Không chỉ Gateway, hàng loạt trường gắn mác quốc tế, 'câu' học sinh

Giáo dụcThứ Sáu, 09/08/2019 12:44:00 +07:00

Theo luật không có trường quốc tế nhưng nhiều trường ngoài công lập tự quảng cáo hình ảnh, thu hút học sinh bằng cách gắn mác trường quốc tế.

Tâm lý sính ngoại của người Việt

Chị Hoàng Hồng Hạnh (Hai Ba Trưng, Hà Nội) có con theo học tại một trường mầm non tư thục hai năm nay, chị vẫn gọi đó là trường quốc tế. Ban đầu chị cho học hệ thường, sau đó nâng cao hơn với hệ song ngữ.

Chị Hạnh hài lòng với hệ thống giáo dục cũng như cách dạy dỗ của thầy cô. Với số tiền hơn 7 triệu đồng/tháng gồm học phí, tiền ăn, xe đưa đón... theo lý giải của chị thì hệ này có người nước ngoài dạy, tiếng Anh được tăng cường nhiều hơn.

Mức học này nếu so với nhiều trường "quốc tế" khác không phải là cao, nhưng cũng là "mơ ước" của nhiều gia đình. Chị Hạnh cho biết, từ khi con đi học khả năng tiếng Anh cũng như nhiều kỹ năng khác được cải thiện nên chị dự định cho con học lên cấp tiểu học và trung học tại đây.

Không chỉ chị Hạnh, nhiều gia đình "dư dả" đều cho con theo học trường tư. Với họ, học ở đây con cái được thoải mái, không bị gò bó thời gian, học sinh không chịu áp lực học hành như trường công. Ở các trường quốc tế, kỹ năng mềm cũng như khả năng tiếng Anh của con nâng cao, thuận lợi cho việc đi du học sau này.

Có lẽ biết tâm lý "sinh ngoại", thích "Tây" của phụ huynh, mà nên các trường quốc tế đua nhau "mọc" lên ở các thành phố lớn. Trường nào cũng đông học sinh, có gia đình phải chờ mấy tháng mới được nhận vào học. 

Tìm kiếm trên mạng xã hội có thể thấy rõ "ma trận" các trường "quốc tế" ở Hà Nội cũng như TP.HCM. Dù học phí tại các trường này đắt đỏ, có nơi lên đến 300-400 triệu đồng một năm, nhưng đây vẫn là nơi các phụ huynh đặt niềm tin cho con theo học. 

Tuy nhiên, thực tế nhiều phụ huynh chưa nắm rõ khái niệm về trường quốc tế hay tư thục. Với họ, chỉ cần có chương trình dạy song ngữ, có yếu tố nước ngoài thì mặc định gọi là quốc tế.

truong-1757401

Trường Gateway tự gắn mác quốc tế.

Mới đây nhất là vụ việc liên quan đến trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway (Hà Nội), nơi học sinh lớp 1 thiệt mạng thương tâm do sự bất cẩn, tắc trách của đội ngũ nhân viên nhà trường, để quên em trong ô tô.

Gửi gắm con vào ngôi trường với mức học phí 117,7 triệu mỗi năm, phụ huynh mong ngày nào của con cũng là "một ngày vui" nhưng không ngờ chuyện đau lòng lại xảy ra.

Trường Gateway có các chương trình đào tạo giáo dục kết hợp giữa chương trình tiếng Anh và tiếng Việt như chương trình STEAM thực hành, khoa học, tin học, các môn tự chọn AP, chương trình Dual Enrollment.

Theo ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, trên địa bàn quận không có trường quốc tế nào, mà chỉ có trường có yếu tố nước ngoài. 

Trong đăng ký thành lập trường của Gateway cũng không có chữ "quốc tế", mà chỉ là trường tiểu học. "Chữ quốc tế có lẽ là do nhóm trường ngoài công lập tự quảng cáo hình ảnh, thu hút học sinh", Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khẳng định.

Như vậy rõ ràng trường Gateway tự gắn mác quốc tế cho tất cả các "tên giao dịch" của mình. Danh xưng trường quốc tế giúp Gateway tạo được hình ảnh như một ngôi trường đào tạo với tiêu chuẩn chất lượng cao, uy tín.

quocte2 7

 (Ảnh chụp website của trường) 

Chưa có quy định về trường quốc tế

Trong các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện nay, không hề có quy định nào về trường quốc tế, vì thế cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho ngôi trường này. 

Theo Điều 48 của Luật giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường công lập; dân lập; tư thục. Luật giáo dục mới được Quốc Hội thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.

Như vậy, không chỉ Gateway mà rất nhiều trường khác dù không được công nhận nhưng vẫn gắn thêm chữ quốc tế, nhằm thu hút tuyển sinh và đánh bóng tên tuổi của trường. 

Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM), nhiều trường tự cho mình là trường quốc tế hầu như hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục và những trường này thường tự gắn thêm vào tên chữ "quốc tế" do có yếu tố nước ngoài.

Theo luật sư Bình, tại điều 8 luật quảng cáo 2012 quy định những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố...”.

Với quy định trên, những trường gắn mác "quốc tế" có hành vi quảng cáo không đúng sự thật, ghi tên trường không đúng giấy đăng ký… thuộc hành vi bị cấm được quy định tại luật trên.

quocte1 6

  (Ảnh chụp website của trường) 

Nhầm lẫn trường tư và trường có yếu tố nước ngoài

TS Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trường quốc tế phải có giáo viên người nước ngoài, có đội ngũ học viên người ngoại quốc, có nhà đầu tư ngoại quốc, có chi nhánh ở toàn cầu với các chương trình giáo dục chất lượng và được thừa nhận rộng rãi trên trường quốc tế.

"Những trường hiện gắn mác quốc tế đều là những trường có yếu tố nước ngoài có thể gồm vốn của nước ngoài một phần, cán bộ quản lý giáo viên có thành phần người nước ngoài, chương trình giáo dục liên kết...

Việc một số trường có yếu tố nước ngoài gắn mác quốc tế mà không có đặc trưng quốc tế là vi phạm về luật quảng cáo và quy định của ngành giáo dục...lừa người dân thiếu thông tin. Trách nhiệm về việc một số trường để tên quốc tế thuộc về Sở GD&ĐT chứ không phải của Bộ GD&ĐT", TS Hoàng Ngọc Vinh nói.

quocte3 8

  (Ảnh chụp website của trường) 

Về vấn đề này, tại buổi công bố về trang thông tin dịch vụ của ngành giáo dục đào tạo mới đây tại TP. HCM, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện nay nhiều phụ huynh vẫn có sự nhầm lẫn giữa trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài.

Nhiều trường tư thục hiện được phép giảng dạy các chương trình quốc tế, nhiều phụ huynh nghĩ chỉ cần giảng dạy chương trình nước ngoài  có yếu tố nước ngoài.

Trong khi đó, trường có yếu tố nước ngoài phải do tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài cho con em là người nước ngoài ở TP.HCM và 1 bộ phận con em người Việt sinh sống tại TP.HCM. Tại TP.HCM, hiện 21 trường có  yếu tố nước ngoài.

Ngày 8/8, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn