Không muốn phụ thuộc Mỹ, châu Âu sẽ chấp nhận liên minh với Trung Quốc?

Thế giớiThứ Sáu, 29/03/2019 07:21:00 +07:00

Ngay lúc châu Âu cần xác định tương lai và hướng đi của chính mình, Trung Quốc đã đề nghị châu Âu hợp lực xây dựng một liên minh mới.

Vấn đề nội bộ Liên minh châu Âu EU bị rạn nứt từ bên trong đang thu hút nhiều sự chú ý. Theo các nhà quan sát, Brexit còn có nhiều bế tắc và mặc dù chưa thành công nhưng việc Anh rời EU sẽ tạo tiền đề khiến người dân các quốc gia thành viên khác sớm cân nhắc rời khỏi tổ chức từng được xem là biểu tượng của sự ổn định, thịnh vượng của châu Âu này. 

3

Các nhà lãnh đạo Đức, EU và Pháp. (Ảnh: Global Look Press)

Châu Âu cần xác định tương lai 

Quyết định rời bỏ Mỹ hiện tại chưa diễn ra, nhưng nó là quá trình không thể tránh khỏi với các quốc gia lục địa già. Vấn đề chỉ còn là về mặt thời gian và hình thức. Sau 10-15 năm nữa, người châu Âu cần phải tự nắm lấy vận mệnh của mình, nếu không muốn thấy Liên minh châu Âu (EU) tự sụp đổ dưới sức nặng của những vấn đề nội bộ hay bởi đòn đánh của những đối thủ cạnh tranh mà hiện châu Âu chưa có cách kết nối.

Trong bối cảnh tìm kiếm sự bảo toàn sức mạnh, châu Âu đang nhìn về phía Đông. Bởi vì trọng tâm của địa chính trị và kinh tế thế giới đang chuyển hướng về đây, và vì nếu không bắt đầu xây dựng mối quan hệ bền vững với phương Đông, châu Âu sẽ khó có thể trở nên độc lập hơn với Mỹ.

 Và nếu trong quan hệ với Nga, người châu Âu hiện vẫn chưa thể hoàn toàn độc lập khỏi Mỹ, thì trong quan hệ với Trung Quốc, EU lại hoàn toàn có quyền tự quyết. Trên thực tế, liên quan tới Trung Quốc, châu Âu vẫn phải chịu những áp lực từ Mỹ, mà ví dụ gần đây là trong mối quan hệ hợp tác với tập đoàn Huawei, nhưng tất cả mọi thứ từ Trung Quốc đơn giản không phải là “mối đe dọa đến các giá trị của nền văn minh và an ninh của châu Âu” như trong trường hợp với Nga.

Các chuyên gia tờ "Quan điểm" (Vzglyad) của Nga nhận định, so với Nga, châu Âu cần Trung Quốc hơn, nhưng điều quan trọng đối với EU là phải có mối quan hệ mật thiết với cả hai. Bởi vì chỉ có việc thiết lập được trục EU-Nga-Trung Quốc mới cho châu Âu cơ hội tồn tại trong thế giới mới. Xu hướng liên kết mới này dường như đang được các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn nhận cấp thiết hơn trước những áp lực từ đồng minh Mỹ ngày càng gia tăng. 

Lời đề nghị của Trung Quốc

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Italia và Pháp vào đúng thời điểm này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Đầu tiên, tại Rome, ông đã ký một thỏa thuận về việc kết nối Italia vào siêu dự án “Một vành đai, Một con đường”. Từ đó Italia trở thành nước đầu tiên trong nhóm G-7 chính thức ủng hộ chương trình xây dựng trật tự thế giới mới của Trung Quốc.

1212 3

 Các nhà lãnh đạo EU đón tiếp ông Tập Cận Bình tại Pháp. (Ảnh: Bloomberg)

Đối với Trung Quốc, “Con đường tơ lụa mới” chính là một cách để củng cố vai trò lãnh đạo của nước này trên thế giới, thông qua việc xây dựng các mối quan hệ kinh tế đáng tin cậy với châu Âu, châu Á và châu Phi. Tất nhiên, ông Tập không đề nghị châu Âu ký kết hiệp ước chống lại Mỹ, nhưng tất cả đều hiểu logic của sự phát triển lịch sử sẽ dẫn đến điều gì.

Chiến lược của Trung Quốc rất rõ ràng. Họ thiết lập liên lạc với từng quốc gia châu Âu riêng biệt. Ban đầu, họ ưu tiên thuyết phục các quốc gia đông Âu, nhưng lại luôn bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với toàn bộ EU. Kết quả là, việc châu Âu sẽ vẫn là một khối thống nhất hay chia tách thành từng quốc gia cũng không còn quan trọng đối với Trung Quốc nữa. Bởi vì tất cả những quốc gia này đều đã bắt tay với Trung Quốc.

Tại Paris, ngoài Tổng thống Pháp Macron, ông Tập Cận Bình còn có cuộc họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Junker. Cuộc hội đàm kéo dài hàng giờ đồng hồ ở Paris đã trở thành biểu tượng cho một mối quan hệ mới.

Các tuyên bố về kết quả hội đàm đều rất khả quan, nhưng vẫn kèm với một gợi ý rằng Trung Quốc nên cởi mở hơn với người châu Âu.

Ông Macron phát biểu sau cuộc gặp: “Chúng tôi muốn cùng nhau tạo ra một định dạng đa phương mới – một định dạng công bằng và cân bằng hơn... Tất nhiên, giữa chúng tôi có những khác biệt. Lịch sử nhân loại không thể tránh khỏi có những sự cạnh tranh. Chúng tôi tôn trọng Trung Quốc và sẵn sàng đối thoại và hợp tác. Đáp lại, chúng tôi mong đợi từ các đối tác Trung Quốc sự tôn trọng tính thống nhất của Liên minh châu Âu và những giá trị quan trọng đối với EU và toàn thế giới”.

Còn ông Junker thì cho biết: “Tôi muốn một mối quan hệ hợp tác cùng có lợi hơn hiện tại. Đối với các công ty châu Âu, họ nên tận dụng sự tự do kinh doanh cũng như sự cởi mở trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc như những gì mà các công ty Trung Quốc đang được hưởng tại Liên minh châu Âu”.

Về phần mình, ông Tập tuyên bố rằng, Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập châu Âu và “một châu Âu thống nhất và thịnh vượng, phù hợp với tầm nhìn của chúng ta về một thế giới đa cực”.

Bà Angela Merkel cho biết, các bên đã đạt được sự đồng thuận về việc tổ chức một cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo của tất cả các quốc gia EU và lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 9 tới. Đây sẽ là một định dạng mới, thực chất hơn rất nhiều so với các hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc thông thường, mà gần đây nhất sẽ được tổ chức vào ngày 9/4 và chỉ có các nhà lãnh đạo của EU và Trung Quốc.

Video: Toàn cảnh Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn Huawei

Trong mọi trường hợp, EU sẽ buộc phải cân nhắc với đề xuất của Trung Quốc về một trật tự thế giới mới. Nếu không, Trung Quốc sẽ đàm phán với riêng từng quốc gia mà nước này cần, và Liên minh châu Âu sẽ tự tước đi cơ hội để có thể đứng vững trước cuộc chiến kinh tế sắp tới với Mỹ.

Tường Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn