, cái kính cụ Phái từng dùng cũng rất có giá trị, huống hồ lại là tác phẩm của cụ Phái. Do đó sự so sánh nào cũng là thừa. 

Bức tranh đắt nhất của danh họa Bùi Xuân Phái 

- Nói về trị giá tranh Bùi Xuân Phái ở Việt Nam và trên thế giới, anh có thể cho biết bức có giá cao nhất đến thời điểm này là bức nào?

- Tranh đắt nhất của Bùi Xuân Phái đến thời thời điểm này là bức "Hà Nội năm 46" thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn, có khách đã trả tới 200 nghìn đô mà tới giờ người sở hữu vẫn chưa bán. Tôi nghĩ trong tương lai nó có thể sẽ lên đến giá cao hơn nữa.

Đó là một bức tranh mà Bùi Xuân Phái vẽ rất chăm chút. Thông thường, cụ vẽ càng nhanh càng đẹp nhưng những bức vẽ nhanh đó chưa thể gọi là tuyệt phẩm, chưa khiến người ta lùi xa tiến gần chiêm ngưỡng và đắm mình trong thưởng ngoạn. Người ta đang săn tìm các đối tượng sở hữu những bức tranh "lăn ra ốm" của cụ Phái. Sở dĩ gọi như vậy vì trong nhật kí của mình, cụ Phái có ghi lại là "hôm nay mình dốc hết sức, vắt kiệt sức lực để hoàn thành xong một tác phẩm, bây giờ thấy trong người ngây ngây sốt, sắp sửa lăn ra ốm”.

Bức Hà Nội năm 46, bức vẽ mà theo thông tin từ họa sĩ Bùi Thanh Phương, là bức tranh Phái có giá cao nhất hiện nay. 
Thời cụ Phái, cứ cách một vài năm lại có một cuộc triển lãm hoặc toàn quốc hoặc ở Hà Nội. Ông tập trung thời gian để vẽ cho triển lãm chứ không phải vẽ chơi như vẽ chèo, phố. "Lăn ra ốm" ấy không nằm ở chèo, ở phố. Mỗi khi cụ lôi cái toan to trắng ra sân để vẽ một tác phẩm đáp ứng kịp thời vào cuộc triển lãm trước công chúng thì trách nhiệm và ý thức công dân được đặt lên hàng đầu, được thể hiện ở mỗi bức "lăn ra ốm" ấy.

Nếu đưa ra câu hỏi bức tranh nào của cụ Phái đẹp nhất trong nhà tôi hoặc trong giới sưu tập có thì thường bạn sẽ nhận câu trả lời, bức tranh to nhất của cụ Phái là bức đẹp nhất. Thể tạng cụ Phái từ khi còn trẻ vốn đã thư sinh, yếu ớt. Thường thì bức tranh được vẽ theo khổ 90 cm x 1,2 m. Có những bức lớn hơn như "Quốc Tử Giám" lên đến 1,6 m x 1,2 m. Sau mỗi bức tranh ấy là cụ lại ốm, nằm bệt trên giường mất vài ngày.

Mỗi bức tranh ấy xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ của ông. Cha giải thích riêng tư với tôi rằng "bố ăn lương của Nhà nước, phải phục vụ tận tụy". Bấy giờ tổ dân phố thắc mắc "sao ông này không đi làm, chỉ ở nhà bôi bôi vẽ vẽ mà lương ông ý cao nhất phố luôn, lạ thật!". Do đó, cha tôi rất có trách nhiệm, cứ độ 3 tháng hay một quý lại có tranh để báo cáo. Cụ Phái luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu ở mức độ làm thế nào đẹp, đạt giá trị nghệ thuật và nội dung.

Cần phải nói thêm, có triển lãm của Bùi Xuân Phái, báo chí đưa tin là 60 bức tranh của ông được trưng bày, công chúng hồ hởi đến xem nhưng thực ra đó chỉ là những nháp minh họa bé bằng 3, 4 ngón tay. Cái đó nếu gọi là bức tranh là sai mà phải gọi là di bút, ký họa, giá trị của nó không cao lắm, nếu có bán thì cũng rất rẻ. Vì thế mà nhiều người hiểu lầm giá tranh cụ Phái không bằng tranh của các họa sĩ đương thời. Tôi nghĩ giá tranh thời nào cũng vậy, nó nằm ngoài giá trị nghệ thuật. Người xem không nên nghe giá tranh để mà xem tranh mà hãy nhìn vào chính bức tranh, bằng cái nhìn của người hiểu biết. Nhiều họa sĩ trẻ hay khủng bố ngươi yếu bóng vía bằng cái giá rất cao, người mộ điệu không quan tâm đến cái giá anh ta nói, mà nhìn thẳng vào tác phẩm của anh ta là hiểu được ngay anh ta đang ở đâu.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Thu Hồng (thực hiện) 
Bình luận
vtcnews.vn