'Không ai chiến thắng được nhân dân Nga'

Thế giớiThứ Bảy, 04/05/2013 01:47:00 +07:00

Đó là câu mà cựu Thống chế Friedrich Wilhelm Ernst Paulus, đã bị bắt sống khi thua trận Stalingrad - thường nói với người đối thoại.

Đó là câu mà cựu Thống chế Friedrich Wilhelm Ernst Paulus - chỉ huy Tập đoàn quân số 6 thiện chiến của quân đội Đức, đã bị bắt sống khi thua trận Stalingrad - thường nói với người đối thoại.

Sau ngày 2/2/1943, việc của ông là ngồi thư dãn, đọc Chekhov, Tolstoi, Puskin và cả “Tuyển tập Lenin”. Thi thoảng, khi “cơn khùng” nổi lên, ông mắng chửi bọn sĩ quan SS và chê bai Hitler, cả bọn chóp bu của Đế chế III.
Paulus tại Liên Xô tháng giêng năm 1942 

Thị trấn Oberloshvin - ngoại ô Dresden (thời đó thuộc CHDC Đức) - được coi là vùng của người cao sang. Không khí rất trong lành, rừng cây, sông nước trong xanh tươi thắm, hài hòa với thiên nhiên. 
Đi tàu điện tới Proixtrax là nhìn thấy ngôi nhà to hai tầng, có sân, có vườn. Đây là nơi ở của vị thống chế một thời “nổi đình đám” Paulus. 
Tròn 14 năm sau cái ngày thất bại nhục nhã ấy, vị cựu thống chế ấy đã từ giã cõi đời ngày 1/2/1957. Có phải con số chẵn tròn 14 năm là “điều gì đó” của số phận ông ta không? Nhiều người tò mò muốn làm cho ra nhẽ!
“Không ai có thể chiến thắng nhân dân Nga!”
Trong những năm 1943 – 1945, cựu Thống chế Friedrich Paulus được “an dưỡng” trong các nhà tù của Liên Xô. Lúc đầu là trại tù số 27 ở thành phố Kraxnagor, sau đó tới trại tù cấp tướng số 160 ở Xuzđan (trong tu viện Xpaxô - Evphimiep), tiếp sau đó là các “vị trí đặc biệt” ở Ivanovo và Oziôz. 
Từ năm 1946 ông được tới ngôi nhà vườn Tomilin ở ngoại ô Mátxcơva. Tại đây ông được cung cấp một người nấu bếp, một sĩ quan tùy tùng và một bác sĩ. Cũng có lúc ông là “vị khách riêng” của Stalin. 
Trong năm 1947, Paulus được chữa bệnh tại khu điều dưỡng ở bán đảo Crime trong hai tháng. Nhưng chính quyền Xôviết không cho viếng ngôi mộ của vợ ông và không được phép tiếp xúc với thiếu nhi. Sau khi Stalin từ trần, ông được chuyển về sống ở Cộng hòa dân chủ Đức theo nguyện vọng.
Ngày 23/10/1953, Paulus lên tàu hỏa trở về CHDC Đức, đã ra một tuyên bố: “Khi tôi đến với các bạn như là một kẻ thù, nay rời khỏi các bạn như là một người bạn”. 
Ở Dresden - nơi tác giả của kế hoạch chiến dịch đánh chiếm Stalingrad được cho ở - ông có một biệt thự, một nhân viên phục vụ và bảo vệ, chiếc xe con “Open Capitan”, và được mang khẩu súng lục. Paulus được chăm sóc như một người “có vinh dự”, nhưng vẫn là một tù binh.
Bà nhân viên coi việc nhà cho cựu Thống chế Gertrud Stanxki đã 82 tuổi kể lại: Tôi làm việc cho thống chế từ 1953 đến 1957. 
Tôi được giao công việc ngoài lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, đọc các ấn phẩm bưu điện gửi đi và gửi đến, bí mật chụp ảnh các vị khách tới thăm. 
Mỗi buổi tối tôi phải báo cáo sự việc với vị sĩ quan của Bộ An ninh quốc gia về vị chủ nhà đã làm những gì; ghi lại tất cả những cuộc trò chuyện. 
Vì người ta không tin là Paulus sẽ giác ngộ về việc đã làm của mình. Mặc dù ông ấy đã mang thư viện của mình tới đây, trong đó là văn học cổ điển Nga như Chekhov, Tolstoi và Puskin và cả “Tuyển tập Lenin”. Trong các đàm luận với khách tới thăm, ông thường lặp lại câu: “Không ai chiến thắng được nhân dân Nga!”.
Theo các tư liệu của đặc nhiệm CHDC Đức, Friedrich Paulus sống khá kín đáo. Việc ông thích là thư giãn với khẩu súng ngắn: Lau chùi, chỉnh sửa khẩu súng được phép dùng – công việc này như thường xuyên. Một trong các nhà tình báo phân vân: Vị thống chế này có thể tự bắn mình? Từ Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức trả lời: “Nếu ông ta đã không tự tử ở Stalingrad thì ở đây ông tự bắn mình để làm gì?”.
Vị thống chế 63 tuổi này khước từ nghỉ hưu. Ông đã làm thủ trưởng của một trung tâm nghiên cứu lịch sử ở Drexden. 
Ông thường đi giảng bài ở Trường Cao cấp cảnh sát nhân dân của CHDC Đức. Trong các câu trả lời trước báo giới, ông phê phán kịch liệt chính quyền Tây Đức. Ông phẫn nộ về việc một số sĩ quan SS cũ đã được giữ các chức vụ trong các cơ quan chính quyền Tây Đức. 
Ông không do dự trong các câu chữ: “Người của tổ chức SS là bọn đao phủ - ông nói với người phục vụ - còn tôi là người lính có danh dự, tôi không cùng chung với họ trên một chiến trường”. 
Rồi ông tỏ ra khen ngợi chủ nghĩa xã hội: “Đó là một xã hội tốt nhất cho nước Đức… nó có trật tự, mà trong đó con người không bị đầu độc…”. Theo như trong lưu trữ của Dresden đã nhận xét, Friedrich Paulus luôn luôn ký dưới những thư từ của mình: “Tướng quân – thống chế của quân đội Đức cũ”. 
Danh hiệu đó đã được Hitler phong cho ông hai ngày trước khi đầu hàng ở Stalingrad (30/1/1943), sau khi y đã nói trong thư: “Không một vị thống chế nào của quân đội Đức đầu hàng để làm tù binh”.
“Ngay cả trẻ con cũng phỉ nhổ chúng tôi”
Cựu sĩ quan của Trường Cao cấp cảnh sát nhân dân của CHDC Đức Vinhem Braunlan (đã 76 tuổi) kể lại: “Paulus hầu như không cười, tôi thấy ông là người rất nghiêm nghị. Ông ấy hay đau ốm. Đi đâu ông cũng chống cây gậy gỗ mà các tướng Đức trong trại tù binh đã gọt đẽo tặng ông. 
Thế nhưng Paulus lại rất lịch sự và đáng yêu với tất cả mọi người. Vị thống chế này sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về Stalingrad. 
 
Người của tổ chức SS là bọn đao phủ - ông nói với người phục vụ - còn tôi là người lính có danh dự, tôi không cùng chung với họ trên một chiến trường
Cựu Thống chế Friedrich Paulus
 
Theo ông, quân đội Đức đã không đánh giá được hết lòng dũng cảm vô biên không những của người lính Xô Viết mà còn cả của người dân thành phố đã bảo vệ từng ngôi nhà, từng tấc đất. 
Ngay cả phụ nữ và trẻ con cũng sẵn sàng phỉ nhổ chúng tôi”. Khi người ta hỏi Paulus rằng ông đã làm gì khi đầu hàng, Paulus trả lời: “Đã không còn nước nóng, tôi đã cố cạo râu bằng con dao thường. Do vậy râu còn lởm chởm và cảm thấy bực bội”.
Thi thoảng Paulus tự mình đi vào rừng để tìm cây thuốc. Nhưng cũng bị các điệp viên của tổ chức đặc nhiệm theo dõi để “không xảy ra những trường hợp bất hạnh”. 
Một mặt là thống chế có thể bị những kẻ trung thành với Hitler hãm hại; mặt khác ông không được người ta hoàn toàn tin tưởng… 
Người con gái của ông là Onga từ Cộng hòa liên bang Đức tới thăm ông cũng bị theo dõi. Còn người con trai Erinxt Alexandr – nguyên là đại úy quân đội Đức – thì quan hệ với bố “không được như ý”: Anh ta tham gia trận đánh Stalingrad bị bắt, nhưng không muốn “hợp tác với người Nga”. 
Ở đây, các nhà ngôn ngữ học lại phân vân kiểu “vui vui”: Vô tình hay hữu ý mà Hitler đặt tên cho hai người con bằng những cái tên Nga: Onga và Alexandr. Hay có “duyên nợ” gì với người Nga chăng?
Từ tháng 11/1956, Paulus không rời khỏi nhà ở vì ốm nặng. Bác sĩ chẩn đoán ông bị “xơ cứng động mạch não”, bị bại liệt một nửa cơ thể. 
Ông từ trần ngày 1/2/1957, đúng 14 năm ngày quân đội ông ở Stalingrad đầu hàng. Thi hài ông được đưa về Tây Đức, chôn bên cạnh mộ vợ ông ở nghĩa trang Baden-Baden. Erinxt Alexandr - người con trai duy nhất của ông - đã tự tử bằng súng năm 1970 do bị trầm uất, còn cô con gái Onga sống lâu hơn, ra đi vào năm 2003…
Một số nhà sử học, nghiên cứu chiến tranh, nhiếp ảnh gia thi thoảng kể về vị thống chế tù binh này. Ví như giai thoại: vị thống chế này sau khi cất tay tung hô - chào “Hain Hitler!” thì lại giơ tay đầu hàng kẻ thù. 
Nhưng sau hơn 10 năm trở về Đức lại là người đứng về phía chủ nghĩa xã hội. Còn nhiều người ở Tây Đức hiện nay khẳng định: Ông không cúi mình mà đơn giản chỉ là kính trọng kẻ thù cũ. Vị thống chế này có được những chính kiến mới, nhưng cả Liên Xô và CHDC Đức đều không tin điều đó. 
Mấy ngày trước khi chết, người ta đã hỏi ông: Ngày nay ông có thể nói gì với người dân Stalingrad? – ông trả lời: “Tôi muốn được chuộc lỗi trước họ…”.
Trong số những người cùng Paulus đầu hàng có tướng Valter phon Zedliz-Curxbac - chiến hữu thân cận nhất của thống chế. 
Bảy tháng sau ngày bị bắt, vị tướng này đứng đầu Liên hiệp các sĩ quan tù binh Đức tham gia phong trào kêu gọi Mặt trận phía đông của Đức đầu hàng Hồng quân. 
Ông còn đề nghị lập những đơn vị tù binh Đức đi chiến đấu chống lại Hitler, nhưng Stalin đã không ủng hộ ý tưởng đó. 
Năm 1950, Zedliz-Curxbac bỗng nhiên bị bắt và kết án 25 năm tù vì bị quy là tội phạm chiến tranh. Ông bị giam giữ trong một hầm tù cá nhân có đầy ánh sáng suốt đêm ngày khiến thần kinh ông bị chấn thương. 
Năm 1955 ông được tự do, sống cùng gia đình nhưng cách biệt với bên ngoài. Tới năm 1976 ông mất. 20 năm sau ông được Viện Công tố tối cao Tây Đức khôi phục danh dự.

Theo Lao động

Bình luận
vtcnews.vn