Vì sao nhiều lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị khởi tố, bắt tạm giam

Pháp luậtThứ Bảy, 02/09/2017 09:15:00 +07:00

Mở rộng điều tra giai đoạn 2 về những sai phạm xảy ra tại Oceanbank, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 5 đối tượng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ngày 1/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 5 bị can về tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN, được quy định tại Điều 165 - Bộ luật hình sự.

Các bị can gồm: Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó Tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên là Thành viên Hội đồng thành viên PVN đã có hành vi Cố ý làm trái, gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.

Theo hồ sơ vụ án tại PVN, từ năm 2008 - 2011, PVN ký thỏa thuận góp 20% vốn điều lệ, tương đương 800 tỉ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) do Hà Văn Thắm làm Chủ tịch HĐQT, khoản tiền này có nguồn gốc hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh của PVN.

Trong thời gian này, PVN cử Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN sang OceanBank tham gia quản lý với chức vụ Tổng Giám đốc và là người đại diện phần vốn góp của PVN tại đây.

Trong quá trình hoạt động, OceanBank để xảy ra nhiều sai phạm dẫn đến thua lỗ lớn, đến tháng 5/2015 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 0 đồng. Cuộc làm ăn, góp vốn trên khiến PVN mất trắng 800 tỉ đồng.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2008 - 2011, việc góp vốn điều lệ của PVN vào OceanBank được tiến hành thành 3 đợt. Trong đó, từ năm 2010, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc yêu cầu bảo toàn vốn, trong trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank.

Tuy nhiên, HĐTV PVN thời điểm đó, vẫn quyết định góp vốn vào OceanBank. Ở một diễn biến khác, trong đợt góp vốn 100 tỉ đồng cuối cùng được thực hiện khi luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có hiệu lực (từ ngày 1/1/2011).

Video: Xét xử đại án OceanBank: Nữ PTGĐ khai gì về khoản 1.500 tỷ chi trái pháp luật. 

Khoản 2 điều 55 quy định “một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”. Cuối năm 2012, NHNN qua thanh tra đã yêu cầu OceanBank chậm nhất đến ngày 30/6/2013 phải có biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, trong đó có PVN. Tuy nhiên, OceanBank và PVN không thực hiện, đã gây thất thoát nghiêm trọng.

Hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra làm rõ, mở rộng triệt để các đối tượng và đồng phạm liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Trước khi 5 bị can trên bị khởi tố, ngày 28/8, TAND Hà Nội đưa ra xét xử đại án Oceanbank ra xét với 51 bị cáo. Trong số này có cựu Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn.

 51 bị cáo bị đưa ra xét xử với 4 tội: Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tàn sản.

M.K
Bình luận
vtcnews.vn