Thử nghiệm mô hình Pilot xử lý nước thải cho nhà máy chế biến thủy sản

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 09/12/2017 12:16:00 +07:00

Trong khuôn khổ đề tài “Đánh giá các trở ngại và đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nước thải cho KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng”, Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường – trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã tiến hành nghiên cứu, lắp đặt thử nghiệm mô hinh Pilot nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nước thải tại Công ty Cổ phần thủy sản Đà Nẵng.

anh1.1

Mô hình Pilot nhằm xử lý nước thải thử nghiệm được lắp đặt tại Công ty CP Thủy sản Đà Nẵng 

Theo nhóm nghiên cứu, Ban chủ nhiệm (BCN) đề tài đã xác định các trở ngại trong hoạt động xử lý nước thải của nhà máy chế biến thủy sản và đưa ra phương án giải quyết. Từ đó đưa ra phương án lắp đặt và nghiên cứu vận hành mô hình Pilot thực nghiệm tập trung cho công đoạn sinh hóa hiếu khí (Aeroten-lắng) cho chế độ gián đoạn và liên tục với bậc 1 xử lý các chất hữu cơ như điều kiện hiện tại và bậc 2 xử lý các chất dinh dưỡng (Nitơ) với sự hiệu chỉnh giá trị pH của môi trường.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, trước tiên nhóm cho vận hành mô hình Pilot thực nghiệm xử lý nước thải trong điều kiện sản xuất thực tế của nhà máy chế biến thủy sản với chế độ vận hành liên tục và gián đoạn (xử lý sinh hóa hiếu khí bậc 1). Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng nước thải sau xử lý có thể đáp ứng yêu cầu cụ thể trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản (QCVN 11-MT:2015/BTNMT).

Tuy vậy, để có chất lượng xử lý nước thải tốt hơn thì nhóm cũng cho biết cần phải có biện pháp kiểm soát sự rửa trôi bùn khó lắng của quá trình Aeroten-Lắng và để xử lý triệt để chất hữu cơ và chất dinh dưỡng trong nước thải thì cần phải có tiếp tục xử lý nước thải sau sinh hóa hiếu khí bậc 1 bằng quá trình sinh hóa hiếu khí bậc 2. Để làm được điều này, BCN đề tài cho biết đã tiếp tục nghiên cứu cải tiến mô hình Pilot bằng các bước xử lý khoa học.

Sau 2 tháng vận hành mô hình Pilot liên tục bằng các biện pháp và phương án công nghệ nêu trên (xử lý bậc 1 và bậc 2), kết quả cho thấy nước thải sau xử lý đảm bảo đạt cụ thể trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản (cột A QCVN 11-MT:2015/BTNMT).

Video: Tọa đàm kết nối chuyển giao công nghệ | VTC1

Từ kết quả xử lý nước thải bằng mô hình Pilot này, kết hợp với thực tiễn xử lý nước thải hiện tại của Công ty Cổ phần Thủy sản Đà Nẵng, các nhà khoa học đã phân tích các ưu điểm, hạn chế của quá trình công nghệ xử lý nước thải, đồng thời đề xuất phương án thiết kế, cải tạo hệ thống xử lý nước thải của nhà máy nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nước thải đạt cột B, A của QCVN, giúp nhà máy giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm chi phí xả thải theo quy định của Ban quản lý Khu công nghiệp.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn