Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT: Không công khai danh tính phụ huynh 'gian lận' thi là bao che

Giáo dụcThứ Bảy, 20/04/2019 12:15:00 +07:00

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng việc không công khai danh tính phụ huynh, học sinh liên quan đến gian lận điểm thi là bao che.

Hàng loạt phụ huynh có con được nâng điểm thi dần được hé lộ, trong đó có nhiều em là con cán bộ Sở GD&ĐT, ngành thuế, công an. Tuy nhiên đó mới chỉ là điều tra từ báo chí, còn thực tế cơ quan chức năng hiện nay vẫn chưa công khai danh sách cũng như danh tính học sinh và phụ huynh.

Điều này khiến dư luận bất bình, bởi chính họ đã lấy đi cơ hội của thí sinh khác. Việc phạm tội đã quá rõ ràng nhưng đến nay những trường hợp này vẫn chưa bị xử lý, bởi cơ quan điều tra chưa đưa ra kết luận.

gian-lan-thi-cu (1)

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ  cho rằng, không công khai danh tính thí sinh, phụ huynh gian lận điểm là bao che.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị phải xử lý nghiêm, trừng trị thích đáng người gian lận, tổ chức gian lận và những người có liên quan.

Trong đó cơ quan chức năng cần phải xem xét trách nhiệm của phụ huynh, nếu là người có chức có quyền đi nhờ người nâng điểm cho con em mình thì càng phải phạt nặng. Bởi họ là người biết luật, thực hành luật nhưng cố tình làm sai.

"Tôi thấy cần công khai danh tính phụ huynh, học sinh dính gian lận điểm thi. Công khai là nhân văn, việc không công khai là bao che”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định.

Thứ trưởng Nhĩ nói, nhân văn ở đây không phải là trù dập. Có thể các em dính gian lận điểm và bị buộc thôi học nhưng các em vẫn được thi lại, nếu đủ điểm thì lại được vào trường, đó là nhân văn.

gian-lan-thi-cu (2) 3

 Khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Hữu Thủy, SN 1964, Phó Hiệu trưởng trường PTTH Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm.

Đồng tình quan điểm trên, GS.TS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam), cũng cho rằng, cần công khai danh tính những người liên quan tới sai phạm vì nếu đã sai, dù che dấu như thế nào cũng được làm sáng tỏ.

"Bộ GD&ĐT nên đồng ý cho các Sở GD&ĐT công khai danh tính phụ huynh, học sinh. Trên mạng mấy ngày nay đã xuất hiện danh sách của họ rồi, ngành giáo dục bưng bít làm gì”, GS Dong nói và cho rằng nếu không công khai, dư luận sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, mất niềm tin vào giáo dục.

Trong lần trả lời VTC News mới đây, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp) cũng nói rằng, đối với những người tạo ra hành lang, cơ sở để gian lận trong thi cử thì dù là bất cứ ai, dù ở cương vị nào cũng cần thiết phải bị xử lý thích đáng, để người dân thấy được sự bình đẳng, công tâm, công bằng.

"Không thể nào chấp nhận con em những người cán bộ thì được, còn con em những người dân thường lại không được, việc đó dẫn đến những hệ lụy, hệ quả hết sức nguy hiểm về lâu về dài, tạo sự bất bình đẳng trong quần chúng nhân dân”, ông Hòa nói.

“Tôi rất đồng tình với việc công khai, công bố danh tính của những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua và đồng thời cũng phải nêu luôn những thí sinh đó là con em của ai, làm gì, ở đâu, như thế nào? Phải làm như vậy chứ không thể nào giấu giếm để người dân cảm thấy bên trong đó có sự bất công, có sự bao che ai đó", ông Hòa nói thêm.

222 thí sinh ở Hòa Bình, Hà Giang và Sơn La đã bi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong đó, tại Hà Giang, 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018.

Hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La thì phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 em ở Hòa Bình và 44 em ở Sơn La được nâng điểm. 63 em trúng tuyển vào các trường công an, quân đội, y khoa, nhưng sau đó đã bị đuổi học hoặc tự nghỉ. 

16 cán bộ liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam.

Video: Những lãnh đạo, quan chức Sơn La có con được nâng điểm sẽ bị xử ý ra sao?

Nhật Tâm
Bình luận
vtcnews.vn