‘Không công khai danh tính đại biểu Quốc hội biểu quyết hay không biểu quyết’

Thời sựThứ Sáu, 15/06/2018 19:39:00 +07:00

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội chỉ công khai kết quả biểu quyết, chứ không công khai danh tính đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết hay không biểu quyết trên bảng điện tử.

Tại cuộc họp báo chiều 15/6, trước câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội có thể công bố danh tính của tất cả các ĐBQH đồng ý - không đồng ý thông qua Luật an ninh mạng hay không, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong biểu quyết của Quốc hội Việt Nam hiện nay thực hiện theo hình thức công khai kết quả, nhưng không công khai danh tính trên bảng điện tử.

anninhmang

 Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỉ lệ 86,86%), 15 đại biểu không tán thành và 28 đại biểu không biểu quyết.

“Trên thế giới có khoảng 1/4 nghị viện công bố danh tính trên bảng điện tử thôi, Việt Nam không áp dụng hình thức này. Quốc hội chỉ công khai kết quả biểu quyết, chứ không công khai danh tính đại biểu Quốc hội biểu quyết hay không biểu quyết trên bảng điện tử”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, hiện Việt Nam tham gia là thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới và thường xuyên có các cuộc trao đổi hàng năm.

“Chúng tôi có hỏi các tổng thư ký, họ nói hiện nay trong tổng số 283 nghị viện thế giới thì có khoảng 70 nghị viện có nghị quyết có danh còn lại là không có danh.

Quốc hội lựa chọn hình thức nào là quyền của Quốc hội đó. Việc nào cũng có hai mặt tích cực và không tích cực”, ông Phúc nói.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp thứ 13, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có đề nghị xem xét Quốc hội chuyển sang hình thức biểu quyết có danh.

Tuy nhiên, khi đưa ý kiến này ra Quốc hội để biểu quyết thì đa số đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị biểu quyết theo hình thức hiện nay, nghĩa là không công khai danh tính.

Trước đó, Chính phủ trình dự án Luật An ninh mạng ở kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14. Qua hai kỳ họp tháng 11/2017 và kỳ họp đang diễn ra, bên cạnh các ý kiến ủng hộ, nhiều đại biểu cũng nêu quan ngại, phản biện một số quy định của dự Luật.

Sáng 12/6, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa 14, Luật An ninh mạng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỉ lệ 86,86%), 15 đại biểu không tán thành và 28 đại biểu không biểu quyết.

Luật này gồm 7 Chương, 43 Điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn