Không scandal, không có khán giả!

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 03/10/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Một phần vì (tạm thời) nói không với scandal, chương trình Thử thách cùng bước nhảy đang không kéo được người xem ngồi lại trước màn hình ti vi.

(VTC News) - Phiên bản So you think you can dance đình đám trên thế giới về Việt Nam với tên gọi Thử thách cùng bước nhảy nhưng có vẻ không kéo được người xem ngồi lại trước màn hình ti vi. Một lý do quan trọng là nó quá "sạch sẽ”, nói không với scandal (đến thời điểm này).







Thử thách cùng bước nhảy ế khách vì quá sạch sẽ 

Không lùm xùm, không phát ngôn gây sốc


Nói không quá rằng Thử thách cùng bước nhảy – So you think you can dance là chương trình truyền hình thực tế hiếm hoi du nhập vào Việt Nam mà “sạch sẽ” đến vậy, nói không với scandal cho đến giờ phút này.

Còn nhớ Vietnam’s Got Talent ngay mùa đầu tiên phát sóng đã quăng bom scandal sự tự tin của mẹ con Quỳnh Anh – bà Ngọ khiến dư luận dậy sóng, trở thành chủ đề và hiện tượng suốt một thời gian dài, kéo theo đó là lượng người quan tâm đến chương trình này cũng tăng vọt.

Cuộc thi Tìm kiếm giọng hát Việt – The Voice cũng đang làm mưa làm gió khắp các kênh giải trí và truyền thông một phần bởi liêp tiếp những scandal chấn động và đình đám của Phương Uyên, Trần Lập, Bảo Anh, hay cuộc họp báo lịch sử của Cát Tiên Sa.

Bước nhảy hoàn vũ bước sang mùa thứ ba vẫn lùm xùm quanh những nghi án đạo nhảy, tố BTC dàn xếp kết quả… khiến cái tên cuộc thi và các thí sinh tham gia ngập tràn các mặt báo.

Như vậy rõ ràng không cổ súy, nhưng trong showbiz đang tồn tại một luật ngầm bất thành văn, rằng không có scandal thì chương trình truyền hình thực tế rất khó thu hút được đông người xem. Đánh đúng tâm lý tò mò, thích những câu chuyện giật gân, bất ngờ, những lùm xùm nghi án nọ giả thiết kia, nhà sản xuất vắt óc nghĩ ra những chiêu trò độc đáo và câu khách.

Thử thách cùng bước nhảy đơn thuần là tìm kiếm tài năng 

Còn Thử thách cùng bước nhảy, đúng như cái tên gọi, đơn giản chỉ là cuộc thi tìm kiếm tài năng nhảy múa, sử dụng tài năng và thực lực của thí sinh để thu hút sự chú ý, không có vấn nạn “đạo”, không có nghi án lộ kết quả, không có nghi vấn clip sex giữa giám khảo với thí sinh (cho đến thời điểm này)… nên có vẻ hơi thiệt thòi về lượng người quan tâm?

Không xuất hiện trên giờ vàng kênh giải trí quốc gia


Thêm một yếu tố khiến Thử thách cùng bước nhảy khó gây được tiếng vang lớn như những chương hình truyền hình thực tế trước đây là việc nó không được phát sóng trên giờ vàng kênh giải trí quốc gia VTV3 như Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s Next Top Model hay mới đây nhất là The Voice.

Thử thách cùng bước nhảy được phát sóng trên 5 kênh: HTV7, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đài PTTH Hà Nội và Yan TV, nhưng không phải là kênh giải trí VTV3, như vậy đối tượng khán giả sẽ thu hẹp lại trong từng địa phương.


Chính giám khảo Chí Anh cũng phải thừa nhận để một chương trình giải trí phủ sóng rộng rãi nhất thì cách tốt nhất là trình chiếu nó trên kênh VTV3.

Khó có một Bước nhảy hoàn vũ thứ hai

Mặc dù không thể so sánh giữa Bước nhảy hoàn vũ (BNHV) và Thử thách cùng bước nhảy vì tiêu chí của hai cuộc thi khác nhau, một bên thuần giải trí, một bên là tìm kiếm tài năng thực sự, nhưng nếu so sánh khả năng lôi kéo khán giả ngồi lại trước màn hình ti vi thì Thử thách cùng bước nhảy khó có thể cạnh tranh với BNHV.

BNHV đã khép lại mùa thứ 3, nghĩa là nó đã có một lượng khán giả có thói quen xem nhất định, thêm vào đó là sự tham gia của những tên tuổi đình đám trong showbiz Việt như Thủy Tiên, Thu Minh, Minh Hằng... nên sẽ có một lượng fan không nhỏ của những nghệ sĩ này ngồi trước màn hình ti vi.

Mặc dù theo lời giám khảo Chí Anh, cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy đối tượng dự thi được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản hơn rất nhiều so với các ngôi sao "rẽ vào khiêu vũ như một cuộc chơi".

Chí Anh ngồi ghế giám khảo Thử thách cùng bước nhảy 

Nhưng ngược lại, Thử thách cùng bước nhảy lại là chương trình ra đời sau, là cuộc thi về khiêu vũ thứ hai trên sóng truyền hình trong năm sau khi khán giả đã no nê và đã mắt với BNHV, nó chỉ đơn thuần là cuộc tìm kiếm những tài năng khiêu vũ từ những vũ công chuyên và không chuyên chứ không phải những ngôi sao của làng giải trí, cũng không nhiều chiêu trò nên sẽ có thể sẽ kén người xem hơn rất nhiều.

Khiêu vũ đã thực sự phủ sóng rộng khắp?

Hẳn nhiều người còn nhớ bộ môn nghệ thuật đường phố hip hop đã du nhập vào Việt Nam được tới 20 năm, mà vẫn chưa đủ sức thu hút đông đảo khán giả xem truyền hình, nó chỉ phát triển được ở những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Còn khiêu vũ, vốn được mặc định là bộ môn của giới quý tộc và những người thành thị, nên để hấp dẫn nhiều lứa tuổi lại càng không phải chuyện đơn giản.

Nếu như ở nhiều nước phương tây, khiêu vũ vốn là một nét đẹp văn hóa, gần như đã ngấm vào máu của người dân với đủ thể loại khiêu vũ và nhóm nhảy, từ đường phố đến chuyên nghiệp, ngay từ trong trường học đã có các cuộc thi nhảy múa thì ở Việt Nam thể loại này vẫn còn khá mới mẻ ở nhiều vùng miền.

Nếu như So you think you can dance đã làm mưa làm gió tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới thì với những lý do khách quan trên, phiên bản tại Việt Nam được dự đoán là sẽ khó gây được hiệu ứng như bản gốc.

An Yên

Bình luận
vtcnews.vn