Không cam chịu trận, doanh nghiệp BĐS tìm cách thích nghi với 'bóng ma' COVID-19

Bất động sảnThứ Ba, 03/08/2021 11:22:44 +07:00
(VTC News) -

Giữa đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thay đổi chiến lược bán hàng cũng như cơ cấu lại hoạt động để không bị gục ngã.

Suốt gần 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19 là khoảng thời gian doanh nghiệp bất động sản chịu thiệt hại nặng nề vì thị trường bất ổn. Nhưng, đây cũng lại là thời điểm để doanh nghiệp tích lũy kinh nghiệm, sống chung với đại dịch.

2 năm gần như tê liệt

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nói chung và Đại Phúc Land nói riêng đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung - cầu. Nhưng đó chưa phải vấn đề quá lớn lao cho đến khi COVID-19 bùng phát ở Việt Nam từ đầu năm 2020. 

Tuy vậy, bà Hương thừa nhận, bất động sản không phải là lĩnh vực chịu tác động sớm nhất hay nặng nề nhất. Năm 2020, Chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt nên thị trường vẫn có sức bật nhất định. Sang đầu năm 2021, tuy phải trải qua đợt dịch ngắn nhưng hậu quả không nặng nề, thị trương vẫn xuất hiện một đợt sốt đất nền hồi tháng 3 - 4.

Nhưng đến đợt dịch lần thứ tư này, tình hình nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến đã khiến thị trường bất động sản thực sự ngấm đòn, nhiều doanh nghiệp gần như phải dừng hoạt động.

Không cam chịu trận, doanh nghiệp BĐS tìm cách thích nghi với 'bóng ma' COVID-19 - 1

Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đối hướng để trụ vững giữa mùa dịch. (Ảnh minh họa)

Bà Hương phân tích: Trong ngành bất động sản có một nhóm doanh nghiệp lớn bao gồm các chủ đầu tư, có nguồn lực đầu tư mạnh và nguồn vay đảm bảo để triển khai các hoạt động dài hạn. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, các ông lớn này cũng sẽ chịu áp lực lớn. 

Với các doanh nghiệp môi giới, chiếm 60-70%, là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư, thì chỉ có thể "gồng" được một thời gian ngắn.

Tổng giám đốc Đại Phúc Land cũng cho rằng, dịch bệnh nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài và sớm nhất cũng phải đến quý IV thì doanh nghiệp mới hoạt động trở lại và thị trường theo đó sẽ có cơ hội phục hồi.

"Tuy nhiên, đến quý IV, nếu doanh nghiệp vẫn không hoạt động trở lại được thì mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ, bởi doanh nghiệp vừa rồi đã quá khó khăn. Đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng do đó là rất lớn", bà Hương nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group cho rằng, từ nay tới cuối năm, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch trên thị trường. 

Bởi với ngành BĐS, việc giao dịch online là rất khó do khách hàng còn muốn đến thăm dự án, tiến hành ký kết trực tiếp các thủ tục mua bán… 

Do đó, trong thời gian giãn cách, khách hàng sẽ chỉ tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc mới tiến hành giao dịch.

Nếu đến tháng 8 có thể kiểm soát được dịch bệnh thì tôi tin rằng, cuối năm thị trường sẽ giao dịch tốt, nhiều chủ đầu tư đang chờ tung hàng ra, thị trường bất động sản cuối năm có thể có đợt sóng mới”, ông Lộc kỳ vọng.

Sống chung với dịch bệnh

Giữa lúc COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều doanh nghiệp bất động sản tiết lộ đã phải chuyển mình để trụ vững trong hoàn cảnh mới.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Asian Holding cho biết, vì không biết đến bao giờ COVID-19 biến mất hoàn toàn nên doanh nghiệp của ông đã lên kế hoạch dài hạn để có thể sống chung với dịch. Theo đó, tất cả công việc họp giao ban, tiếp thị cho khách hàng, bán hàng…đều được thực hiện qua kênh online.

"Chúng tôi đã tự quay dự án bằng flycamp, chụp hình ảnh…để gửi cho khách hàng, giúp họ hình dung trực quan nhất về vị trí dự án, lô đất cũng như tính pháp lý. Các nhân viên bán hàng không được gặp khách trực tiếp nên chuyển qua tư vấn bằng Zalo, ViberTuy cách làm này không thể hiệu quả như bình thường nhưng tôi tin thói quen của khách hàng sẽ dần thay đổi và chúng tôi sẽ được chấp nhận", ông Hậu nói.

Bên cạnh đó, công ty vẫn có những kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, phỏng vấn online, họp giao ban online… để đảm bảo hệ thống luôn trơn tru, sẵn sàng để sau dịch có thể chạy tổng lực.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cũng chia sẻ, dịch bệnh là yếu tố khách quan không ai tránh được, nên vấn đề của doanh nghiệp lúc này là làm sao duy trì hoạt động, đảm bảo được nguồn lực chờ dịch bệnh lắng xuống để có thể nắm bắt cơ hội mới, sẵn sàng tăng tốc khi có thể.

Cụ thể, trong giai đoạn dịch bệnh, nghiên cứu thị trường cho thấy nhiều người có nhu cầu ở một nơi giãn cách, gần thiên nhiên với khoảng cách đủ để cuối tuần đi về như một chuyến dã ngoại của cả gia đình. Bởi vậy, công ty của ông chủ trương không đẩy mạnh bán các sản phẩm nhà liền kề hay chung cư, mà tạo trung vào bán nhà vườn, biệt thự ở khu vực Hoà Bình, Hòa Lạc (Hà Nội).

Bên cạnh đó, để thu hút khách hàng, công ty ông đưa ra những chính sách nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho khách sở hữu sản phẩm mong muốn như chiết khấu, mua nhà tặng xe, liên kết ngân hàng hỗ trợ vay vốn và giãn cách tiến độ thanh toán…

Ngoài ra, công ty cũng áp dụng chính sách thuê lại những căn nhà đã bàn giao với thời hạn 3 năm và ân hạn nợ gốc và lãi trong vòng 24 tháng để hỗ trợ khách với các sản phẩm nhà vườn.

Đổi chiến lược kinh doanh, đưa những sản phẩm hợp với xu hướng thị trường cùng những chính sách hỗ trợ khách tốt nhất và quan trọng hơn là cách để doanh nghiệp vượt khó giữa mùa dịch”, vị lãnh đạo này khẳng định.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp