Không bỏ tiền cấp 21 triệu thẻ căn cước công dân

Thời sựThứ Năm, 19/06/2014 04:54:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không nên cấp khoảng 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi vì không hiệu quả và gây tốn kém.

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng không nên cấp khoảng 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi vì không hiệu quả và gây tốn kém cho ngân sách.

Ngày 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật căn cước công dân. Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi vì nếu cấp, Nhà nước sẽ tốn kém 648 tỷ đồng và bị “phình” bộ máy.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho rằng không nên cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi do tốn kém và không hiệu quả

Chia sẻ về quan điểm này, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng, người ở độ tuổi dưới 15 chủ yếu đang đi học. Một số do điều kiện nào đó mà ở nhà giúp việc nhà, một số ít tham gia lao động theo Luật lao động cho phép. Loại giấy tờ cần thiết nhất ở độ tuổi này là giấy khai sinh.


"Hiện nay thẻ căn cước công dân chưa quy định được, vậy cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi để làm gì nhất là đối với trẻ sơ sinh và các cháu ở bậc mẫu giáo, bậc tiểu học?", đại biểu Niễn đặt câu hỏi.

Đại biểu Niễn cho rằng sẽ không hợp lý khi bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số để cất giữ, không quan hệ giao dịch gì phổ biến.

“Cái mới, cái tiến bộ, chúng ta hoan nghênh và ủng hộ nhiệt tình nhưng sự hợp lý, tiết kiệm, lãng phí cũng cần phải được tính", đại biểu Niễn nhấn mạnh.

Thẻ căn cước
Nhiều đại biểu đề nghị không cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 15 tuổi 

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) phân tích thêm: Trẻ dưới 14 tuổi đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự và trong các giao dịch dân sự cũng cần có cha mẹ hay người giám hộ nào đại diện.

Trong khi đó, tại Điều 3 dự thảo luật quy định thẻ căn cước công dân là một thẻ định dạng thêm cho công dân. Mặt khác định dạng riêng phân biệt người này với người khác, cần căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng quy định dạng bên ngoài đó là hình ảnh và vân tay. Như vậy chưa tạo sự thống nhất trong dự thảo luật.

Bà Liên cũng cho rằng, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ mới sinh là tạo sự phiền hà cho công dân, bởi trẻ sinh ra đã được đăng ký khai sinh. Đây là quyền của trẻ em được quy định trong Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em Bộ luật dân sự và cũng được ghi nhận trong công ước liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ từ khi sinh ra là thêm thủ tục cho công dân, tạo sự tốn kém không cần thiết khi dự thảo luật quy định đủ 14 tuổi thì đổi, cấp lại thẻ và bổ sung định dạng bằng hình ảnh và vân tay.

"Thẻ căn cước công dân được cấp cho trẻ dưới 14 tuổi không đảm bảo được phân biệt với người khác. Vậy mục đích dự thảo luật định hướng đến đối với cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi là gì? Đề nghị cần làm rõ", đại biểu Liên cho hay.

Quan điểm này tiếp tục nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu. Đại biểu Quàng Thị Nguyên (Sơn La) cho biết: "Tôi không nhất trí với quy định như dự thảo luật là cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ từ khi sinh ra đến dưới 15 tuổi, vì trong thẻ căn cước của người dưới 15 tuổi theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 không có ảnh, không có dấu vân tay, không ghi đặc điểm nhân dạng. Như vậy không đúng với khái niệm về căn cước công dân được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 3 dự thảo luật".

Từ quan điểm trên, bà Nguyên phân tích: đối với trẻ em dưới 15 tuổi, tất cả các hoạt động cần tư cách pháp lý, kể cả tham gia các giao dịch dân sự đều cần có cha, mẹ cũng như người giám hộ làm đại diện.

"Nếu cấp thẻ căn cước cho người dưới 15 tuổi thì theo tính toán Nhà nước sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí là 648 tỷ đồng, khá tốn kém", bà Nguyên nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) phân tích thêm việc làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 sẽ tăng thêm biên chế, tăng thêm kỹ thuật về công nghệ, về phương tiện phục vụ trong khi đó công an hiện nay có rất nhiều việc phải làm. Nó cũng không phù hợp với yêu cầu tinh giản biên chế hiện nay.

"Đặc biệt, giá của thẻ căn cước này sẽ đắt hơn giấy khai sinh rất nhiều, trong lúc mình cũng chưa nhất thiết sử dụng thẻ căn cước này thành giấy tờ tùy thân cho đối tượng các em dưới 15 tuổi. Không cần giấy tờ tùy thân vì nó phải đi theo bố mẹ, lệ thuộc bố mẹ. Ngoài ra, thẻ căn cước này không thể thay giấy khai sinh. Giấy khai sinh thể hiện mọi người sinh ra đều có quyền còn thẻ căn cước chỉ cấp cho công dân", đại biểu Phương nhấn mạnh.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn