Công nghệ VAR được sử dụng trong những tình huống nào?

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 25/01/2019 14:43:00 +07:00

Cứu Việt Nam một bàn thua, nhưng sau đó lại khiến Việt Nam thua một bàn, công nghệ VAR đang gây tranh cãi sau trận tứ kết đầu tiên tại Asian Cup tối qua.

Công nghệ VAR là gì?

VAR (viết tắt của Video Assistant Referee - trợ lý trọng tài qua video) có nhiệm vụ hỗ trợ các trọng tài bóng đá khi ra quyết định trong những tình huống cụ thể của trận đấu.

Để làm được điều này, các hệ thống camera sẽ được lắp đặt quanh sân hoặc trên cao khán đài để ghi lại các tình huống trong trận đấu. Tại World Cup 2018, nước chủ nhà Nga sử dụng lắp đặt tới 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm, tại mỗi sân vận động. Hệ thống cũng truy xuất thông tin từ hai camera chuyên để bắt việt vị, được bố trí nhằm hỗ trợ riêng cho đội ngũ trợ lý trọng tài.

Còn tại Asian Cup, VAR được trang bị tại bốn địa điểm diễn ra trận tứ kết, gồm Sân vận động Al Maktoum ở Dubai (trận Việt Nam - Nhật Bản), sân vận động Thành phố Thể thao Zayed, sân vận động Mohammad Bin Zayed ở Abu Dhabi và sân vận động Hazza Bin Zayed ở Al Ain.

VAR 3

Trọng tài xem lại video qua hệ thống VAR trong trận Việt Nam - Nhật Bản (Ảnh: Abu Dhabi Sports Council)

VAR được sử dụng trong những tình huống nào?

Hiện chỉ bốn trường hợp sử dụng công nghệ VAR. Thứ nhất, công nhận hay không công nhận bàn thắng như khi trọng tài không quan sát rõ, hoặc có đội khiếu kiện về bàn thắng được thực hiện khi có lỗi việt vị, chạm tay... VAR đã được áp dụng trong trận tứ kết tối 24/1 khi trọng tài xem VAR và từ chối bàn thắng của đội Nhật Bản do lỗi chạm tay.

Thứ hai, quyết định phạt đền hay không phạt đền. Cũng trong trận Việt Nam - Nhật Bản tối qua, đội tuyển Nhật đã được hưởng một quả phạt đền sau khi trọng tài xem video quay lại tình huống va chạm. Khu vực trong vòng cấm là nơi VAR được dùng nhiều nhất vì liên quan tới quyết định thổi phạt penalty của trọng tài.

Thứ ba, nhận dạng nhầm. Trọng tài đôi khi nhận diện lầm cầu thủ trên sân và có thể rút thẻ sai. Khi đó, tổ trọng tài trong phòng VAR có thể liên lạc tới trọng tài chính để thông báo và sửa chữa.

Thứ tư thẻ đỏ trực tiếp. Với những tình huống bạo lực dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp, trọng tài có thể xem lại để đưa ra quyết định chính xác.

VAR hoạt động ra sao?

Các trợ lý trọng tài, bao gồm một trọng tài giám sát video và ba cố vấn trọng tài, sẽ ngồi tại phòng quan sát cách xa sân vận động. Họ xem video quay chậm các tình huống vừa diễn ra và giao tiếp với trọng tài chính qua tai nghe không dây, đưa ra tư vấn về các tình huống đặc biệt.

Các kịch bản sử dụng VAR thường là trọng tài trên sân nhận thông điệp từ trọng tài video về một tình huống nào đó vừa bị bỏ qua. Ông sẽ cho tạm dừng trận đấu để xem lại video và đưa ra quyết định. 

Bên cạnh đó, trọng tài chính cân nhắc một tình huống trên sân và ra hiệu bằng cách vẽ một hình chữ nhật. Trọng tài video sẽ khi thấy tín hiệu sẽ đánh giá lại tình huống rồi liên lạc qua tai nghe với trọng tài chính.

Công nghệ VAR gây tranh cãi thế nào?

Việc ứng dụng công nghệ trong bóng đá đã vấp phải những ý kiến ủng hộ và phản đối ngay từ những ngày đầu tiên. Trong tình huống dẫn đến quả phạt đền ở trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày 24/1, nhiều người dùng Internet đã tỏ ra không hài lòng. Họ cho rằng VAR được dùng để trọng tài xem xét lại tình huống vừa diễn ra. Tuy nhiên, nó phải được thực hiện ngay lập tức chứ không phải là đợi hơn một phút sau.

Ký giả người Anh Alex Brotherton viết trên Twitter: "VAR không nên được dùng trong tình huống này. Nó chỉ nên áp dụng với những quyết định sai hoàn toàn của trọng tài chính. Nếu nó được dùng để sửa mọi sai lầm của trọng tài, trận đấu sẽ liên tục bị gián đoạn".

Trước đó, tại World Cup 2018, VAR cũng bị chỉ trích vì bỏ qua tình huống phạm lỗi trong pha ghi bàn của cầu thủ Thụy Sĩ vào lưới Brazil, hay khi trọng tài không cho phạt đền dù Harry Kane bị hậu vệ Tunisia quật ngã trong vòng cấm...

Nhiều người cho rằng VAR phá hỏng bóng đá, làm giảm sự hấp dẫn của trận đấu. Ngược lại, không ít người cho rằng VAR mang lại sự công bằng cho bóng đá. Nó làm thay đổi cách chơi của cầu thủ bởi những tình huống phạm lỗi, đánh nguội hay việt vị sẽ được camera ghi lại đầy đủ, khiến các cầu thủ thận trọng hơn và bớt chơi xấu. Cũng tại World Cup năm ngoái, nhờ VAR mà màn ăn vạ của cầu thủ Neymar bên đội Brazil đã thất bại.

''Tôi thích VAR, vì trọng tài vốn luôn phải đưa ra những quyết định khó khăn. Chúng ta nên chào đón bất kỳ thứ gì có thể giúp công việc của trọng tài trở nên thuận lợi hơn'', cầu thủ Cristiano Ronaldo từng cho biết.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn