TS Nguyễn Thế Hùng – nghiên cứu và khảo nghiệm thành công phân bón lá nano Sông Hồng

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 07/06/2017 16:17:00 +07:00

Mặc dù mới chỉ đang ở trong giai đoạn khảo nghiệm, nhưng phân bón lá nano Sông Hồng do TS. Nguyễn Thế Hùng và các cộng sự tại Viện Vật lý – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nghiên cứu và phát triển đã được những người nông dân nồng nhiệt đón nhận bởi hiệu quả mà nó mang lại cho cây trồng.

DSC_0769

Phân bón lá nano Sông Hồng được thử nghiệm thực tế tại Thái Nguyên (Ảnh: NVCC)

Lấy ý tưởng từ đất phù sa

Gặp TS. Nguyễn Thế Hùng tại phòng nghiên cứu tại Viện Vật lý, ông cho biết, tên chính xác của sản phẩm là Phân bón lá đa khoáng nano Sông Hồng, được ông và các đồng sự nghiên cứu xong trong độ khoảng 5 năm trở lại đây.

TS. Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: “Sở dĩ, sản phẩm được đặt tên như vậy là bởi, chúng tôi tập trung, nghiên cứu và phát triển một loại phân bón bổ sung nhiều các siêu vi lượng (đa khoáng), với công nghệ làm cho hạt khoáng nhỏ (nano), và nguyên liệu để làm phân bón được lấy từ đất phù sa (Sông Hồng). Các chất mà cây cần thiết sẽ được hấp thụ trực tiếp thông qua lá cây, rút ngắn khoảng cách vận chuyển các siêu vi lượng, do đó mới có tên là phân bón lá.”

Ông tâm sự, ý tưởng nghiên cứu sản phẩm này bắt nguồn từ câu hỏi “Tại sao các loại cây trồng trên đất phù sa lại tươi tốt hơn so với khi trồng trên các loại ruộng đất khác?” Để trả lời cho câu hỏi đó, ông đã đi tìm hiểu, tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, tuy nhiên không đạt được câu trả lời ưng ý bởi có rất nhiều cách giải thích về đất phù sa được đưa ra.

_DSC0139

TS Nguyễn Thế Hùng hiện đang công tác tại Viện Vật lý, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam (Ảnh: Lệ Chi)

“Những người nông dân họ quan niệm đơn giản lắm, bởi vì đất phù sa có rất nhiều dinh dưỡng nên cây tốt thôi. Một số nhà khoa học khác cũng có giải thích rằng trong đất phù sa có chất này chất kia, tuy vậy cũng chưa có các tài liệu nào cụ thể…

Vì vậy, tôi và các cộng sự của mình mang đất về phòng nghiên cứu tách lọc các thành phần. Chúng tôi tách được khoảng độ gần 100 thứ khoáng khác nhau ở trong đó, mỗi chất chỉ có tỉ lệ rất nhỏ (siêu vi lượng). Khi tách đất phù sa đã bị tách các chất khoáng này, thì cây phát triển rất bình thường, thậm chí phát triển kém. Đây là cơ sở để  đưa ra kết luận rằng các chất khoáng siêu vi lượng là thành phần quý nhất trong đất phù sa đối với cây trồng và có thể dùng các khoáng siêu vi lượng này để làm phân bón cho cây trồng” - Ông nói.

Nông nghiệp công nghệ cao dành cho người có thu nhập thấp

Được biết, sản phẩm phân bón lá nano Sông Hồng do TS Hùng nghiên cứu có tác dụng tốt trên tất cả các loại cây trồng như cây công nghiệp, cây ăn quả, cây hoa, cây dược liệu,… Đến nay, các khảo nghiệm phân bón lá này đều cho chất lượng và sản lượng thành phẩm thu được tăng cao hơn hẳn so với mẫu đối chứng, được rất nhiều người tin tưởng và ủng hộ.

Ví dụ như tại Tân cương, Thái Nguyên, khảo nghiệm được tiến hành trên đồi chè của các hộ nông dân cho thấy, lá chè có màu xanh đậm và mỡ láng, lá cũng dày và bóng mượt, cây đâm nhiều chồi hơn. Sản lượng vào các tháng mùa đông tăng từ 9kg khô/sào lên 18kg khô/sào. Các tháng mùa xuân hè là 30kg/sào thay vì 20kg/sào. Chè thơm ngon và được nước hơn, vị ngọt hậu sau khi uống kéo dài hơn.

Chia sẻ về điều này, TS Hùng cho biết phân bón lá nano Sông Hồng là một sản phẩm công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp dành cho những người có thu nhập thấp, tức là ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất với chi phí rẻ, hướng tới đa số các nhóm nông dân, nông hộ Việt Nam hiện nay.

_DSC0141 3

Phân bón lá nano Sông Hồng giúp cây trồng thực nghiệm khỏe hơn, cành đâm nhiều chồi, lá bóng, mượt, to hơn. 

“Điểm mạnh của sản phẩm phân bón nano Sông Hồng nằm ở việc cho ra chất lượng cây trồng cao, ít tốn kém và có thể ứng dụng trực tiếp. Khi nhắc tới nông nghiệp công nghệ cao, người ta đề câp đến một hệ thống nông nghiệp hiện đại như: hệ thống tưới, hệ thống đèn led, hệ thống nhà lưới, công nghệ IoT, công nghệ kết nối tự động hóa điều khiển qua smartphone,… Hệ thống ấy có thể rất tốt, nhưng  nhược điểm là đầu tư đắt đỏ, chỉ dành cho người có trình độ và có thu nhập cao.

Còn công nghệ phân bón lá nano thì không cần tới các khoản đầu tư lớn nhưng năng suất và chất lượng cây trồng đều tăng, hơn nữa hiệu quả kinh tế lại có thể gấp 2-3 lần. Tức là đầu tư thêm 1 đồng cho phân bón lá nano Sông Hồng có thể thu về 2 hoặc 3 đồng. Phân bón Nano Sông Hồng làm cho cây khỏe, sâu bệnh ít đi, tăng cường quang hợp, kích thích hút nước chống hạn. Nano Sông Hồng có thể ứng dụng trong nhiều quy mô, người sử dụng có thể thấy ngay hiệu quả trực tiếp mà phân bón này mang lại. So sánh giữa công nghệ tưới, công nghệ kết nối, công nghệ chiếu sáng, công nghệ nhà lưới thì phân bón đã tỏ ra có nhiều ưu thế hơn hẳn.” - Ông nói.

TS Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết, hiện nay, sản phẩm phân bón lá nano Sông Hồng mới trong giai đoạn khảo nghiệm và đang chờ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Mặc dù vậy, những người nông dân tham gia khảo nghiệm và những người dùng thử đều nhận thấy chất lượng và năng suất cây trồng đều tăng mạnh.

Video: Khiếp đảm công nghệ ủ sầu riêng với... phân bón

Để làm được điều này, TS Nguyễn Thế Hùng đã tiếp cận và kí hợp đồng trực tiếp với các nông hộ, người nông dân. Ông chia sẻ: “Rào cản lớn nhất hiện nay đối với phân bón nano Sông Hồng chính là việc chưa có giấy phép, bởi vậy trong 5 năm nay, tôi vẫn chỉ làm công tác khảo nghiệm cho sản phẩm. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng sau khi được cấp phép, sản phẩm phân bón sẽ được người dân đón nhận tích cực.”

Ông cũng bày tỏ niềm mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài, bởi ông đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

“Các doanh nghiệp thì có năng lực về tài chính, có thể sản xuất số lượng lớn, có mạng lưới tổ chức và quảng bá để truyền dẫn công nghệ cao này vào sâu trong nông dân. Như vậy, doanh nghiệp sẽ là cầu nối để đưa sản phẩm này ra thị trường. Tôi cũng có ý muốn tìm công ty có năng lực xuất khẩu sản phẩm phân bón nano Sông Hồng để phát triển sản phẩm rộng rãi đến tầm cỡ quốc tế…”

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn