“Không tăng viện phí các bệnh viện sẽ gặp khó khăn”

Thời sựThứ Năm, 02/09/2010 06:14:00 +07:00

(VTC News) – “Nếu chúng ta vẫn giữ giá cũ của những năm trước đây thì những cơ sở y tế, các bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn", Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết.

(VTC News) – “Đề án tăng viện phí là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Nếu chúng ta vẫn giữ giá cũ của những năm trước đây thì những cơ sở y tế, các bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn vì giá thành mọi thứ đều tăng…”, Tiến sĩ, Bác sĩ Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Liên quan đến thông tin đề án dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế chưa làm người dân hài lòng, và buộc bản dự thảo đó phải nghiên cứu và xem xét lại trước khi được thông qua, chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến của Tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

 

- Bộ Y tế mới đây có dự thảo về tăng viện phí, nhưng dự thảo đó chưa làm dư luận hài lòng khiến việc tăng viện phí phải điều chỉnh lại, xin bà cho biết ý kiến của mình về việc trên?

 

Đề án tăng viện phí là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Nếu chúng ta vẫn giữ giá cũ của những năm trước đây thì những cơ sở y tế, các bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn vì giá thành mọi thứ đều tăng, kể cả tiền điện, tiền nước… Còn cách tăng việc phí như thế nào thì đó là việc của các nhà hoạch định chính sách chứ bệnh viện không can thiệp.

 

Nếu như bảo hiểm y tế vẫn giữ nguyên mức giá như trước đây là 3.000 đồng cho một lần khám, thì rõ ràng việc tăng giá là hợp lý. Không có một thứ chất xám nào bỏ ra để khám mà lại được trả có 3.000 đồng. Vì vậy, tôi xin nhắc lại việc tăng viện phí là rất hợp lý. Nhưng lộ trình tăng như thế nào, việc tăng ra làm sao thì đó là việc của các nhà chính sách. Nếu như không tăng thì bệnh viện cũng có những khó khăn.

 

Đời sống xã hội tăng, giá cả tăng lên rất nhiều nên việc viện phí được tính đúng, tính đủ là việc cần phải làm. Đối với những người nghèo, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thì phương thức mua bảo hiểm toàn dân đã giúp họ rất nhiều. Trong khi đó đối tượng trẻ em được mua bảo hiểm toàn bộ nên việc tăng viện phí hay giữ mức viện phí cũ cũng không gây biến động nhiều. Vì vậy, việc mua bảo hiểm toàn dân là một việc làm cần thiết. Còn đối với những người nghèo không có khả năng mua bảo hiểm thì các tổ chức nhân đạo, các quỹ vì người nghèo hay chúng ta có thể vận động những nguồn lực trong xã hội để giúp họ mua được bảo hiểm. Các nước khác họ cũng làm như vậy.

 Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân là rất cao. Ảnh:TS

 

Tôi nghĩ rằng, Bộ Y tế sẽ từng bước điều chỉnh giá cả các dịch vụ y tế cho phù hợp. Tại sao những bệnh viện xã hội hóa hay bệnh viện tư nhân, một ca mổ người ta có thể tính đúng, tính đủ. Ví dụ: một ca mổ tim thông thường thì nếu tính đúng, tính đủ cũng phải là hơn 30 triệu. Một xét nghiệm công thức máu trước đây chỉ vào khoảng 15.000 đồng rồi sau đó tăng 35.000 đồng thì có thể là chấp nhận được. Nhưng bây giờ hóa chất mà phải mua để làm xét nghiệm cũng đã tăng giá mà mình vẫn giữ giá cũ như vậy thì bệnh viện cứ phải bù lỗ.

 

- Hiện nay tình trạng quá tải ở các bệnh viện là rất phổ biến, theo bà vì sao tình trạng này vẫn kéo dài trong suốt thời gian qua và đâu là nguyên nhân của nó?

 

Khi xã hội phát triển, nhu cầu của người dân cũng cao hơn. Trước đây mình chỉ mong đủ no thì bây giờ ai cũng muốn mặc đẹp. Tương tự như vậy, người bệnh trước đây chỉ mong được uống thuốc nhưng bây giờ họ có nhu cầu hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn. Trong khi đó, con cái là vốn quý của các gia đình, các phụ huynh luôn muốn con mình được chăm sóc tốt nhất nên họ chọn những bệnh viện tuyết tốt nhất. Vì vậy trong tư tưởng của người dân là ai cũng muốn đến nơi tốt nhất để ít ra là được chuẩn đoán một lần xem sức khỏe của con mình như thế nào. Còn nếu phải tiếp tục điều trị thì có thể điều trị ở địa phương. Đó là một trong những lý do khiến số lượng bệnh nhân đến đây rất đông.

 

Thứ hai, thương hiệu của bệnh viện cũng làm cho người ta đến nhiều hơn. Hiện nay, Bộ Y tế đang chú trọng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế tuyến dưới, kể cả về mặt kiến thức lẫn trang thiết bị. Nếu tuyến cơ sở có thể chữa được những bệnh thông thường thì người dân cũng chẳng tội gì phải về Hà Nội. Nhưng vấn đề là chất lượng của các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được đồng bộ chưa, thì bây giờ chúng ta đang có những bước để chuẩn bị.

 

Cái chính vẫn là cơ chế về mặt bảo hiểm. Nếu anh đi trái tuyến, anh vẫn được bảo hiểm trả lại một phần việc phí 30%, thì điều đó đôi khi gây ra sự so sánh rằng tôi đến bác sĩ của tuyến tỉnh là đúng tuyến, nhưng nếu tôi lên viện Nhi là trái tuyến nhưng vẫn được trả 30% tiền bảo hiểm thì chẳng tội gì tôi không lên tuyến trên. Đi khám chữa bệnh mà ai cũng lên Hà Nội thì tình trạng quá tải là không thể tránh khỏi. Có những bệnh có thể hoàn toàn khám và điều trị ở các bệnh viện tuyến cơ sở. Cái chính là chúng ta nên có cơ chế để hạn chế bệnh nhân lên tận Hà Nội khám chữa bệnh, mà có thể hoàn toàn tới bệnh viện ở địa phương.

 

- Thưa bà, trong những năm qua dư luận rất quan tâm tới bệnh viện Nhi, đặc biệt ở khía cạnh khám chữa bệnh. Nếu đề án tăng viện phí sắp tới được thông qua thì chất lượng khám chữa bệnh cũng như cơ sở vật chất của viện Nhi có được nâng cao hay không?

 

Không phải việc tăng viện phí là nền tảng của việc tăng chất lượng phục vụ. Thế nhưng tất nhiên việc tăng viện phí, nhất là khoản tiền được nhà nước cho tái đầu tư thì cũng là tốt. Tiêu chí của bệnh viện Nhi là “Sự hài lòng của người bệnh là niềm tự hào của chúng tôi”. Vì vậy, không phải tăng viện phí thì chúng tôi mới nâng cao được thái độ phục vụ. Thế nhưng nếu như trang thiết bị của bệnh viện được nâng cấp hiện đại hơn, tốt hơn thì chất lượng xét nghiệm, khám chữa bệnh sẽ tốt hơn. Nhưng thái độ của thầy thuốc không phụ thuộc vào việc tăng viện phí. Dù là chi phí khám bệnh 3.000 đồng như bây giờ thì viện Nhi vẫn được đánh giá là tốt.

 

- Bệnh viện Nhi Trung ương có quỹ ủng hộ cho các đối tượng nghèo, khó khăn không, thưa bà?

 

Chúng tôi có một tổ công tác xã hội, họ sẽ là những người mà các Khoa sẽ báo nếu có bệnh nhân nghèo. Sau đó thì họ sẽ tới gặp từng hoàn cảnh cụ thể rồi cho người đi quyên tiền. Chúng tôi có một quỹ gọi là quỹ ghép tạng và máu. Ngoài ra cũng có quỹ cho bệnh nhân nghèo. Chúng tôi có thể tới trực tiếp tận nơi để gây quỹ, vì bây giờ cũng có nhiều nhà hảo tâm  người ta làm từ thiện như các hộ ở chùa, các doanh nghiệp… Nhưng thường thì người ta tài trợ chung.

 

Ví dụ: xây dựng một phòng mổ tim hay những việc gì đó lớn chứ trực tiếp tài trợ cho bệnh nhân nghèo thì tổ công tác xã hội của chúng tôi phải tự tìm kiếm nguồn tài chính. Nhưng có điều không phải lúc nào mình đi xin người ta cũng cho mình ngay. Có trường hợp bệnh nhân nghèo 8 tuổi ở tận trên Mèo Vạc, khi thanh toán viện phí ra viện mất tới 200 triệu, trong khi không có một giấy tờ gì thì bảo hiểm không thể thanh toán được. Khi đó bệnh viện phải bỏ tiền của bệnh viện ra mà không xin ở đâu được.

 

- Các nhà chuyên môn lo ngại rằng, nếu như đề án tăng viện phí được thông qua các phòng khám tư nhân có cái cớ để ăn theo giá viện phí, cá  nhân bà có lo ngại điều đó không?

 

Những phòng khám tư nhân cũng rất tốt, góp phần làm giảm tải khá nhiều cho các bệnh viện nhà nước. Thực ra có người ban ngày người ta làm ở bệnh viện, buổi tối cũng cái chất xám ấy người ta làm ở phòng khám tư nhân. Tôi nghĩ khi bệnh nhân đã chấp nhận đến phòng khám tư nhân thì đó cũng là sự tự nguyện, mà khi đã là tự nguyện thì nếu phòng khám có tăng giá mà bệnh nhân người ta vẫn chấp nhận đến khám thì cũng là chuyện bình thường. Trên thực tế, nếu có bảo hiểm y tế thì chi phí cho mỗi lần khám là 3.000 đồng, nhưng có phòng khám tư nhân nào thu giá như vậy đâu mà bệnh nhân vẫn cứ đến.

 

- Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi này!

 

Kiên Cường

Bình luận
vtcnews.vn