'Khó thở' với Mỹ, Iran ra tối hậu thư

Thế giớiThứ Tư, 08/05/2019 17:02:00 +07:00

Giới chuyên gia tin rằng việc Tehran ngừng thực thi một phần nghĩa vụ trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) là hậu quả từ chính sách gây hấn của Mỹ.

Ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran quyết định ngừng thực thi một phần nghĩa vụ trong Kế hoạch hành động toàn diện chung về chương trình hạt nhân Iran. Theo đó, Iran sẽ dừng xuất khẩu urani thừa và nước nặng trong 60 ngày.

Ông Rouhani cũng cho biết thêm “các thành viên khác trong thỏa thuận JCPOA có 60 ngày để thực hiện những trách nhiệm của họ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ Iran”.

Ông Rouhani cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân.

1

 Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: RIA Novosti)

Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga, ông Leonid Slutsky nhận định: “Việc Iran ngừng thực thi một phần nghĩa vụ theo JCPOA là hậu quả từ chính sách vô trách nhiệm của Washington đối với Tehran.

Đúng một năm trước, Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Để có được một thỏa thuận như vậy đòi hỏi nỗ lực ngoại giao rất lớn của cộng đồng quốc tế, cũng như sự chấp thuận của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Kể từ đó, áp lực nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này ngày một tăng dần: Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới, liệt kê lực lượng vũ trang của Iran – Vệ binh Cách mạng Hồi giáo – vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài. Và mới hôm qua, cố vấn an ninh Mỹ John Bolton đã hứa sẽ "gửi" tàu chiến cùng các máy bay ném bom đến bờ biển Iran. Chính vì thế, tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani thực ra là lời đáp trả đối với những hành động gây hấn của Washington”.

Người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia Nga cũng lưu ý rằng Iran hiện vẫn chưa hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận.

“Và bây giờ điều quan trọng là làm sao phải nỗ lực hết sức để bảo vệ cho bằng được thỏa thuận đa phương này, kiềm chế không để Tehran có những bước đi vượt quá phạm vi cho phép ảnh hưởng đến ổn định và an ninh khu vực. Tuy nhiên, Iran không những không chối bỏ, mà ngược lại, còn tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Cần phải để tất cả các đối tác trong thỏa thuận hiểu được điều này”, - ông Slutsky kết luận.

Ngày 8/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về việc Washington sẽ đơn phương rút khỏi JCPOA; đến tháng 11/2018, các lệnh trừng phạt với Iran đã được khôi phục, bao gồm cả lệnh cấm mua dầu của Iran. Thỏa thuận này được ký kết vào năm 2015 nhằm hạn chế sự phát triển hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các biện pháp hạn chế đơn phương của Mỹ và EU.

Dưới sức ép từ Washington, Tehran đã bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Điều này đã cản trở nghiêm trọng mối quan hệ tài chính của các doanh nghiệp Iran với các đối tác nước ngoài.

Phản ứng trước động thái trên, vào tháng 1/2019, Berlin, London và Paris tuyên bố tạo ra một cơ chế thanh toán đặc biệt với Iran, cho phép duy trì thương mại với nước này vượt qua những lệnh trừng phạt của Mỹ. Để làm được điều này, Pháp cùng với sự tham gia của Anh và Đức đã cho đăng ký một công ty dự án có tên là INSTEX. Tuy nhiên, cơ chế này cho đến nay vẫn chưa mang lại những tác dụng thực tế.

Tường Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn