Không hội viên, nghèo kinh phí, Hội Bảo vệ người tiêu dùng 'lực bất tòng tâm'

Kinh tếThứ Sáu, 08/01/2016 11:19:00 +07:00

Nhiều Hội bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước loay hoay với bài toán không có hội viên, lãnh đạo hội toàn người về hưu nhiệt tình tham gia, kinh phí èo uột

(VTC News) - Nhiều "Hội Bảo vệ người tiêu dùng" trên cả nước loay hoay với bài toán không có hội viên, lãnh đạo hội toàn người về hưu nhiệt tình tham gia, kinh phí hoạt động èo uột chỉ vài chục triệu đồng/năm.

Mỗi năm thu hồi 13 trường hợp sản phẩm khuyết tật

Thống kê của Bộ Công thương cho biết: Trong giai đoạn 2011-2013, con số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Bộ Công thương trung bình khoảng 300 vụ/năm nhưng giai đoạn 2013 - 2015 số vụ khiếu nại tăng lên đến gần 1.700 vụ/năm do Bộ Công Thương thiết lập Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (đầu số điện thoại miễn phí 1800.6838).

Cơ quan chức năng bắt giữ vụ gắn chíp điều khiển gian lận 5% xăng dầu ở cây xăng trên đường Trần Khát Trân (Hà Nội)
5 năm qua, mới có 65 trường hợp phải thu hồi sản phẩm khuyết tật của các doanh nghiệp theo yêu cầu của Bộ Công thương liên quan đến các lĩnh vực ô tô xe máy, mỹ phẩm, thiết bị văn phòng, đồ dùng gia đình, đồ chơi trẻ em, thực  phẩm…Bình quân mỗi năm cơ quan chức năng chỉ yêu cầu thu hồi 13 sản phẩm khuyết tật, con số quá ít ỏi so với thực tế.

Tuy vậy, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nhận định: "Số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng hàng năm được giải quyết chỉ từ 1.000 - 1.500 vụ việc là quá nhỏ so với thực tế vi phạm quyền lợi người tiêu dùng”. Thực tế này đã dẫn tới nhiều khiếu nại và thông tin từ khách hàng phản ánh tới doanh nghiệp không được giải quyết thỏa đáng.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hà Nội  dẫn chứng cách  đây 1 tháng Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên ngành phát hiện 2 cửa  hàng kinh doanh xăng dầu  trên đường Trần Khát Chân - Hà Nội gắn chíp gian lận 5% xăng dầu của khách, công an đã khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, theo ông Hải người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm, trong khi cơ quan quản lý và doanh nghiệp chưa thấy được tác dụng của việc “bảo vệ người tiêu dùng càng tốt thì cơ quan quản lý càng nhẹ việc”.

Hội không hội viên, nghèo kinh phí, toàn người già

Thống kê của Bộ Công Thương, đến nay trên cả nước đã có 50 hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với phạm vi hoạt động trên một tỉnh và 1 hội hoạt động trên phạm vi cả nước (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng - Vinastas). Tên gọi của tổ chức này cũng thiếu nhất quán, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về chức năng của hội.

Quản lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu là các cán bộ về hưu tham gia với lòng nhiệt tình là chính. Nhiều địa phương còn hoàn toàn không có kinh phí để triển khai công tác này. Ngay cả điểm sáng là Thủ đô Hà Nội, tính trung bình mỗi năm chi phí cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chỉ khoảng 1.000 đồng/1 người dân/năm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, bản thân ông cũng là người tiêu dùng và là người phụ trách công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, nhưng đôi lúc cũng thấy mơ hồ về quyền lợi của mình. “Việc đầu tiên của chúng ta là phải giúp người tiêu dùng hiểu rõ về quyền lợi của mình”, ông Khánh nói.

Chính vì vậy, ông Khánh yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh cần phối hợp với các Sở, hội, địa phương xác định rõ hệ thống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với chức năng chính là gì để tránh tình trạng chồng chéo. "Khi đã rõ chức năng nhiệm vụ thì sẽ rõ nhiều vấn đề nguồn lực, tài chính...", ông Khánh khẳng định.

"Cần phải đưa khiếu nại của ngời tiêu dùng đến đúng địa chỉ. Tôi hy vọng, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu (1800. 6838) tới đây sẽ hoạt động theo cơ chế "automatic", tức là khi có cuộc gọi đến sẽ lập tức chuyển về chuyên gia chứ không phải các cuộc gọi đều do Cục Quản lý cạnh tranh trả lời. Mặt khác, việc giải thích các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng sẽ được thực hiện thông qua tổng đài này", ông Khánh nói.


Thái Anh
Bình luận
vtcnews.vn