VN vào top 20 nước sử dụng Internet nhiều nhất

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 24/12/2010 10:00:00 +07:00

(VTC News) - Đến năm 2010 thuê bao băng rộng tại Việt Nam đã tăng hơn 300 lần so với năm 2003, tăng hơn 15 lần so với năm 2005.

(VTC News) - Đến năm 2010 thuê bao băng rộng tại Việt Nam đã tăng hơn 300 lần so với năm 2003, tăng hơn 15 lần so với năm 2005. Việt Nam lọt vào top 20 các quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất. Đây là những con số đáng mừng của ngành viễn thông Việt Nam.

Hội nghị tổng kết quy hoạch phát triển viễn thông và internet Việt Nam đến năm 2010, vừa diễn ra ngày 23/12 tại Hà Nội, đã đưa ra nhiều số liệu khá thú vị về tình hình viễn thông, internet. Đồng thời, nhiều vấn đề nổi cộm cũng được nêu ra.

Doanh thu 2009 đạt hơn 143 ngàn tỷ đồng

Ngày 07/02/2006, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định  phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông và internet Việt Nam đến năm 2010. Đây là cơ sở để Nhà nước chỉ đạo phát triển viễn thông và internet thống nhất, đồng bộ với quy hoạch. Quyết định này cũng định hướng cho các doanh nghiệp viễn thông và internet xây dựng các kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia.

Hội nghị tổng kết được truyền trực tiếp đến các đầu cầu là các Sở TT-TT ở các tỉnh, thành.

Trong giai đoạn 05 năm thực hiện quy hoạch, cùng với quá trình phát triển của đất nước, ngành Viễn thông Việt Nam là một trong những ngành có bước phát triển rất nhanh và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tiến sỹ Lê Xuân Lan, Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đánh giá: “Viễn thông Việt Nam tăng với tỷ lệ khoảng 35% mỗi năm, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ, công nghệ cũng như những xu hướng mới trong viễn thông như: Công nghệ thông tin di động chuyển từ thế hệ thứ 2 (2G) sang thế hệ thứ 3 (3G) với khả năng cung cấp đa dịch vụ. Công nghệ chuyển từ internet băng hẹp sang internet băng rộng, sự bùng nổ của lưu lượng dữ liệu, các kho ứng dụng trực tuyến, các ứng dụng qua di động như: thanh toán qua di động, Mobile TV, các dịch vụ mạng xã hội, sự hội tụ (convergence) giữa viễn thông, máy tính (internet) và phát thanh, truyền hình (broadcasting)”.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng trăn trở: Viễn thông và internet phát triển với tốc độ nhanh chóng nhưng làm sao để môi trường viễn thông và internet phát triển bền vững? 

Năm 2009, chỉ số phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) (ICT Development Index - IDI)  do Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) công bố đã xếp hạng 159 quốc gia, vùng lãnh thổ theo mức độ phát triển của CNTT-TT năm 2007 và năm 2008.

Theo đó, Việt Nam tăng 7 bậc từ vị trí 93 năm 2007 và lên vị trí 86 năm 2008. Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá là nước có sự phát triển vượt bậc của chỉ số truy nhập (tăng 20 bậc từ vị trí 92 năm 2007 lên vị trí 72 năm 2008) và chỉ số sử dụng (từ vị trí 74 năm 2007 lên vị trí 83 năm 2008). Điều đó phản ánh sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực điện thoại, băng thông Internet quốc tế và số gia đình có truy cập Internet. Đến đầu năm 2010, Việt Nam lọt vào top 20 các quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất.

Tiến sỹ Lan cho biết: “Hiện nay, cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam có công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trên cả nước với dung lượng lớn. Băng thông kết nối quốc tế đạt khoảng 500 Gb/s, đã cung cấp dịch vụ băng rộng 3G, IPTV, VoD. Đến năm 2010 thuê bao băng rộng đã tăng hơn 300 lần năm 2003, tăng hơn 15 lần so với năm 2005”.

Cùng với Viettel và MobiFone, Vinaphone là một trong số các "đại gia" di động.

Theo ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó vụ trưởng Vụ viễn thông, Bộ Thông tin – Truyền thông: “Hiện Việt Nam có 11 doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng, trong đó có 7 doanh nghiệp thiết lập mạng và kinh doanh dịch vụ di động”.

Tốc độ tăng trưởng của ngành viễn thông hằng năm đạt 30 – 40%, năm 2009 doanh thu toàn ngành đạt 143.314 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với mục tiêu đặt ra đến năm 2010.

Đến năm 2010 đã có 81 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet. Cũng trong năm nay, Việt Nam có 04 nhà khai thác dịch vụ di động  cung cấp dịch vụ 3G và đã cấp phép thử nghiệm dịch vụ di động thế hệ thứ 4.

Quản lý chưa theo kịp phát triển

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng: “Chúng ta phát triển nhanh nhưng không kiểm soát được việc cạnh  tranh".

Có mặt tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng trăn trở: Viễn thông và internet của chúng ta đã phát triển với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên, làm sao để môi trường viễn thông và internet phát triển bền vững?

Còn ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng: “Chúng ta phát triển nhanh nhưng do không kiểm soát được việc cạnh  tranh nên chúng ta không lôi cuốn được các nhà đầu tư”.

Đồng thuận với các quan đểm trên, ông Xuân Trụ, Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông thì cho rằng: “Vấn đề tồn tại ở Việt Nam là chênh lệch thị phần giữa một số doanh nghiệp còn quá lớn, mức độ phát triển không đồng đều dẫn đến thị trường phát triển không bền vững”.

Tính đến năm 2009 mật độ thuê bao di động là 113,04 máy/100 dân vượt gần 3 lần so với mục tiêu đề ra, mật độ thuê bao cố định 21 máy/100 dân.

Mật độ thuê bao băng rộng đạt 5,33 thuê bao/100 hộ dân (cao hơn chỉ tiêu đề ra là mật độ thuê bao internet đạt từ 8 đến 12 thuê bao/100 dân, trong đó có 30% là thuê bao băng rộng).

Tỷ lệ người sử dụng internet là 27,51%, cao hơn chỉ tiêu đề ra.
Ngoài vấn đề nêu trên, còn có những vấn đề nổi cộm khác như công tác dự báo, phân tích, đánh giá sự phát triển viễn thông trong giai đoạn vừa qua thực hiện chưa thực sự chính xác. Có những chỉ tiêu phát triển vượt xa so với dự báo, nhưng có những chỉ tiêu thực sự chưa đạt được kết quả mong muốn như các chỉ tiêu băng rộng thực sự chưa đạt được so với yêu cầu đề ra.

Trong đó, "hiệu suất sử dụng kho số của các doanh nghiệp viễn thông chưa đạt yêu cầu gây lãng phí kho số, tạo nhiều số thuê bao ảo. Vì vậy, chưa phản ánh chính xác tình hình phát triển viễn thông của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Việc quản lý thuê bao trả trước, quản lý đại lý Internet chưa theo kịp sự phát triển. Chất lượng dịch vụ Internet tại những thời điểm nhất định chưa đạt được chất lượng như cam kết”, ông Lê Xuân Lan nêu ra vấn đề.

Theo đó, ông Lan cho rằng, do thị trường viễn thông tại Việt Nam trong thời gian qua phát triển quá nhanh, nhiều vấn đề mới nẩy sinh, có thể nói nhiều lúc “Quản lý chưa theo kịp sự phát triển”.

Như mong muốn của Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Hội nghị cần đưa ra được những điểm chưa được của viễn thông – internet Việt Nam. Vì vậy, những hạn chế trong hoạt động viễn thông đã được thẳng thắn bàn thảo, mổ xẻ.

Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông thẳng thắn cho rằng: “Nhiều văn bản chậm ban hành để điều chỉnh những vấn đề cũ và mới phát sinh, như vấn đề sử dụng chung có sở hạ tầng, bán lại dịch vụ... vì vậy chưa tạo được hành lang pháp lý cần thiết để các doanh nghiệp triển khai. Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông chưa hình thành văn hóa “hợp tác” với nhau trên cơ sở đôi bên cùng có lợi cũng như vì lợi ích chung của xã hội”.


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn