Không quân Mỹ lần đầu dùng bom 900 kg chống hạm

Quân sựThứ Tư, 04/05/2022 10:09:00 +07:00
(VTC News) -

Đây là lần đầu tiên không quân Mỹ sử dụng bom thông minh JDAM để tấn công các mục tiêu trên biển, cung cấp tùy chọn tác chiến chống hạm với chi phí thấp.

Phòng thí nghiệm nghiên cứu không quân Mỹ (AFRL) mới đây đã cho công bố một đoạn video về cuộc thử nghiệm thứ hai đối với chương trình QUICKSINK, một công nghệ cung cấp tùy chọn chống hạm chi phí thấp cho lực lượng không quân.

Theo Đại tá Tony Meeks giám đốc bộ phận bom mìn AFRL cho biết, chương trình QUICKSINK là câu trả lời cho nhu cầu cấp thiết của không quân Mỹ trước các mối đe dọa tự do hàng hải trên toàn cầu.

Video: Không quân Mỹ lần đầu dùng bom 900 kg chống hạm

Cũng theo AFRL, một chiếc tiêm kích F-15E Strike Eagle trong cuộc thử nghiệm vừa qua đã tấn công một mục tiêu giả định trên biển bằng bom tấn công trực diện phối hợp GBU-31 (JDAM). Từ đoạn video được công bố có thể thấy con tàu hàng được sử dụng làm “mục tiêu” nổ tung khi GBU-31 lao xuống và chìm ngay sau đó.

Đại diện AFRL cho biết thêm, công nghệ này không hề mới, bản thân JDAM cũng được nâng cấp lên từ các mẫu bom “ngu” thành bom dẫn đường thông minh. Quả bom JDAM sử dụng trong thử nghiệm hơn 900 kg và nó có sức công phá lớn hơn nhiều so với các vũ khí chống hạm thông thường như tên lửa và ngư lôi.

Không quân Mỹ lần đầu dùng bom 900 kg chống hạm - 1

Tiêm kích F-15E mang theo bom tấn công trực diện phối hợp GBU-31 trong một cuộc diễn tập. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Để so sánh, tên lửa chống hạm Harpoon, vũ khí chống hạm tiêu chuẩn của hải quân Mỹ, mang đầu đạn chỉ nặng hơn 200 kg. Tên lửa chống hạm Exocet do Pháp sản xuất đã đánh chìm tàu ​​khu trục HMS Sheffield của Hải quân Hoàng gia Anh ngoài khơi quần đảo Falkland vào năm 1982 mang theo đầu đạn nặng 165 kg.

Trong Thế chiến thứ 2, bom ngu đã được chứng minh là có khả năng đánh chìm ngay cả những con tàu lớn như thiết giáp hạm HMS Prince of Wales, nhưng sự ra đời của các mẫu vũ khí phòng không tiên tiến đã khiến các cuộc tấn công tầm xa bằng tên lửa trở thành phương thức thích hợp cho nhiệm vụ tác chiến chống hạm ​​từ cuối thế kỷ 20.

Theo The War Zone, lợi thế của QUICKSINK so với các mẫu tên lửa chống hạm đó là không quân Mỹ có thể sản xuất hàng loạt chúng với chi phí thấp trong thời gian ngắn. Ngoài ra việc tấn công các mục tiêu trên biển của đối phương bằng tiêm kích cũng hạn chế nguy cơ để lộ vị trí của tàu ngầm hoặc tàu chiến nếu sử dụng ngư lôi và tên lửa chống hạm.

Không quân Mỹ lần đầu dùng bom 900 kg chống hạm - 2

Mỗi chiếc F-15E có thể mang theo tối đa 15 quả bom JDAM trong tác chiến. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Tuy nhiên JDAM cũng có một số hạn chế đó là nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu mặt đất đứng yên chứ không phải tàu di chuyển trên biển. Nhược điểm này có thể sẽ được khắc phục trong tương lai.

Các cuộc thử nghiệm thuộc chương trình QUICKSINK đầu tiên diễn ra vào năm 2021 với sự tham gia của ba chiếc F-15E và một máy bay ném bom B-52H Stratofortress, sử dụng bom dẫn đường bằng laser GBU-24 Paveway.

Năm 2004, không quân Mỹ cũng từng sử dụng JDAM để tấn công mục tiêu trên biển trong một cuộc tập trận, mục tiêu giả định là tàu đổ bộ USS Schenectady (đã nghỉ hưu). Phải mất tới 4 quả JDAM mới có thể đánh chìm được con tàu này.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn