Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh: Robot Sophia nhập cảnh vào Việt Nam dưới dạng hàng hóa

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 14/07/2018 19:33:00 +07:00

Mặc dù được cấp quyền công dân tại Ả Rập Xê-Út nhưng Robot Sophia vẫn phải nhập cảnh thông qua đường hải quan dưới hình thức một dạng hàng hóa khi đến Việt Nam.

Chiều 14/7, chia sẻ về trường hợp của Robot Sophia, Đại tá Nguyễn Văn Thống (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) cho biết: "Cục Quản lý Xuất nhập cảnh chỉ làm thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân là con người. Sophia không phải là con người, vì vậy phải nhập cảnh vào Việt Nam dưới dạng hàng hóa".

37020713_2076628379077181_8344888531461603328_n

Cận cảnh robot Sophia mặc áo dài, giao lưu tại Việt Nam. (Ảnh: Chi Lê)

Luật sư Trần Chu Nam, công tác tại Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: "Trường hợp của Robot Sophia hết sức mới mẻ, chưa từng có tiền lệ. Do đó, việc coi Sophia là công dân hay chỉ là một con robot lại tùy thuộc vào từng quốc gia, mỗi quốc gia có một quy định khác nhau.

Dù cho Sophia có trí thông minh và có khả năng ngôn ngữ, nhưng khi đến Việt Nam, Sophia chỉ được coi là một chú robot, cho nên sẽ nhập cảnh theo thủ tục quy định dành cho robot, máy móc, đi theo người mang cô robot này tới Việt Nam".

Điều này hoàn toàn có thể hiểu được, vì dù Sophia được cấp quyền công dân và có trí thông minh nhân tạo, nhưng theo ông David Hanson - cha đẻ của Sophia, cô chỉ được thiết kế với công việc chính là chăm sóc người già và hỗ trợ khách tới dự tại công viên hay các sự kiện lớn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cô vẫn chỉ là một robot được lập trình, chứ chưa thể được coi là một công dân, hưởng nghĩa vụ như một người bình thường.

Ngay tại sự kiện diễn ra ngày 13/7 tại Việt Nam, Sophia khẳng định mình có khả năng nói chuyện tự do với nhiều người, nhưng khi giao lưu thực tế với khán giả Việt Nam, cô lại tỏ ra khá lúng túng.

Cô chỉ có thể chào và nói những câu ngắn như: "Tôi được lập trình thiết kế thành robot xã hội, nhóm lập trình viên sáng lập đã cài đặt để tôi có thể giao tiếp theo những mẫu cố định, tuy nhiên tôi cũng có thể giao tiếp tự do với con người" hoặc "Cảm ơn lời khen của bạn".

Ghi nhận tại sự kiện, nhiều người Việt bày tỏ sự thất vọng khi Robot Sophia không thể trò chuyện với họ (dù là bằng tiếng Anh) như kì vọng. Giải thích cho điều này, đại diện ban tổ chức sự kiện cho biết, người giao tiếp phải có giọng tiếng Anh chuẩn, Sophia mới có thể nghe và trả lời.

Video: Robot Sophia đến Việt Nam

Robot Sophia là robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới, đất nước cấp quyền công dân cho cô là Ả Rập Xê-Út. Tuy nhiên, chính tại đất nước này, cũng chưa rõ liệu Sophia có được quyền công dân như những người Ả rập Xê-Út khác, chẳng hạn như việc học các giáo lý Hồi giáo hay không.

Với những câu hỏi dồn dập đặt ra xung quanh vấn đề cấp quyền công dân cho robot, Sophia trở thành tâm điểm chú ý tại mỗi quốc gia mà cô ghé thăm.

Sophia đặt chân tới Việt Nam tham dự sự kiện Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm về Công nghiệp 4.0 tổ chức ở Hà Nội trong 2 ngày 12 - 13/7, thu hút hàng trăm lượt khách tham quan hiếu kì muốn tìm cho mình một câu trả lời về cô robot đầu tiên được cấp quyền công dân này.

Chi Lê
Bình luận
vtcnews.vn