"Không đủ cơ sở nói game online là nguyên nhân bạo lực"

Thời sựThứ Năm, 05/08/2010 12:35:00 +07:00

"Có thể khẳng định chưa có đủ căn cứ để nói game online là nguyên nhân của bạo lực. Nếu có, đó là những hiện tượng nhỏ lẻ".

Từ 9h30 sáng nay (5/8), Báo VietNamNet đã tổ chức bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Lối đi nào cho game online?", nhằm tiếp tục cung cấp cho bạn đọc các ý kiến khách quan để làm rõ hơn hoặc về sự tác động của game online đối với cuộc sống xã hội. 

Mô tả ảnh.

Quản lý Game online – đang dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận của xã hội.


Khách mời của bàn tròn trực tuyến gồm có: PGS, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình - Viện xã hội học, ông Trần Vĩnh Sa - Phó phòng Thông tin điện tử Sở Thông tin & truyền thông TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Trưởng đại diện VP phía Nam Hiệp hội thương mại điện tử VN, ông Trần Vũ Hải – Luật sư, và một số người chơi game tại Hà Nội và TP. HCM. 

Mô tả ảnh.

Bàn tròn trực tuyến về Lối đi nào cho game online tại đầu cầu TP HCM. Nhà báo Đức Liên (giữa) và các khách mời, cùng nhóm biên tập trực tuyến

Nội dung bàn tròn trực tuyến

Yếu tố bạo lực với kích động bạo lực là hoàn toàn khác nhau

Nhà báo Đức Liên (TP HCM): Thời gian qua, một trong những mối quan tâm lớn của dư luận cũng như người chơi game là sẽ tạo điều kiện cho phát triển hay cấm game online? Tòa soạn VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến, phản ánh của bạn đọc về vấn đề này.

Nhằm tìm lối đi tích cực nhất cho ngành công nghiệp giải trí này, Báo VietNamNet đã mời các vị khách mời là chuyên gia, quản lý hiệp hội, và một số người chơi game đại diện, để góp tiếng nói khách quan, nhằm rộng đường dư lụân xung quanh vấn đề phát triển hay cấm game online. 

Mô tả ảnh.

Nhà báo Hải Yến đầu cầu Hà Nội  đặt câu hỏi cho TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học quan điểm thế nào là tính bạo lực trong game online

Ông Trần Vĩnh Sa, Phó phòng Thông tin – điện tử (Sở TT& TT, TP HCM): Thưa quý vị độc giả, trước tiên xin có trao đổi với quý vị là chúng ta trao đổi theo hướng mang tính xây dựng. Nhà nước không cấm game online như một số ý kiến đề xuất gần đây.

Theo thống kê, số lượng trò chơi trực tuyến phát triển rất nhanh. Có 43 game online có yếu tố bạo lực.

Chúng tôi đưa ra kiến nghị sau cuộc họp tại TP.HCM là cần quản lý game, kiến nghị này đã được tiếp thu và vài tháng sau đó thông tư 60 ra đời. Năm 2006-2007, TP.HCM đã tăng cường kiểm tra xử lý và đã xử lý 4 DN, kiểm tra 650 đại lý, xử phạt những điểm vi phạm.

Về tác hại của trò chơi trực tuyến, như dư luận đã nêu rất nhiều, coi game như một nguyên nhân khiến gia tăng bạo lực, khiêu dâm, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách, gây nghiện… ảnh hưởng đến đời sống và học tập của các em. Thời gian qua, có trên 7.000 bài báo phản ánh về tác hại của trò chơi trực tuyến. Trò chơi có tác hại đến sức khỏe và việc học hành của học sinh.

Mô tả ảnh.

Ông Trần Vĩnh Sa: Nhà nước không cấm game online như một số ý kiến đề xuất gần đây.

Sau khi thông tư 60 ra đời chúng tôi đã có kiến nghị Bộ TT&TT khi góp ý cho quyết định của Thủ tướng, không phát hành trò chơi mới, cân nhắc loại bỏ trò chơi bạo lực, đâm chém… khuyến khích trò chơi mang tính giáo dục. Không khuyến khích phát triển trò chơi trực tuyến ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý, gia đình, xã hội…

Thời gian vừa qua chúng ta mới chỉ nhập khẩu trò chơi chứ không sản xuất trò chơi. Vì vậy chúng tôi kiến nghị không nhập khẩu mà phát triển trò chơi Việt Nam mang tính giáo dục.

Đồng thời chúng tôi đề nghị loại bỏ trò chơi có những yếu tố mang tính bạo lực, khiêu dâm… địa phương có quyền đình chỉ hoạt động của DN trên địa bàn nếu không tuân thủ.

- Cơ quan Nhà nước không đề nghị cấm game. Chúng tôi chỉ đề nghị hạn chế hành vi mang tính bạo lực trong game, khuyến khích game sạch.

- Về vấn đề cấm hoạt động đại lý internet là chưa có đủ cơ sở pháp luật nếu đại lý không vi phạm.

Hiện nay, 80% người sử dụng internet là sử dụng tại nhà, cứ 2 hộ là có một đường truyền internet tại nhà.

Thay vì quản lý người chơi bằng CMT điện tử chưa có cơ sở để triển khai, chúng tôi đề nghị quản lý người chơi bằng thẻ ngân hàng.

Mô tả ảnh.

Cần định nghĩa thế nào là game có yếu tố bạo lực, thế nào là game có yếu tố khiêu dâm.


Nhà báo Hải Yến: Thưa TS Trịnh Hoà Bình, quan điểm của anh một nhà nghiên cứu xã hội, thế nào là game bạo lực, thế nào không, thế nào là game có yếu tố khiêu dâm? Và làm thế nào đảm bảo được thuần phong mĩ tục Việt Nam trong lĩnh vực game?

TS. Trịnh Hoà Bình: Trong lĩnh vực game online, có thể nói gần đây điều chúng ta chưa đạt đến sự thống nhất mà gây tranh cãi chính là tinh thần của thông tư liên tịch 60 quy định cấm các game kích động bạo lực, kích động truỵ lạc dâm ô, vi pham thuần phong mĩ tục Việt Nam.

Chúng tôi quan niệm game là mà một cuộc chơi là giải trí, nên không thể tránh khỏi những yếu tố bạo lực nhưng yếu tố bạo lực với kích động bạo lực là hoàn toàn khác nhau.

Sau khi xem và thưởng thức một tác phẩm văn học, tham gia một cuộc chơi có những hình chém giết, nó nhấm nháp làm người chơi, người diện kiến thấy bị đắm mình trong không gian bạo lực và muốn tham gia thực hiện hành vị bạo lực. Trong các quảng cáo ngắn dài hàng ngày chúng ta vẫn thấy, những hình ảnh sex không thiếu. Song các hình ảnh sex trong game không có nhiều và không nó tác động khiêu gợi hối thúc con người ta hành xử theo dục vọng thấp hèn.
 
Đây là lĩnh vực nhạy cảm đòi hỏi có sự đánh giá sự xem xét có cơ sở khoa học xung quanh câu chuyện phản văn hoá, chúng ta trao đổi hàng ngày hàng giờ. Còn cảm giác cuối cùng của người chơi sau khi bị đắm mình trong cuộc chơi, không bị thôi thúc thực hiện các hành vi bạo lực, hay cái gì đó xấu xa thấp hèn, và nó giữ cho người ta cuộc sống lành mạnh thì không đáng bị tẩy trừ. Tương tự như vậy những hành vi bạo lực được thực hiện trong game rất có thể là hành vi chiến đấu bảo vệ cái đẹp kết thúc là cái thiện thắng cái ác và con người ta vẫn hành xử theo quy lụât của cái đẹp thì điều đó cần được khuyến khích 

Mô tả ảnh.

Luật sư Trần Vũ Hải

Luật sư Trần Vũ Hải: Những vụ việc vi phạm pháp luật gần đây được thống kê, 10 vụ gần đây nhất đăng tin trên các báo thì nguyên nhân không liên quan tới game.

Theo ước tính, hiện nay số lượng người chơi game VN là 12 triệu người, chiếm khoảng 30% thanh thiếu niên. Có ý kiến cho rằng game online ảnh hưởng đến bạo lực học đường, nhưng thật ra không có chứng minh nào chỉ rõ được nguyên nhân trực tiếp liên quan đến game online. Vì vậy, có thể khẳng định chưa có đủ căn cứ để nói game online là nguyên nhân của bạo lực. Nếu có, đó là những hiện tượng nhỏ lẻ.

Nhà báo Đức Liên: Vấn đề là chúng ta cần thận trọng khi đánh giá nguyên nhân tác động của game online đối với đời sống…

Cần xây dựng những tiêu chí rõ ràng về mức độ bạo lực, hành vi bạo lực và hành vi kích động bạo lực trong game. Nếu làm game về đề tài chiến tranh lịch sử, xây dựng cho người chơi nhập vai thì tính tích cực, tiêu cực không rõ ràng. Việc xét duyệt nội dung game đã giao cho cục phát thanh truyền hình. Chúng ta nên khuyến khích sản xuất trò chơi trực tuyến, trò chơi mang tính giáo dục, tránh tình trạng game nước ngoài lấn át.

"Tội lỗi nếu bỏ nguồn lợi từ xuất khẩu game", "cấm nhập game là đánh đố"

Mô tả ảnh.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện VP phía Nam, Hiệp hội thương mại điện tử VN: Báo chí đã viết rất nhiều. Nhưng khi cơ quan Nhà nước ra quyết định thì có nhiều luồng dư luận.

Nếu tôi là cha mẹ tôi sẽ có phản ứng khác, nhưng tôi đang kinh doanh thì phản ứng sẽ khác nữa.

Những bức xúc, mong muốn của những người liên quan trông chờ vào tính nghiêm minh và phù hợp với thực tế của những quyết định của cơ quan quản lý. 

Chúng ta cũng cần xem xét để thông tin như thế nào là khách quan, bởi doanh nghiệp thì quan tâm nhưng người khác thì bàng quan. Quan trọng là người duyệt, như thế nào thì gọi là bạo lực. Nếu không có những yếu tố hấp dẫn thì không có người chơi.

Theo tôi, đối với vấn đề quản lý game nhập, nếu các game VN sản xuất đủ hấp dẫn thì không cần thiết cho chơi game nước ngoài.

Luật sư Trần Vũ Hải: Game nhập đã được Việt hóa. Hiện nay Vina game có 1.000 nhân viên, VTC game có 1.100 nhân viên, ngành dịch vụ game online mang lại rất nhiều việc làm. Vì vậy, không nên phân biệt đối xử giữa hàng nhập và hàng trong nước.

Chỉ khuyến khích các game nội do sản phẩm của ta chưa có chỗ đứng. Nếu chúng ta hạn chế, ngay lập tức game nước ngoài nhảy vào để Việt hóa, có lẽ chúng ta sẽ sập bẫy. Lúc đó có thể sẽ vẫn có đại lý và đại lý lậu, nguồn lợi nhuận sẽ chảy về đâu? Các nhà quản lý phải có tầm nhìn xa, phải nhìn thấy lợi ích của đất nước, nếu chúng ta không có chính sách phù hợp, thì  DN nước ngoài sẽ lấn tới.

Ngành công nghiệp game onine có thể xuất khẩu được, VTC đã xuất khẩu. Nhiều nước chưa phát triển game online và vẫn có nhu cầu sử dụng, thì chúng ta sẽ có lợi thế xuất khẩu. Tôi cho rằng sẽ là tội lỗi nếu ta bỏ mất nguồn lợi đó.

Nhà báo Hải Yến: Thưa các vị khách mời, đầu cầu Hà Nội TS. Trịnh Hoà Bình xin có ý kiến phản biện. Vậy xin mời TS. Hoà Bình.

TS Trịnh Hoà Bình: Tôi hoan nghênh quan điểm của Sở Thông tin & Truyền thông Tp.Hồ Chí Minh là không cấm game nhưng tiến tới không cho nhập game. Xung quanh quan điểm này cũng có cái đáng bàn như ý kiến anh Dũng đã nói, không cho doanh nghiệp nhập game cũng là đánh đố vì các DN làm game của Việt đang chập chững, chúng ta đã thấy bài học game Thuận Thiên Kiếm của Vinagame rất vất vả rồi mãi mới ra được. Như vậy bài toán đặt ra là chúng ta không thể cấm nhập mà yêu cầu doanh nghiệp nhập có định hướng sao có lợi cho bầu không khí của xã hội chúng ta.

Nếu cấm nhập là đánh đố. Và như ý kiến của anh Dũng đã nói, chúng ta còn phải hội nhập, nên phải học hỏi tiến tới mới sản xuất được.

Còn vấn đề trong ý kiến của anh Dũng đã nói thì đằng sau game là lợi ích của nhóm xã hội, nhóm của nhà doanh nghiệp nhập game như thế nào, trách nhiệm của giới quản lý ra sao, hoặc nhóm phụ huynh cũng như những người đang cảm thấy bức xúc về game ảnh hưởng đến cuộc sống của con trẻ... Đương nhiên có bộ phận rất lớn là những người đang bàng quan. Ở đây cần thiết có sự suy xét, chúng tôi thấy là báo chí, truyền thông có công lao rất lớn trong công cuộc đổi mới hội nhập nhưng tôi có cảm giác là trong thời gian vừa qua có một làn sóng ý kíên mang màu sắc chủ quan. Có rất nhiều người không hiểu về game những đang nói về game như là khởi nguồn của tội lỗi. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải khách quan trong đánh giá.

Ở đây tôi có chia sẻ ý kiến của bạn game thủ Phan Anh. Tuy nói chưa rành rẽ rõ ràng nhưng bạn đã đề cập đến khâu quản lý và độ bền vững của mỗi cá thể có thể chịu đựng áp lực ảnh hưởng xấu độc đến đâu. Đó là câu chuyện của giáo dục quản lý, là câu chuyện của mỗi gia đình để chúng ta xây dựng một xã hội mới mà vẫn duy trì được vấn đề đạo đức, đạo lý của người Việt Nam.

Nói về lợi ích của các nhóm thì nói thực là tôi không có lợi ích gì với game, chỉ bình luận. Xét về lợi ích của doanh nghiệp game mới chỉ có Vinagame còn các doanh nghiệp khác mới chỉ tham gia xung quanh nội dung số, truyền thông. Chúng ta làm sao để cho các doanh nghiệp đó xây dựng một ngành công nghiệp game Việt Nam là một câu chuyện mà cần có lộ trình. Với trách nhiệm nhà quản lý, những người quan tâm đến vấn đề này cần phải vạch ra lộ trình, tạo điều kiện cần và đủ cho doanh nghiệp có thể phát triển được với các game Việt đáp ứng được tiêu chí mà xã hội mong muốn.

Ông Trịnh Vĩnh Sa: Tôi đồng ý với ý kiến của ông Bình. Cần đánh giá lại việc cấp phép của Bộ TT&TT và đánh giá trách nhiệm của Bộ TTTT. Đây cũng là vấn đề lãnh đạo Sở TTTT đã từng có phát biểu yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường thông tin thẩm định cấp phép của bộ TT&TT, đảm bảo game lành mạnh được tiếp cận nhiều hơn với người chơi. Đại lý cũng cần được đánh giá, vì có những quy định như đăng ký người chơi dưới 14 tuổi hoặc tên người chơi điều đó làm cho công tác quản lý địa phương rất khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng: Doanh nghiệp VN đang gặp khó khăn nhiều mặt chứ không chỉ là kinh doanh thương mại điện tử. Cơ quan Nhà nước phải có dịch vụ dừng lại cảnh báo hoạt động của DN nếu họ vượt quá quy định cũng như có chính sách phù hợp quy định pháp luật.

Chắc chắn chúng ta không đủ lực lượng nghiên cứu xã hội học về tác động của game online. Cơ quan Bộ và Sở nên có thống nhất rõ ràng. Tôi cảm giác dường như có gì đó chưa thống nhất ý kiến. Đối với DN kinh doanh, bài toán doanh số là quan trọng nhất, họ không thể bù đắp được chi phí trong thời gian khủng hoảng này. Nhiều lúc DN cũng nhìn thấy game có yếu tố bạo lực nhưng nó phải hấp dẫn mới hút được người chơi. Khi tung ra một game không có người chơi vì không có tính hấp dẫn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề. Tất cả DN làm game đang rất lo lắng.

Chúng tôi đã khảo sát các tiệm game về suy nghĩ có nên truyền thông về game không? Cha mẹ khi ra tiệm game thấy các em chơi thì thấy đau lòng nên có phản ứng nhất thời gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng rút giấy phép tiệm game này tiệm game kia. Chúng ta phải nhìn nhận lại hiện trạng và tác động của game như thế nào trong đời sống xã hội.

Chia sẻ thêm với quý vị, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh game không “chết”, mà hiện nay đã có một làn sóng Việt hóa. Việc cấm chỉ tác hại đến những DN trong nước đang hoạt động. Chúng ta nên có những chuyên gia đánh giá lại vấn đề này một cách toàn diện. Người chơi game có khả năng phát sinh tâm lý “càng cấm càng chơi”.

Nhà báo Đức Liên: 2 tiếng trôi qua, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ nhiều chiều và có những đánh giá khách quan, đúng mức về game online. Nhiều ý kiến không tán thành nhận định cho rằng game online là một “tệ nạn xã hội”. Nếu chúng ta biết “gạn đục khơi trong”  thì game online vẫn mang lại những yếu tố tích cực. Về công tác quản lý, trong bàn tròn trực tuyến này đại diện Sở TT&TT TP.HCM đã khẳng định không cấm game online mà chỉ tăng cường quản lý, hạn chế những game có tính bạo lực, khiêu dâm. Các ý kiến cũng đề nghị nên có cách quản lý tốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển lành mạnh,  tránh sự lợi dụng, thao túng của các nhà  sản xuất game nước ngoài.

Các ý kiến tại bàn tròn trực tuyến mong muốn cần có một đề án nghiên cứu khoa học về game online để từ đó Nhà nước sẽ ban hành chính sách khả thi đối với hoạt động game online.

Theo VietNamNet

Bình luận
vtcnews.vn