Không ghi xếp loại trên bằng đại học: Chuyên gia nói gì?

Giáo dụcThứ Hai, 07/10/2019 14:15:00 +07:00

Theo chuyên gia, ở Việt Nam thông tin xếp loại trên bằng cấp cũng cần thiết và đó là tín hiệu quan trọng cho sự lựa chọn của nhà tuyển dụng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa lấy ý kiến góp ý cho "Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân".

Thông tư này ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học có thể sẽ không bắt buộc có phần xếp loại tốt nghiệp, hình thức đào tạo chính quy hay tại chức, và chỉ còn một tên chung là bằng cử nhân.

thicu1 4

 

Liên quan đến vấn đề này, trả lời VTC News, tiến sĩ Lê Văn Út (Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết, việc ghi hay không ghi xếp loại tốt nghiệp trong các văn bằng thì tùy thuộc vào nền giáo dục các nước.

Có những nước, các bằng cử nhân hoặc tương đương, thạc sỹ và tiến sỹ đều không ghi thông tin xếp loại tốt nghiệp. Cũng có những nước, tất cả các văn bằng từ cử nhân hoặc tương đương, thạc sỹ và tiến sỹ đều ghi xếp loại tốt nghiệp. Nhóm nước thứ ba thì ghi thông tin xếp loại tốt nghiệp đối với bằng đại học, nhưng đối với bằng thạc sỹ và tiến sỹ thì không (Việt Nam thuộc nhóm thứ ba).

Hiện, Bộ GD&ĐT dự thảo quy định không bắt buộc ghi thông tin xếp loại trên bằng đại học và nếu dự thảo mới này được thực hiện thì Việt Nam thuộc nhóm nước thứ nhất.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Út cho rằng, bằng tốt nghiệp cử nhân hoặc tương đương chỉ là chứng nhận đạt đầy đủ yêu cầu của một chương trình đào tạo của đại học; do đó, việc không bắt buộc ghi thông tin xếp loại thì cũng chẳng có gì sai. Tùy thuộc vào nhu cầu tuyển dụng, bảng điểm đính kèm của ứng viên sẽ được xem xét.

levanut_20170929145953 3

Tiến sĩ Lê Văn Út.

Vị tiến sĩ này đưa ra ví dụ, chọn một ứng viên để đào tạo thành một giảng viên giảng dạy bậc cử nhân hoặc tương đương mà học lực bậc cử nhân thuộc loại trung bình thì sẽ rất khó khăn, nhiều đại học sẽ khó chấp nhận điều này. Nhưng ở nhiều vị trí thì bằng cấp loại giỏi chỉ là điểm cao về học thuật chứ chưa bảo đảm sự thành công trong công việc.

"Trong bối cảnh hiện nay, nền giáo dục Việt Nam còn cần thêm nhiều thời gian và sự quyết tâm để theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì thông tin xếp loại trên bằng cấp cũng cần thiết, đó là tín hiệu quan trọng cho sự lựa chọn của nhà tuyển dụng. Đồng thời, việc đánh giáo đó cũng là sự ghi nhận quan trọng nhằm khuyến khích những người có nhiều cố gắng trong học tập và đạt loại tốt nghiệp cao" - ông Út nói.

Theo vị tiến sĩ này, trong thực tế, người sử dụng lao động thường nhìn tên của đại học trước khi xem xét đến các thông tin khác nên việc tốt nghiệp từ những đại học có uy tín là rất quan trọng, bởi lẽ việc chấm điểm, xếp loại tốt nghiệp của mỗi đại học thường có rất nhiều khác biệt.

Về việc Bộ dự kiến không bắt buộc phải ghi loại tốt nghiệp trong văn bằng cử nhân hoặc tương đương thì các đại học có thể lựa chọn cách tiếp cận thích hợp nhất. Một trong những cách tiếp cận mà các đại học có thể xem xét là chỉ ghi những loại xếp hạng ưu vào trong văn bằng, coi như một cách thưởng cho người có thành tích vượt trội. 

Ngoài ra, các bậc xếp hạng cao trong văn bằng của Việt Nam cũng gây lúng túng cho các đồng nghiệp quốc tế (như trung bình khá, khá, giỏi, xuất sắc) khi dịch sang tiếng Anh. Về vấn đề này, các đại học Việt Nam có thể tham khảo cách xếp bậc tốt nghiệp theo tiếng Latin cho những bậc danh dự như cum laude, magna cum laude, summa cum laude (có thể tương ứng với khá, giỏi, xuất sắc) mà nhiều đại học đẳng cấp trên thế giới đang dùng.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT) cho chia sẻ, khi ông học ở Nga, có bằng màu đỏ dành cho tốt nghiệp xuất sắc, còn những loại tốt nghiệp còn lại thì nhận bằng màu xanh. "Chúng tôi hay gọi là được cấp bằng đỏ bởi trong đó có ghi "loại xuất sắc". Hình thức đào tạo thì không thể hiện trong bằng" - ông nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định "bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau" chỉ có giá trị về mặt pháp lý, còn chất lượng đào tạo vẫn phụ thuộc ở từng trường, gắn với thương hiệu của trường.

Với quy định bây giờ, yêu cầu các trường chỉ được phép cho các học sinh có kiến thức tốt ra trường. Điều này buộc các trường khi cấp bằng cho sinh viên, phải chịu trách nhiệm về chất lượng của bằng đấy, không còn lý do đây là học sinh chưa tốt nên kém cũng không sao.

GD

Tiến sĩ Lê Trường Tùng.

"Hiện Luật Giáo dục quy định nội dung đào tạo đầu vào tuyển sinh giống nhau, thi cử sử dụng chung đề, đánh giá kết quả, xét tốt nghiệp giống nhau, chỉ có địa điểm học khác và thời gian học có thể dài hơn", tiến sĩ nói.

Bên cạnh đó, tiến sĩ cũng cho rằng quan niệm “học một lần, dùng kiến thức suốt đời” đã thay đổi. "Hiện tại, tỉ trọng học giáo dục thường xuyên còn ít. Nhưng trong 10 năm sắp tới, hình thức này còn phát triển mạnh hơn đào tạo chính quy.

Việc mềm dẻo trong cách thức học và thời gian học là xu thế hiện nay khi tri thức, ngành nghề thay đổi rất nhanh. Bảo đảm kết hợp giữa việc đào tạo chính thức và đào tạo lại", tiến sĩ Lê Trường Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, với dự thảo trên của Bộ có thể sẽ đưa ra yêu cầu các trường chỉ được phép cho các học sinh có kiến thức tốt ra trường. Điều này buộc các trường khi cấp bằng cho sinh viên, phải chịu trách nhiệm về chất lượng của bằng đấy, không còn lý do đây là học sinh chưa tốt nên kém cũng không sao.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn