Không phải tội phạm nguy hiểm, vì sao tài xế Lê Ngọc Hoàng bị xích chân tại toà?

Pháp đìnhChủ Nhật, 07/06/2020 18:30:00 +07:00
(VTC News) -

Theo luật sư, bị cáo Lê Ngọc Hoàng đang kháng cáo bản án sơ thẩm, không phải là tội phạm nguy hiểm thì không có lý do gì để bị xích chân ra toà.

Trong 2 ngày 4-5/6, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa phúc thẩm vụ xe container đâm Innova lùi trên cao tốc, theo đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của bị cáo Lê Ngọc Hoàng (35 tuổi, quê tại Thái Bình) - lái xe container.

Trong phiên xử ngày 4/6, trong khi Chủ tọa phiên tòa làm thủ tục, bị cáo Lê Ngọc Hoàng kêu đau chân do bị xích nên đề nghị được cởi xích. Đề nghị này được Chủ tọa chấp nhận.

Không phải tội phạm nguy hiểm, vì sao tài xế Lê Ngọc Hoàng bị xích chân tại toà? - 1

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng bị xích chân trong phiên tòa phúc thẩm.

Tuy nhiên, hình ảnh bị cáo Lê Ngọc Hoàng bị xích chân nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Khoản 3 Điều 8  trong Quyết định Số: 810/2006/QĐ-BCA-C11 của Bộ Công an về "Ban hành quy trình bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa và quy định trình thi hành án tử hình", quy định rõ, bị cáo chỉ bị khóa tay, xích chân trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch.

“Quan điểm của tôi về vụ anh Hoàng thì không nên xích chân. Thứ nhất, ở góc độ suy đoán vô tội, người ta không có tội cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, trong quá trình xét xử phúc thẩm, nếu chưa kết án thì họ chưa có tội.

Vấn đề thứ 2 là họ đang kêu oan, có rất nhiều trường hợp phúc thẩm, giám đốc thẩm thì bị cáo phạm tội vẫn được minh oan”, luật sư Cường nêu ý kiến.

Cũng theo luật sư Cường, bị cáo Hoàng đang phản đối bản án sơ thẩm thì không có lý do gì để xích chân bị cáo. “Việc xích chân bị cáo Hoàng như vậy tạo ra hình ảnh hết sức phản cảm”.

Theo thực tế hiện nay của nhiều địa phương, có những bị cáo lĩnh án chung, tử hình thì cũng chỉ bị còng tay và một số ít bị áp dụng xích chân.

Trước câu hỏi, có phải việc xích chân bị cáo để tránh trường hợp tự tử tại tòa như vụ việc xảy tại Bình Phước?

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, sau vụ ở Bình Phước, không chỉ tòa Thái Nguyên mà rất nhiều tòa án khác quán triệt, khi thẩm phán giải quyết những vụ án oan sai phải hết sức thận trọng trong việc phân tích đánh giá chứng cứ, đưa ra kết luận và phải có biện pháp đảm bảo an toàn tốt tại phiên tòa.

“Việc bị cáo tự tử tại tòa là hình ảnh phản cảm và không đạt mục đích xét xử, trong khi hình phạt có tính giáo dục, còn răn đe bị cáo là cái thứ hai”, luật sư Cường nói.

Cũng liên quan đến việc bị cáo Lê Ngọc Hoàng bị xích chân khi đưa đến phiên phúc thẩm, sáng 7/6, trả lời VTC News, lãnh đạo TAND tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tôi đang đi vắng và tôi không trả lời qua điện thoại thế này".

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng là tài xế container tông xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên năm 2016 khiến 10 người thương vong.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5/6, bị cáo Hoàng tiếp tục kêu oan nhưng đại diện Viện KSND tỉnh Thái Nguyên vẫn cho rằng Hoàng có lỗi vì không giảm tốc độ khi gặp biển báo "Đi chậm" và không giảm tốc độ khi thấy xe của tài xế Sơn đang nhấp nháy đèn xe ở phía trước.

Trong phần tuyên án, TAND tỉnh Thái Nguyên bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù giam đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn