Nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho 100% khách hàng chỉ sau 1 đêm

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 26/09/2019 15:10:00 +07:00

Theo thống kê, hiện tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%.

Do đó, nếu được cung cấp dịch vụ Mobile Money, nhà mạng có thể triển khai ngay thanh toán điện tử tới 100% dân.

Mobile Money đem nhiều tiện ích, nhưng chưa thông về chính sách

Theo con số công bố của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, các dịch vụ thanh toán phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghê thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0.

Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2-3 năm vừa qua, dịch vụ thanh toán qua các kênh điện thoại và Internet phát triển mạnh mẽ. Qua số liệu thu thập hàng năm, tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch qua điện thoại và Internet rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động Fintech phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

photo-1-15440044082281543754710

 

Các chuyên gia cho rằng, nếu muốn phát triển mạnh thanh toán điện tử để thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đưa ra hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt thì cần cho phép cung cấp dịch vụ Mobile Money. Sở dĩ như vậy, bởi Mobile Money có ưu điểm có thể cung cấp dịch vụ tài chính điện tử đến cho người dân ở vùng sâu, vùng xa để thanh toán các dịch vụ hàng hóa mệnh giá nhỏ mà không cần bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng và smartphone.

Ví dụ người dân ở Hà Giang có thể dùng chính điện thoại “cục gạch” mà họ đang sử dụng để có thể thanh toán tiền mua phân bón, tiền điện hay nhận tiền từ người mua hàng hóa nông sản của mình qua Mobile Money. Số lượng khách hàng có nhu cầu này rất lớn và đang mong chờ được cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử tiện lợi.

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tài khoản viễn thông đang dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông cũng như các loại dịch vụ hàng hóa có mệnh giá nhỏ. Hiện tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%.

Do đó, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thanh toán điện tử. Chỉ cần Chính phủ cho phép cung cấp dịch vụ Mobile Money thì chỉ ngay ngày hôm sau dịch vụ tài chính điện tử có thể phủ tới 100% dân.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán.

Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay.

Tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Câu chuyện ở đây là, công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới.

Nhiều người dân chưa có cơ hội được tiếp cận hệ thống tài chính chính thống, đó là những người nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Mobile Money sẽ là giải pháp để đưa họ tiếp cận tới các dịch vụ trả phí mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội.

Ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam có tổng dân số lớn, đứng thứ 15 trên thế giới với 96,2 triệu người vào năm 2019, trong đó có hơn 66% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Theo quan sát của Ngân hàng Nhà nước, người dân sinh sống ở nông thôn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận ngân hàng truyền thống.

1 (1) 3

 

Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình văn bản quản lý dịch vụ Mobile Money theo các quan điểm cơ bản Mobile Money bản chất là Emoney, là ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng, tài khoản định danh điện tử tương ứng với số tiền khách hàng nạp vào, đó là Mobile Money.

Pháp luật Việt Nam quy định ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng, đây chính là sự khác biệt lớn nhất của Mobile Money và ví điện tử. Các chuyên gia cho rằng hiện độ phủ của ngân hàng mới có 30 – 40% thì việc đòi hỏi khách hàng phải có tài khoản ngân hàng là không khả thi.

Ngân hàng không nên quá lo lắng về Mobile Money

Không chỉ kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số, Mobile Money còn đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Thí dụ tại Kenya, sau 3 năm triển khai Mobile Money thì tỷ lệ sử dụng ngân hàng tăng 19%, nhờ vào sự phát triển của dịch vụ Mobile Money. Mobile Money với các giao dịch nhỏ chính là sự đào tạo người dân để trở thành khách hàng của ngân hàng. Ngân hàng không phải quá lo lắng về Mobile Money.

Cho đến thời điểm này, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money. Viettel đang được nhận định là mạng có nhiều thế mạnh trong triển khai dịch vụ Mobile Money vì ưu thế vùng phủ sóng đến tận 100% các xã vùng sâu vùng xa.

Với mạng lưới rộng khắp tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc, Viettel hiện có gần 60 triệu thuê bao di động trong nước, có hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục, siêu thị, hơn 270.000 đại lý/điểm bán và hơn 30.000 nhân viên phủ xuống đến xã – phường cung cấp các dịch vụ cho khách hàng trên toàn quốc.

mobile-money-transferring-banking-concept-vector-18099768 4

 

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, các ngân hàng sẽ cực kỳ hưởng lợi từ mobile money cũng như việc các nhà mạng như Viettel tham gia thị trường. Hiện nay không có một ngân hàng nào ở Việt Nam phục vụ những món thanh toán nhỏ lẻ, chi tiêu siêu nhỏ hàng ngày.

“Trong dự kiến của Viettel khi đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước, dịch vụ mobile money khi được triển khai sẽ chỉ cho phép người dân chi tiêu tối đa 10 triệu. Thực tế hiện nay các ngân hàng mới chỉ phục vụ được 30% dân số, nhưng nhờ mobile money họ sẽ có thể tiếp cận đến 70% dân số khi những khách hàng này quen với việc sử dụng mobile money.” ông Kiên nói.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn