Không còn bất ngờ khi Nga khoá van khí đốt, châu Âu đối phó thế nào?

Tư liệuThứ Tư, 07/09/2022 09:17:17 +07:00
(VTC News) -

Châu Âu “đứng ngồi không yên” khi sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đóng đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn.

Hôm 2/9, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo tiếp tục đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 sau 3 ngày bảo dưỡng. Lý do Gazprom đưa ra là do phát hiện tuabin chính tại trạm nén Portovaya gần St. Petersburg bị rò rỉ dầu và tập đoàn này tuyên bố Nord Stream 1 sẽ dừng hoạt động vô thời hạn, cho đến khi vấn đề được giải quyết.

Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây cho biết lý do thực sự của việc Moskva khóa van khí đốt đường ống Nord Stream 1, tuyên bố sẽ chỉ mở van đường ống dẫn khí này cho đến khi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp lên Nga. 

Không còn bất ngờ

Các quốc gia châu Âu đã dự liệu từ trước, không quá bất ngờ khi Nga quyết định đóng van dòng chảy Nord Stream 1. Tuy nhiên, động thái này của Moskva thực sự khiến châu Âu “đứng ngồi không yên” khi phải tìm cách giải bài toán không khí đốt của Nga trong bối cảnh mùa đông đang đến gần.

Không còn bất ngờ khi Nga khoá van khí đốt, châu Âu đối phó thế nào? - 1

Đường ống khí đốt Nord Stream 1 dừng hoạt động vô thời hạn. (Ảnh: EPA)

Chính vì tiên liệu từ trước nên giới chức châu Âu không mấy bất ngờ trước quyết định của Nga. Họ cáo buộc Moskva chủ ý phá hỏng đường ống Nord Stream 1. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tố Nga “sử dụng khí đốt làm vũ khí” và khẳng định điều đó sẽ “không thay đổi quyết tâm của EU” khi khối này đang hướng đến "độc lập về năng lượng".

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mô tả Moskva là “đối tác không đáng tin cậy” về nguồn cung cấp khí đốt. Bà cho rằng "đã đến lúc" áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga thông qua đường ống Nord Stream 1.

Mới đây, ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế EU, khẳng định khối này đã chuẩn bị kỹ càng cho kịch bản Nga cắt hoàn toàn xuất khẩu khí đốt. “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng để ứng phó việc Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí. Chúng tôi không sợ hãi trước quyết định này”, AFP dẫn lời ông Gentiloni nói.

Ông Gentiloni cho biết EU “đã làm nhiều thứ trong những tháng gần đây”, và dự trữ khí đốt của EU hiện đang ở mức khoảng 80%, nhờ vào việc đa dạng hóa nguồn cung cấp. Dự trữ khí đốt của Đức đã đầy khoảng 85%. Tiến độ này của châu Âu nói chung và Đức nói riêng diễn ra nhanh hơn kế hoạch đề ra. EU đã đưa ra mục tiêu đến ngày 1/11 đạt mức dự trữ khí đốt 80% công suất.

Thế nhưng, trên Reuters, ông Klaus Mueller - Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cơ quan điều tiết năng lượng của Đức từng cảnh báo, ngay cả khi dự trữ khí đốt của Đức đầy 100%, dự trữ này sẽ bị rút kiệt trong 2 tháng rưỡi nếu dòng chảy khí đốt Nga bị cắt đứt hoàn toàn.

Dù giới chức châu Âu không quá bất ngờ cũng như tuyên bố đã lên phương án dự phòng song trên thực tế, việc Nga đóng van dòng chảy khí đốt Nord Stream 1 ngay lập tức tác động thị trường khí đốt châu Âu. Giá khí đốt của châu Âu tăng vọt tới 30%, tới 272 euro/MWh thời điểm mở phiên ngày 5/9. Trong khi đó, giá khí đốt giao tháng 10/2022 trên sàn Dutch TTF (Hà Lan) được giao dịch ở mức 256 euro/MWh, cao hơn gần 400% so với cùng thời điểm một năm trước đó.

Theo tờ Wall Street Journal, châu Âu lo ngại giá khí đốt và giá điện ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng lên các mức cao mới khi đường ống Nord Stream 1 đóng cửa vô thời hạn. Nếu không kịp thời hỗ trợ, các công ty cung cấp dịch vụ điện, khí đốt sẽ sụp đổ vì không đủ tiền để mua khí đốt từ các nhà giao dịch năng lượng. Điều này sẽ gây bất ổn cho thị trường tài chính khu vực.

Nhiều nhà cung cấp điện năng ở châu Âu đang gặp khó khăn, trong khi một số nhà máy phát điện lớn đang chịu rủi ro và bị ảnh hưởng bởi giá trần năng lượng. Điều này khiến họ không thể chuyển phần chênh lệch do giá tăng sang người tiêu dùng. Các chính phủ trong EU cũng đã phải bơm hàng chục tỷ euro vào các chương trình hỗ trợ các hộ gia đình.

Giá năng lượng cao ngất ngưởng đã buộc nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu, bao gồm các hãng phân bón thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, những ngành vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu chip và tắc nghẽn chuỗi cung ứng, giờ đây lại phải đối mặt với các hóa đơn nhiên liệu tăng cao. Rõ ràng, khó khăn đang chồng chất, khiến cho các doanh nghiệp tại châu Âu chật vật tìm lối thoát.

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Đường ống này chỉ hoạt động với 40% công suất từ tháng 6, với lý do một tuabin bị Canada giữ lại sau khi gửi đến nước này để bảo dưỡng. Kể từ tháng 7, Nord Stream 1 hoạt động ở mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất, với lý do một số tuabin ngừng hoạt động.

Ngoài Nord Stream 1, Nga còn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua một số đường ống khác, trong đó có đường ống đi qua Ukraine. Song lượng khí đốt cung cấp qua các đường ống này cũng đã giảm, khiến EU phải chạy đua tìm kiếm các nguồn cung khác thay thế.

Không còn bất ngờ khi Nga khoá van khí đốt, châu Âu đối phó thế nào? - 2

Châu Âu loay hoay tìm nguồn cung khí đốt thay thế nguồn cung từ Nga, trong đó có LNG. (Ảnh: Getty)

Chạy đua ngăn thảm họa

Dòng khí đốt Nga đi qua Ukraine vẫn chảy, dù công suất giảm so với trước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dòng chảy này không ổn định, có thể trở thành một “nạn nhân” của các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine.

“Tâm điểm chú ý đang chuyển sang dòng khí đốt tiếp tục chảy tới châu Âu qua Ukraine”, nhà phân tích James Huckstepp của S&P Global Platts cho biết trên Twitter, đồng thời nhận định việc nguồn cung này cũng bị gián đoạn “chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Đồng quan điểm, trả lời phỏng vấn Reuters, chuyên gia cấp cao Jacob Mandel thuộc Aurora Energy Research cho rằng “nguồn cung khan hiếm là một vấn đề khó khắc phục, và ngày càng khó thay thế cho mỗi giọt khí đốt bị mất từ Nga”.

Theo dự kiến, phản ứng trước động thái khóa van dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1, bộ trưởng bộ năng lượng các nước thành viên EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 để thảo luận về các lựa chọn kiềm chế đà leo thang của giá năng lượng, trong đó có việc áp trần giá khí đốt cũng như cung cấp hạn ngạch tín dụng khẩn cấp cho các doanh nghiệp tham gia thị trường năng lượng.

Một số quốc gia trong khu vực đã triển khai các kế hoạch khẩn cấp. Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper của Đức Klaus-Dieter Maubach cho biết “không loại trừ việc Đức sẽ xem xét đến việc phân bổ khí đốt". Các biện pháp này có thể dẫn đến việc phân bổ năng lượng và thúc đẩy lo ngại suy thoái kinh tế, với lạm phát và lãi suất tăng mạnh.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tuyên bố “sẽ vượt qua mùa đông” cả khi Nga khóa van khí đốt. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Berlin đã đưa ra một số "quyết định kịp thời" để tránh một cuộc khủng hoảng khí đốt trong mùa đông. Theo đó, nước này công bố kế hoạch trị giá 65 tỷ USD nhằm giảm bớt áp lực lạm phát lên người dân vì khủng hoảng năng lượng. Gói hỗ trợ mới sẽ bao gồm khoản thuế đối với các công ty năng lượng, giúp thanh toán hóa đơn điện và trợ cấp giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, Đức cũng cho biết nước này có kế hoạch giữ lại 2 trong 3 nhà máy điện hạt nhân mà họ định loại bỏ vào cuối năm nay, để đảm bảo cung ứng điện cho mùa đông tới.

Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết, Berlin và Paris sẽ hỗ trợ nhau trong trường hợp thiếu hụt năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine. "Đức cần khí đốt của chúng tôi và chúng tôi cần sức mạnh từ phần còn lại của châu Âu, đặc biệt là Đức", ông Macron nhấn mạnh.

Trong khi đó, Na Uy - nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Â, cũng đã bơm nhiều khí đốt hơn cho thị trường châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng khí đốt của Na Uy không đủ bù đắp cho nguồn thiếu hụt từ Nga. Còn Tây Ban Nha muốn hồi sinh dự án MidCat, xây đường ống khí đốt thứ ba xuyên qua dãy Pyrenees sang Pháp, nhưng Paris cho rằng xây các cảng LNG mới, có thể là cảng nổi, là lựa chọn nhanh hơn, tiết kiệm hơn.

Theo các chuyên gia, hiện còn nhiều dư địa để thay thế khí đốt Nga bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, nhưng nhu cầu khí đốt tăng lên ở cả châu Âu và châu Á, sẽ không còn nhiều LNG để châu Âu có thể mua. Hơn nữa, nguồn cung LNG trên thị trường toàn cầu đang bị thắt chặt do nhu cầu tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ đại dịch COVID-19.

Mỹ cho biết có thể cung cấp 15 tỷ m3 LNG cho EU trong năm nay. Các nhà máy LNG của Mỹ đang hoạt động hết công suất. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng tại châu Âu không cho phép khi các các cảng LNG có công suất tiếp nhận hạn chế. Một số quốc gia đang tìm cách tăng cường nhập khẩu và lưu trữ LNG song quá trình này sẽ mất nhiều năm.

Ngoài ra, một số nước ở châu Âu có thể bù đắp nguồn cung năng lượng bằng cách nhập khẩu điện từ các nước láng giềng hoặc tăng sản lượng từ điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện hoặc nhiệt điện... Tuy nhiên, sản lượng điện hạt nhân đang giảm dần tại Bỉ, Anh, Pháp và Đức do nhà máy phải dừng hoạt động do xuống cấp hoặc đang bị loại bỏ, trong khi mực nước tại các hồ thủy điện châu Âu giảm do lượng mưa thấp.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn