Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và quan tâm ứng dụng KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 02/08/2018 21:42:00 +07:00

Ngày 26/7, tại Tiền Giang, Hội nghị KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “KH&CN thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long” trong khuôn khổ Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL lần thứ XXV đã diễn ra.

Đây là sự kiện được Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các vụ, cục, Tổng cục, viện, Học viện thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các ban của Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các Sở KH&CN trong Vùng ĐBSCL, lãnh đạo các trường Đại học trong Vùng, hơn 40 Doanh nghiệp đến từ các tỉnh trong và ngoài vùng.

Tai cau truc san xuat nong nghiep (1)

 Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và quan tâm ứng dụng KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực trước tình hình biến đổi khí hậu gay gắt đang là vấn đề thời sự nóng bỏng - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định: Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và quan tâm ứng dụng KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực trước tình hình biến đổi khí hậu gay gắt đang là vấn đề thời sự nóng bỏng cần được các địa phương, bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học cũng như mọi tầng lớp nông dân trong khu vực quan tâm. Cần thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng và đề cao hơn nữa vai trò KH&CN, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất; xây dựng nền nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi giá trị mà những sản phẩm chủ lực của vùng là lúa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, thủy hải sản…

Tại Hội nghĩ đại biểu đã được nghe phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Văn Sáng, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Đại học Cần Thơ về thực trạng của việc phát triển nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL, nguyên nhân và để xuất hướng giải quyết. Theo đó, hiện nay, vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 27% vào GDP của cả nước, trong đó GDP khu vực I khoảng 40%. ĐBSCL đã có 3 trong 6 mặt hàng nông nghiệp cả nước đạt kim ngạch từ 3-5 tỉ/năm là gạo, tôm và cá tra, các sản phẩm xuất khẩu thủy sản  của vùng đã có mặt tại 135 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thị trường thế giới.

Dù vậy, đây lại là việc phát triển nông nghiệp và thủy sản của vùng lại đang chịu nhiều áp lực như thiếu nước tưới, đất suy thoái dưới ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nguồn nước bị chặn trên thường nguồn do xây dựng đập, quản lý tài nguyên chưa hiệu quả. Các sản phẩm chủ lực của vùng là thủy san và cây ăn quả bị cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chuỗi giá trị kém bền vững, bị cắt khúc do thói quen sản xuất nhỏ lẻ.

Thêm vào đó, cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mang lại cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức nhất định cho việc sản xuất sản phẩm chủ lực.

Tai cau truc san xuat nong nghiep (2)

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN) 

Do đó, yêu cầu bức thiết lúc này là quan tâm đặc biệt đến các lĩnh vực KH&CN: lĩnh vực công nghệ sinh học, lĩnh vực sau thu hoạch, kỹ thuật và quản lý đầu vào cho sản xuất, chế biến thực phẩm, lĩnh vực KH tự nhiên, lĩnh vực KHXH,… Đồng thời phải nghiên cứu và phát triển KH&CN đòi hỏi mang tính đa ngành, hệ thống, mạng lưới và liên kết.

Mặt khác, việc ứng dụng 8 hình thức nông nghiệp thông minh và lồng ghép KH&CN liên ngành và Công nghiệp 4.0 cũng rất quan trọng, bao gồm: Cấu trúc – thực hiện và hiệu quả thị trường; quản lý tài nguyên theo hệ sinh thái và sản phẩm; Thông minh về giống đạt 3 chuẩn: Thị trường – BĐKH – chất lượng; Về giảm đầu vào, vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng chất lượng; Tiết kiệm nước ứng phó BĐKH hiệu quả; Phát triển xanh và giảm khí thải nhà kính; Tổ chức sản xuất (HTXNN, DN nông thôn, trang trại, ND-DN trong cánh đồng lớn); Lồng ghép chính sách NQ 120CP và QĐ1819TTg và kêu gọi đầu tư.

Từ đó, PGS.TS Nguyễn Văn Sáng đề xuất thành lập mạng lưới và liên kết khoa học công nghệ liên ngành để thúc đẩy thực hiện thành công Nghị quyết 120/CP và Quyết định 1819/TTg. Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đề xuất, cần có chính sách thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp nông thôn ĐBSCL.

Hội nghị cũng mở ra không gian để các doanh nghiệp trong vùng chia sẻ và giới thiệu các mô hình ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp như: Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cá tra; Ứng dụng KH&CN để phục vụ phát triển trái cây vùng ĐBSCL theo hướng tăng cường xuất khẩu vào các thị trường Âu, Mỹ; Ứng dụng KH&CN trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng, hiệu quả cao...

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn