Không thể là người tốt, khi im lặng trước cái xấu

VTC News 10 năm hành trình nhân áiThứ Năm, 05/07/2018 15:34:00 +07:00

Không thể là người tốt, khi im lặng trước cái xấu, bởi im lặng – nghĩa là đồng lõa.

Ngày 7/7 này, Báo điện tử VTC News tròn 10 tuổi. Đây là dấu mốc chặng đường đầy chông gai nhưng cũng nhiều quả ngọt của VTC News. 10 năm, chặng đường chưa dài, nhưng VTC News đã là một trong những tờ báo điện tử hàng đầu và uy tín của đất nước. Từ hôm nay, chúng tôi sẽ đăng tải các bài viết, những câu chuyện tiêu biểu thực hiện trong 10 năm qua. Đây là chuyên đề nằm trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm VTC News.

Tôi rất thích câu nói của Tony buổi sáng: “Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm, nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng.”

Nhà văn người La Mã Publilius Syrus từng nói, “người dung thứ cho cái ác làm tổn thương cái thiện”, mà trong cuộc sống, điều đúng đắn nhất là nuôi dưỡng và giúp cuộc đời có lòng tin vào cái thiện.

Bởi lòng tin vào cái thiện, như một thứ tín ngưỡng vô hình được xác lập, luôn tồn tại trong mỗi con người, hướng con người vượt qua khó khăn, tới những điều bao dung và đẹp đẽ hơn.

Đó là lý do giữa rất nhiều sự lựa chọn đủ để an toàn, tôi chọn đứng giữa những áp lực có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi – bằng những bài bình luận phản biện xã hội, đi ngược lại cả dòng người theo hiệu ứng đám đông ào ào như lũ cuốn, đấu tranh đến cùng vì lẽ phải, vì điều đúng đắn.

Còn nhớ, những bài bình luận đầu tiên, tôi không dám để tên thật, luôn là một bút danh nào đó rất vu vơ và chưa từng được dùng. Giống như sự dũng cảm, mới chỉ dừng ở mức đứng trong bóng tối, ném về phía đám đông đang hừng hực khí thế a dua kia, một ngọn lửa đối chọi.

Những bài viết còn chưa kịp kí tên thật đó “bị” share khắp các diễn đàn lớn nhỏ, khắp các group, hội nhóm, trang cá nhân của những người cho rằng quan điểm đó sai.

Một trong những bài viết đầu tiên với tựa “Quỳ khóc giữa đường xin làm bán hàng: Đớn hèn, ăn vạ xã hội”, phản biện lại những chàng trai khỏe mạnh, không khiếm khuyết cầm tấm biển đứng giữa đường quỳ khóc van xin một công việc, tôi gần như bị “xâu xé” bởi những lời chỉ trích nặng nề nhất, thậm chí sự chỉ trích đến từ chính đồng nghiệp của mình.

a (3) 4

 Chúng ta cổ vũ cho cả xã hội tiến lên, chứ không phải vỗ tay cho những thế hệ đi giật lùi, để rồi sinh ra những con người – nhất là người trẻ trở nên bạc nhược đến thế.

Tôi rơi vào trạng thái hoang mang, mình sai hay đúng? Tôi lục lại tư duy của chính mình, bài báo được viết với mục đích gì? Làm ơn – hãy dừng việc cổ xúy cho những hành động đớn hèn đó lại.

Chúng ta cổ vũ cho cả xã hội tiến lên, chứ không phải vỗ tay cho những thế hệ đi giật lùi, để rồi sinh ra những con người – nhất là người trẻ trở nên bạc nhược đến thế. Bởi cuộc sống có rất nhiều sự chọn lựa, ngay cả giữa những nghịch cảnh tưởng chừng khó khăn nhất.

Sau khi bình tĩnh lại, tôi thấy mình đã đi đúng đường, bởi sự bênh vực mù quáng của đám đông, ngay sau đó, hệ quả đã sinh ra không chỉ một, mà thêm nhiều chàng trai như thế, thiếu dũng khí và thiếu cả lòng tự trọng, gào khóc van xin ban ơn một công việc.

Có lần, sau khi phóng viên được cử đi phản ánh các lễ hội lớn đầu năm, và mang về hình ảnh, clip đâu đâu cũng thấy những người là người, nghi ngút khói hương, sì sụp khấn vái, cầu ước; con người đối xử với nhau như kẻ thù, hỗn chiến dã man bằng nắm đấm, gậy gộc, hung hăng và cả máu để cướp lộc với mong muốn may mắn, ăn nên làm ra, rồi cả …đẻ con trai, Tổng biên tập nói “cần một bài viết phê phán tình trạng này’’.

Tôi xem lại hết những điều đã và đang diễn ra khắp các lễ hội, rồi viết “Xã hội làm 'nô lệ' cho thánh thần và dấu hiệu 'mạt vận' của văn hoá”. Tôi cho rằng, một xã hội quỳ xuống khấn vái, ước ao, một xã hội biến mình thành nô lệ của hương khói và thánh thần, thì văn hóa, rồi cũng đến hồi “mạt vận”, khi sự mê tín cực đoan đẩy con người vào sự ngu muội và làm trỗi dậy tính dã man nhất, ác độc nhất, hình thành cả một thế hệ hung bạo.

Bài viết vấp phải làn sóng mạt sát của những “con nhang đệ tử” đang mua thần bán thánh khắp các đền chùa miếu phủ, thậm chí cả những người đầy học thức vì một chút mê tín mà cả tin đến mê muội. Bài viết còn có tác động trực tiếp và mạnh mẽ hơn khi mở rộng vấn đề sang yếu tố văn hóa.

Capture 7

 Một xã hội quỳ xuống khấn vái, ước ao, một xã hội biến mình thành nô lệ của hương khói và thánh thần, thì văn hóa, rồi cũng đến hồi “mạt vận”

Nhưng lần này, lòng tôi đã không còn chút gợn. Đứng trước cơn bão bình luận ập đến, tưởng chừng có thể quét sạch tư tưởng tốt đẹp truyền tải, biến cái đúng thành cái sai, tôi bình tĩnh phản biện, nối dài quan điểm bằng sự tác động đến các cơ quan chức năng có thể can thiệp và thay đổi. Tư duy đúng, đã phần nào chiến thắng, khi sự vào cuộc kịp thời phần nào thay đổi sự mông muội của không ít người đang gá niềm tin vào thánh thần kia.

Đến khi chạm tới những vấn đề gai góc hơn, tôi mới thực sự hiểu thứ áp lực khủng khiếp không chỉ đến từ dư luận, mà còn đến từ những cuộc điện thoại gây sức ép từ nhiều phía, của bài toán uy tín tờ báo hay đòi hỏi kinh tế, khi đấu tranh bảo vệ quan điểm của tòa soạn.

Hàng loạt bài bình luận xã hội, “Cuộc chiến chống cướp vỉa hè: Bất thường, nhưng cần thiết’’, “Ông Chủ tịch TP.HCM nói vậy là sai rồi’’, “Những kẻ không ghê tay khi đẩy người khác vào cái chết thảm khốc’’, “Những kẻ hợp lực kéo dài nỗi buồn chiến tranh’’, “Khi cái ác lên ngôi trong xã hội ngày càng vô luật pháp”, “Bất lực nhìn cái ác đang dần chiến thắng”, “Tin đồn bắt cóc trẻ em: Những lượt share ngu dốt, vấy máu’’…đã vượt lên những áp lực, đến với bạn đọc, góp tiếng nói vào cuộc đấu tranh chống lại những tư duy lệch lạc, lối hành xử hoang dã và thiếu tính người, vì một xã hội thượng tôn pháp luật.

Giống như ông Đoàn Ngọc Hải, dám đứng ra giữa búa rìu dư luận, giữa rất nhiều lợi ích cá nhân để tuyên chiến với những kẻ cướp vỉa hè trắng trợn, đẩy người dân xuống giữa lòng đường với thần chết mà bao nhiêu năm tưởng chừng không ai làm gì nổi chúng, thì người cầm bút, đồng quan điểm ấy, dám nói lên những điều đi ngược lại với tư duy đám đông, ngược lại với nếp nghĩ ăn sâu bén rễ, ngược lại với rất nhiều lợi ích, toan tính bất chính, nói tiếng nói của lương tâm, của lối suy nghĩ và hành xử văn minh.

Khi đứng giữa sự lựa chọn viết – chịu mọi áp lực và im lặng, tôi đã chọn cách thứ nhất. Nói như Nobel Hòa Bình Martin Luther King: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt". Cầm bút là công việc cao quý - của người tốt – mà người tốt, thì nhất định không thể im lặng trước cái xấu.

Video: Nụ cười Suối Sát cất lên rực rỡ, trong trẻo giữa núi rừng Tây Bắc 

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn