Không đưa tiền mới dưới 5.000 đồng lưu thông dịp Tết

Kinh tếThứ Tư, 04/01/2017 11:20:00 +07:00

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tuyệt đối không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.

Nội dung trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành liên quan việc đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Cụ thể, đối với tiền mệnh giá nhỏ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tuyệt đối không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.

tien_le

 Dù bị cấm nhưng hoạt động thu đổi tiền lẻ mới dịp Tết  vẫn diễn ra rầm rộ trong nhiều năm qua.

Đây là năm thứ năm Ngân hàng Nhà nước thực hiện không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết. Trước đó, cơ quan này quyết định không in tiền mới mệnh giá 500 đồng trong năm 2003, năm 2014 là tiền 1.000-2.000 đồng, năm 2015 là tiền 5.000 đồng và năm nay là không cho chi ra tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống.

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, năm 2013, cơ quan này tiết kiệm được 95 tỷ đồng khi không in tiền mới trị giá 500 đồng vào lưu thông. Năm 2014, cơ quan này không đưa tiền mới 3 mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng vào lưu thông, tiết kiệm chi phí khoảng 300 tỷ đồng.

Năm 2015, bắt đầu chủ trương không đưa tiền nhỏ lẻ giá trị từ 5.000 đồng trở xuống in mới vào dịp Tết đã tiết kiệm khoảng 580 tỷ đồng. Con số tiết kiệm cho việc không in tiền nhỏ lẻ năm 2016 là khoảng hơn 410 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Phát hành kho quỹ, nếu tính cả năm 2016, việc không in tiền mới nhỏ lẻ dịp Tết suốt 4 năm qua đã tiết kiệm cho ngân sách tới 1.500 tỷ đồng. Đây là tổng chi phí phí in, vận chuyển, đóng gói, phân loại, kiểm đếm, và đều phải chi bằng nguồn ngân sách.

Mặc dù không đưa các loại tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng, đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và các năm tiếp theo.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh và phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại các khu di tích đền, chùa, lễ hội hoặc kinh doanh trên mạng, gây ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ, đến văn hóa và hình ảnh của đồng tiền Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức tín dụng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch (kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó…).

Liên quan đến tình hình hoạt động của hệ thống ATM, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của các đơn vị, tổ chức cá nhân. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải hoãn chi, đặc biệt là chi tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp.

Tại các tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp tập trung đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, các ngân hàng thương mại ngoài việc chuẩn bị tốt hệ thống ATM, cần tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt nhưng phải đảm bảo an toàn để tránh dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm ATM.

Đặc biệt, tăng cường cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn phạm tội và có biện pháp phòng ngừa phù hợp để phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh an toàn ATM.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn