Không ai dám 'tố' tham nhũng nếu không được bảo vệ

Thời sựThứ Sáu, 09/11/2012 07:13:00 +07:00

“Muốn chống tham nhũng mà lại không bảo vệ được người tố cáo thì việc chống tham nhũng sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì người ta sợ, sẽ không dám tố cáo”.

Hôm nay (9/11), QH thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Nhưng cơ chế nào để tiếp nhận và bảo vệ người chống tham nhũng vẫn còn bỏ ngỏ.

Trả lời phỏng vấn bên hành lang kỳ họp QH sáng qua, 8/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh “muốn chống tham nhũng mà lại không bảo vệ được người tố cáo thì việc chống tham nhũng sẽ bị hạn chế rất nhiều, vì người ta sợ, sẽ không dám tố cáo”.

Vai trò của người dân trong PCTN rất quan trọng và cần thiết, nhưng do chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ được người dũng cảm tố cáo tiêu cực nên chưa phát huy được sức mạnh của dân trong đấu tranh PCTN. Phải khắc phục tình trạng này thế nào, thưa ông?

Theo tôi, để bảo vệ được người tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng, mình phải có cơ chế thật sự có hiệu quả và có hiệu lực trên thực tế, chứ còn nói về mặt nguyên tắc, muốn chống tham nhũng mà lại không bảo vệ được người tố cáo thì việc chống tham nhũng sẽ bị hạn chế rất nhiều là vì người ta sợ, sẽ không dám tố cáo.

Vậy nên giờ luật PCTN sửa đổi phải làm sao tìm ra được những cơ chế thực sự có hiệu lực để người tố cáo hoàn toàn yên tâm là họ được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó cũng phải có điều khoản ngăn ngừa, xử lý người tố cáo sai sự thật, cả hai việc này phải làm cho tốt mới được.

Trên thực tế thì người bị tố cáo tiêu cực, tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn cho nên đối tượng đứng ra tố cáo hay cấp dưới người bị tố cáo dù có tiếp nhận thông tin tố cáo cũng sẽ rất khó mà đưa vấn đề ra ánh sáng, chưa nói đến việc người tiếp nhận có thể móc ngoặc với người bị tố cáo để phi tang sự việc, trù úm người tố cáo.

Thông thường, suy nghĩ một cách trực tiếp thì lợi thế đôi khi không thuộc về người tố cáo vì người bị tố cáo có thể do có quyền lực, do những mối quan hệ xã hội sẽ có nhiều khả năng ngăn chặn hơn người tố cáo, phanh phui việc ấy ra.

Để xử lý, xét xử được một đối tượng tham nhũng nào phải do nhiều cơ quan cùng phối hợp với nhau điều tra, làm rõ nên không thể nói một người nào đó hoặc một khâu nào đó có thể làm được toàn bộ công việc liên quan đến thẩm định, điều tra xem xét tố cáo đó đúng hay không.

Theo TNO

Bình luận
vtcnews.vn