TS Đỗ Ngọc Chung - nhà khoa học không cao siêu

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 26/12/2017 14:43:00 +07:00

Với quan điểm làm khoa học phải ứng dụng được trong đời sống, đem lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng, TS Đỗ Ngọc Chung (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã công thương mại hóa được rất nhiều sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) do chính anh nghiên cứu và chế tạo.

DSC_4683 3

TS. Đỗ Ngọc Chung chia sẻ về hoạt động khoa học công nghệ trong khuôn khổ TECHFEST Việt Nam tháng 11/2017

Khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn

Sinh năm 1980, là nhà khoa học trẻ thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học vật lý, công nghệ nano, TS Đỗ Ngọc Chung đã có rất nhiều sản phẩm khoa học hữu ích như: thiết bị làm giá đỗ GV-102, tăm nguyên sinh TD, phễu thoát nước chống tràn ngược TD-102,…

Trong số đó, nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến máy làm giá đỗ GV-102 - sản phẩm đã mang tên tuổi của TS Chung đến gần hơn với người tiêu dùng.

Đã hơn 4 năm kể từ khi thiết bị GV–102 ra mắt, TS Chung chia sẻ, hiện nay sản phẩm này vẫn đang là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng quan tâm, ủng hộ.

Anh tâm sự: “Khi sản phẩm của mình làm ra được người tiêu dùng đón nhận tích cực, đó là niềm vui lớn nhất dành cho nhà khoa học.”

Theo TS Chung, không chỉ có thiết bị làm giá đỗ GV-102 mà các sản phẩm khác của anh cũng đều dựa trên những kiến thức vật lý, sinh học, rất cơ bản. Anh cho hay, đây đều là các sản phẩm được đánh giá là “khá đơn giản”:

“Những nghiên cứu của tôi đã chỉ ra, một thiết bị làm rau giá tốt cần đảm bảo đủ lượng Oxy, độ ẩm (nước) và giải phóng khí CO2 nhanh nhất.

Bởi vì bản chất của quá trình phát triển rau giá là hô hấp, chứ không phải quang hợp: tinh bột và các chất hữu cơ, vô cơ trong hạt đỗ kết hợp với nước và oxy sẽ tạo ra glucoze và các vitamin, khoáng chất…quá trình hô hấp sẽ sinh nhiệt và thải ra khí các bon níc (CO2).

GV-102 được thiết kế để ứng dụng, tối ưu những nguyên tắc vật lý, sinh học đó, giúp tăng sản lượng, chất lượng của rau giá ươm trồng.

Thiết bị có khả năng điều hòa không khí, tăng cường lượng oxy nhiều nhất cho quá trình hô hấp của cây rau giá và giải phóng lượng khí CO2 ra ngoài một cách nhanh chóng, rau giá làm ra luôn có sản lượng và chất lượng tốt” – TS Chung cho biết.

Chia sẻ quan điểm về làm khoa học hiện nay, TS Chung cho rằng, với Việt Nam, khoa học ứng dụng không cần cao siêu, mà cần phải dựa trên nhu cầu của thị trường thì sản phẩm đó, nghiên cứu đó mới có thể tồn tại và phát triển được:

“Chỉ đam mê khoa học thì không thể giúp nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, cần phải có sản phẩm bán được, ứng dụng được, khoa học mới có thể tiếp tục.

Sáng chế ra một thiết bị mà không bán được thì không nên đề cập đến, điều đó cũng sẽ làm cho các nhà khoa học rất nhanh nản chí” – TS Chung nói.

IMG_1931 3

TS Đỗ Ngọc Chung nhận giải thưởng tại Techmart Quốc tế Việt Nam 2015

Để thương mại hóa được sản phẩm cần thay đổi tư duy

Gặp TS Chung tại Công ty Giải pháp Năng lượng Toàn Diện, anh đang cùng với những đồng nghiệp của mình kiểm tra những thiết bị đã hoàn thiện ở trong kho trước khi đem đi phân phối.

Anh cho hay, thời gian vừa qua anh đã ra mắt một sản phẩm mới là thiết bị làm rau dinh dưỡng Happy, sản phẩm tiếp nối GV-102 được anh cải tiến cho phù hợp với nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách hàng khác nhau.

Chia sẻ với PV VTC News, TS Chung cho biết, việc tiếp cận thị trường của sản phẩm mới rất khó khăn. Khi không bán được, bản thân sản phẩm đó sẽ trở thành gánh nặng của nhà khoa học.

Hồi tưởng lại thời gian khi TS Chung bắt đầu đưa thiết bị làm giá đỗ GV-102 vào thương mại hóa năm 2014, anh kể, trong thời gian đầu, không một đại lý nào tiếp nhận và tiêu thụ sản phẩm của anh.

“Tôi và các đồng nghiệp cùng nhóm đã đi đến rất nhiều cửa hàng, đại lý để giới thiệu các sản phẩm của mình, sau đó, việc thuyết phục các chủ của hàng tiêu thụ sản phẩm rất vất vả.

Cũng vào lúc đó, trên thị trường cũng có rất nhiều những máy làm giá đỗ ngoại nhập, thiết kế bắt mắt hơn dù cho công dụng chưa chắc đã tốt như sản phẩm của mình, bởi vậy khi thành công thuyết phục các chủ cửa hàng đã nhập sản phẩm của mình rồi thì lại gặp vấn đề là không bán được” - TS Chung chia sẻ.

Cũng từ kinh nghiệm đầu tiên đó, TS Chung khẳng định, muốn tiếp cận được thị trường thì cần phải thay đổi tư duy. Sản phẩm chỉ có uy tín khi nó chứng minh được công dụng đối với người tiêu dùng.

Anh đã nhờ người thân dùng thử sản phẩm và nghiệm thu kết quả, đồng thời chia sẻ những kết quả đó đến với những thành viên khác, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, giúp tiếng vang của GV-102 bay xa.

Bên cạnh đó, theo anh, nhà khoa học muốn thương mại hóa được sản phẩm của mình, bản thân nhà khoa học cũng cần phải có sự tìm hiểu nhất định đối với nhu cầu của thị trường.

IMG_5906 5

Rau thành phẩm đậu nành nghiệm thu từ thiết bị mới của TS Đỗ Ngọc Chung

“Muốn sản phẩm có thể bán được, ứng dụng được, nhà khoa học cần phải tự mình tiếp cận thực tế với thị trường, sau đó so sánh với bản thân mình, những nghiên cứu khoa học của mình xem chúng phù hợp ở điểm nào, không phù hợp ở điểm nào và rồi phải điều chỉnh cho đến khi thành công.

Bản thân nhà khoa học cũng cần có sự tìm hiểu, học hỏi nhất định về cách kinh doanh, quảng bá sản phẩm, biết đánh trúng nhu cầu tâm lý của người tiêu dùng, từ đó mới làm ra các sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa cao.

Nhà khoa học cũng có thể hợp tác với doanh nghiệp, tuy vậy cần có sự phối hợp và tin tưởng giữa hai bên mới có thể cạnh tranh trên thị trường. Nếu như mục đích và chiến lược của doanh nghiệp khác với nhà khoa học thì rất khó để hợp tác cùng phát triển.” – TS Chung nhận định.

Với quan điểm về sáng chế các sản phẩm có tính ứng dụng trực tiếp như vậy, TS Chung đã có tới 2 bằng Độc quyền GPHI, 5 sản phẩm đã được thương mại hóa trên thị trường, 3 sản phẩm đang chuẩn bị thương mại hoá và 5 giải pháp hữu ích đã đăng ký, chờ cấp bằng sáng chế và rất nhiều những giải thưởng, bằng khen cho các sản phẩm sáng tạo đã đi vào cuộc sống.

Anh chia sẻ, phản hồi tích cực của người tiêu dùng sẽ trở thành động lực để anh tiếp tục sáng tạo khoa học, làm ra các sản phẩm khác thiết thực phục vụ lợi ích cộng đồng.

Năm 2014, hai sáng chế “Thiết bị làm giá đỗ” và sáng chế “Cơ cấu nén dùng cho dụng cụ làm giá đỗ và dụng cụ làm giá đỗ sử dụng cơ cấu nén này” của TS Đỗ Ngọc Chung được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN công nhận và cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Năm 2015, Thiết bị làm rau giá sạch đa năng GV–102 của Tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung đã đạt Giải thưởng Techmart Quốc tế Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”.

Đồng thời, Sản phẩm “Tăm thân thiện môi trường” của TS Đỗ Ngọc Chung đã nhận Giải thưởng POC2 -2017 (cuộc thi chứng minh ý tưởng lần 2), do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), Quỹ tài trợ Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&CN tổ chức.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn