Không để tắc thị trường trái phiếu chỉ vì một vài sự việc tiêu cực

Tài chínhThứ Ba, 31/05/2022 06:33:00 +07:00
(VTC News) -

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng nên nhìn nhận những sự việc tiêu cực vừa qua theo hướng tích cực, đó là việc thanh lọc giúp thị trường trái phiếu trong sạch hơn.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn an toàn” do VTC News tổ chức, luật sự Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc SB Law, cho rằng trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, nếu muốn thúc đẩy thị trường trái phiếu, hiệu quả nhất là bằng cách để thị trường tự phát triển và việc ban hành các chính sách sẽ là phương tiện tốt để hỗ trợ thị trường.

 Không để tắc thị trường trái phiếu chỉ vì một vài sự việc tiêu cực - 1

Luật sư Nguyễn Thanh Hà tại buổi tọa đàm

Ông Hà lấy ví dụ về việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) hủy 9 lô phát hành trái phiếu đã thành công của Tân Hoàng Minh. Luật sư Hà nhận định do không có tiền lệ nên các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang "bơ vơ" trong việc làm sao lấy được tiền về. Điều này đã để lại hệ lụy lớn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là của các doanh nghiệp bất động sản khi bị đóng băng.

Đồng tình với việc phải siết chặt tình trạng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhưng ông Hà cũng cho rằng không nên siết chặt quá sẽ dễ gây ra sự tắc nghẽn cho thị trường trái phiếu.

“Trong giai đoạn hiện nay, nếu chỉ vì một vài vụ việc mà chúng ta siết chặt thị trường thì theo tôi là không nên. Những vụ việc đó chỉ là những dấu hiệu cảnh báo, những căn bệnh ung nhọt cần chữa trị.

Chúng ta không nên nhìn nhận những sự việc đó theo hướng tiêu cực. Cần nhìn một cách tích cực, đó là phải ban hành những chính sách về mặt pháp lý để cho thị trường tốt lên, là dấu hiệu cảnh báo để thanh lọc thị trường trong sạch, minh bạch và tốt hơn chứ không phải một nút thắt của thị trường trái phiếu”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm.

Từ góc nhìn đó, ông Hà kiến nghị cần lành mạnh hóa thị trường, giải quyết một cách triệt để, nhanh chóng để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 của Chính phủ để tạo ra hành lang pháp lý, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Hà chỉ ra một số lỗ hổng của Nghị định 153 trong việc quản lý trái phiếu của doanh nghiệp hiện nay. Đó là lỗ hổng về điều kiện phát hành trái phiếu, về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng như là công tác hậu kiểm, mục đích sử dụng tiền khi mà huy động nguồn trái phiếu.

“Bộ Tài chính đã trình một dự thảo sửa đổi Nghị định 153, trong đó tập trung vào việc siết chặt lại điều kiện phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp cũng như vấn đề hậu kiểm cho doanh nghiệp.

Tôi nghĩ là việc các cơ quan chức năng bịt các lỗ hổng của Nghị định 153 giúp thị trường trái phiếu phát triển một cách lành mạnh, là một kênh tốt để huy động vốn cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp. Nhưng theo dự thảo, tôi thấy rằng các điều kiện phát hành trái phiếu hiện nay đang bị thắt chặt. Nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 153 này được Chính phủ thông qua thì điều kiện phát hành trái phiếu sẽ tương đối khó khăn cho các doanh nghiệp.

Theo tôi, chúng ta siết chặt nhưng vẫn phải phục vụ cho mục đích phát triển của các doanh nghiệp chứ không phải chúng ta bóp thị trường trái phiếu lại do chúng ta không quản lý được”, ông Hà phân tích.

Cuối cùng, liên quan đến công tác và vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, luật sư Nguyễn Thanh Hà đề xuất một số giải pháp. Về ngắn hạn, Chính phủ với vai trò là điều hành nền kinh tế cần lập một tổ công tác có đại diện của UBCKNN, Bộ Tài chính, cơ quan Tư pháp, cơ quan điều tra để có một biện pháp thống nhất để xử lý những sự việc lùm xùm như vừa qua, đặc biệt là đảm bảo được quyền lợi của các nhà đầu tư.

Giải pháp thứ 2, đó là chất lượng nhân sự của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là UBCKNN.

Như chúng ta biết trong giai đoạn vừa qua có một sự xáo trộn lớn đối với nhân sự của UBCKNN, kể cả những lãnh đạo cấp cao cũng đã bị xem xét về mặt kỷ luật.

Tôi nghĩ là trong bất kỳ một thể chế nào dù pháp luật có hay đến đâu nhưng những người lãnh đạo, đặc biệt là những cán bộ công chức của một cơ quan quản lý nhà nước phải thật sự là những người giỏi về chuyên môn, làm việc một cách công tâm, xác định vì lợi ích của đất nước, lợi ích của ngành mình chứ không phải vì lợi ích của cá nhân”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm.

Tọa đàm "Để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn an toàn" do VTC News tổ chức nhằm tìm giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Viện chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp.

Nội dung tọa đàm xoay quanh việc phân tích những tiềm năng, cơ hội để doanh nghiệp phát triển trái phiếu theo hướng bền vững, đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhà đầu tư

Các chuyên gia cũng cùng thảo luận về những chủ trương, chính sách của Nhà nước để tạo lập một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn và phân bổ hiệu quả cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Từ đó chỉ ra giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư...

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn