'Không thể đem cái nghèo ra biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật'

Ý kiếnThứ Hai, 20/04/2020 15:44:15 +07:00
(VTC News) -

Mặc dù rất thương chị bán rau bị thu giữ hàng hóa ở Quảng Ninh, nhiều độc giả VTC News cho rằng không thể mang cái nghèo ra để biện minh cho hành vi vi phạm.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết "Phẫn nộ cán bộ tịch thu rau ở Quảng Ninh, nhưng không thể bênh vực người bán" của VTC News nhận được nhiều ý kiến bình luận đa chiều. Nhiều độc giả tiếp tục phê phán cách hành xử của bà Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Số khác cho rằng nữ cán bộ cũng cần được thông cảm cho phát ngôn thiếu kiểm soát lúc ức chế, bởi chị bán rau vi phạm nhiều lần.

Đối với người bán hàng rong, nhiều bạn đọc đồng tình rằng tuy phẫn nộ với cách phát ngôn lệch chuẩn của cán bộ thì cũng không thể bênh vực cho sai phạm của chị.

Nghèo cũng phải tuân thủ pháp luật

Độc giả Lá Diêu Bông cho rằng, cả nước hiện có rất nhiều người bán rong, nếu ai cũng xử sự như thế thì pháp luật khó giữ được tôn nghiêm: "Phát ngôn của phó chủ tịch phường trong lúc làm việc bị ức chế không kiềm chế được thì phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc, vì nó cho thấy bản lĩnh chính trị của đồng chí còn non nớt. Tuy nhiên, hành động người bán rau chống đối người thi hành công vụ bằng dao phải được xử lý theo quy định".

'Không thể đem cái nghèo ra biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật' - 1

Sự việc người bán hàng rong bị tịch thu rau củ ở Quảng Ninh thu hút sự quan tâm của dư luận. (Ảnh chụp màn hình)

Trả lời bình luận của độc giả Huyentran rằng cần đặt tình cảnh của mình ở vị trí của người nghèo rồi hiểu cho chị bán rau, độc giả tên Tuấn viết: "Bạn nói cán bộ không đặt mình vào vị trí của người nghèo, thế bạn hãy hỏi mình đã đặt mình vào vị trí của cán bộ chưa?

Họ làm theo trách nhiệm công việc, nếu họ không làm thì sẽ bị cấp trên khiển trách, hoặc bị nói cán bộ chả làm cái gì. Mình ko bênh vực ai, nhưng bài báo này nói đúng, nói đi phải nói lại, cái gì cũng có hai mặt cả".

Cũng đáp lại Huyentran, độc giả Phùng Tuan viết: "Tôi cảm phục bạn có lòng thương với người nghèo, nhưng bạn chưa hiểu hết được tâm lý dân mình rồi. Nhắc nhở 4 lần rồi, lên phường không chịu ký biên bản, xong tự ý bỏ về. Đành rằng phát ngôn của vị cán bộ kia là sai, nhưng chị bán hàng kia cũng không vừa đâu".

Bạn đọc Anh Bằng bình luận: "Chúng ta sống ở một đất nước có luật pháp. Công dân không thể mang cái nghèo, mưu sinh ra để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật của mìnhh được. Ai cũng phải mưu sinh hết, không riêng gì ai cả. Vậy cứ nghèo, cứ mưu sinh thì được vi phạm pháp luật, được làm bậy sao?".

Từ chuyện người bán rong vi phạm, độc giả tên Hoàng liên hệ đến tình trạng hàng quán lấn chiếm không gian chung: "Chính quyền đang quá nuông chiều, dễ dãi với người bán hàng rong, hàng quán trong các tuyến phố, ngõ ngách, tập thể. Biết bao gia đình, nhà dân chịu khổ vô cùng khi qua lại và sinh hoạt hàng ngày vì hàng quán.

Mùi đồ ăn ngột ngạt cả ngày, đồ đạc bếp núc bày biện hết cả lối đi, chưa chạm đến có khi đã bị chửi, bẩn vô cùng. Người qua lại không dám nói, chỉ trông mong vào chính quyền dẹp. Nhưng không ai làm. Họ càng ngày càng lợi dụng bành trướng. Chúng ta đang quá tốt".

Nghèo, mưu sinh là được quyền vi phạm pháp luật?

Bạn đọc An Tâm lo lắng: "Cứ kiểu thông cảm thì hòa cả làng, chả xử được ai. Ai cũng kể hoàn cảnh để vi phạm".

Còn độc giả Trần Nam Kiên phân tích rất kỹ: "Nhiều địa phương cấm bán hàng rong là đúng bởi người bán hàng rong thì cả người và chất lượng hàng hoá đều không được quản lý. Ví dụ có sự xảy ra thì biết tìm ai mà truy? Song hàng rong lại là một đặc trưng của người dân Việt nam. Vì vậy là chúng ta cần xử lý mềm mại, linh hoạt cho một số trường hợp.

Xét về trường hợp này thì người bán rau vi phạm 3 điều. Một là bán hàng rong, địa phương đã nhắc nhở nhiều lần. Hai là vi phạm lệnh cách ly xã hội trong dịch COVID-19 bởi người bán hàng rong nếu nhiễm COVID-19 thì việc truy vết rất khó.

Ba là khi bị yêu cầu đưa về phường, chị bán rau cự cãi không về thì ít nhiều cũng là chống đối người thi hành công vụ.  Chị phó chủ tịch phường cũng mắc khuyết điểm. Chị phải kiểm điểm và rút kinh nghiệm".

Phường có nên xin lỗi?

Đề cập đến việc lãnh đạo phường Bãi Cháy đến xin lỗi chị bán hàng rong sau theo chỉ đạo của Thành ủy Hạ Long, bạn Lá Diêu Bông không đồng tình: "Tôi cho rằng lãnh đạo đến tận nhà chị ta xin lỗi là mang tính chiều theo dư luận và gây cảm giác chấp nhận hành động vi phạm, chống đối của chị ta".

Đặng Huy Quang bình luận: "Tôi không đồng ý việc yêu cầu lãnh đạo phường đến nhà xin lỗi. Chị bán rau này đã nhiều lần ăn vạ và thách thức quá đáng, chạy xe không giấy tờ, xe máy thứ nhất đang tạm giữ (không ký biên bản), xe thứ hai không biển số. Nhiều người còn nghèo hơn nhưng họ vẫn tuân thủ luật pháp".

Nguyễn Nguyên viết: "Phường đến xin lỗi người này là thiếu bản lĩnh rồi. Phường có thể kiểm điểm người phó chủ tịch kia là đã dùng ngôn ngữ và thái độ không chuẩn mực chứ những gì bà phó chủ tịch này làm là cần thiết. Đây là ví dụ điển hình của việc chính quyền không có bản lĩnh, làm theo dư luận.

Dư luận phản đối vì thương người bán rau nhưng luật pháp của ta không nghiêm chính vì cái thương này. Việc gì cũng vậy, khi có sai phạm, lẽ ra phải xử nghiêm thì lại rút kinh nghiệm, du di. Bắt người vi phạm rồi lại tha. Cứ như thế pháp luật sẽ bị nhờn".

Trả lời bình luận trên, độc giả Quang Đặng viết: Hoàn toàn đồng ý với bạn. Nhiều người bây giờ chỉ biết nghe một chiều rồi thi nhau ném đá không suy xét. Tôi ở vào hoàn cảnh đó chưa chắc đã kiềm chế được như chị phó chủ tịch phường đâu".

Không đồng tình với các ý kiến trên, độc giả Lê Quang viết: "Không nên nhận xét rằng phường đến xin lỗi người này là thiếu bản lĩnh", hay "đến tận nhà chị ta xin lỗi là mang tính chiều theo dư luận" bởi lẽ như bài viết phân tích rất đúng cũng như đa số độc giả nhận xét trong sự việc này, rằng chị bán hàng rong có sai, cần phải xử lý theo đúng quy đinh để giữ vững kỷ luật, kỷ cương, không để có người lợi dụng cái khó khăn, cái nghèo của mình mà vi phạm pháp luật.

Về phần mình, cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng đã sai về phát ngôn, thể hiện sự vô cảm với công dân thì lãnh đạo của cán bộ thực thi nhiệm vụ đến xin lỗi là đúng. Xin lỗi để khắc phục khuyết điểm cho người có hành vi sai và cũng rút kinh nghiệm chung cho cán bộ khi tiếp xúc, làm việc với công dân, không để có những sai phạm tương tự xảy ra. Xin lỗi là kịp thời và rất cần thiết".

Quan điểm của bạn thế nào? Hãy gửi ý kiến của mình ở box bình luận bên dưới.

Video: Người phụ nữ bán rau phản ứng khi bị tịch thu xe hàng

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn