Khổ như ở nhà cổ Đường Lâm: Dân khóc ròng

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 09/05/2013 11:24:00 +07:00

(VTC News) - 10 năm nay, người xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) phải gánh chịu những cơ cực mà cả đời họ không bao giờ tin có ngày mình gặp phải.

(VTC News) - Với khoảng 9.000 người sống trong không gian làng quê cổ kính, đông đúc vốn có, người xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) đang phải gánh chịu những cơ cực mà cả đời họ không bao giờ tin có ngày mình gặp phải.

Có thể, cả xã hội sẽ cảm thấy bất ngờ khi chúng tôi kể ra đây những chuyện khổ sở “khó tin nhưng có thật” đó.

Và, đây là đắng cay kéo dài gần 10 năm qua, để đến nỗi gần 80 người Đường Lâm phải bật khóc ký vào lá đơn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam: xin trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia làng Việt cổ đầu tiên của cả nước…

Người dân làng cổ - di tích quốc gia Đường Lâm có nỗi khổ riêng. 

Hy sinh cánh tay vì “nhà văn hóa”, giờ “di sản văn hóa” lại làm hại bà Khanh!

Bà Hà Thị Khanh (xem ảnh), ở tuổi lục tuần, là một người tàn tật có sổ để hưởng trợ cấp hơn 300 nghìn đồng/tháng của nhà nước. Chồng bà chết đã hơn 20 năm, bà ở vậy nuôi 3 con ăn học.

Thời bao cấp, bà hăng hái tham gia lao động lấy công điểm ở xã Đường Lâm. Hôm ấy chặt dọn dẹp cây cối ở khu vực chuẩn bị xây dựng nhà văn hóa cho xã, bà bị cây lớn đổ, đè cho suýt chết. Bà bị gẫy và tàn tật một bên tay, vì năng nổ dọn mặt bằng xây dựng nhà văn hóa xã.

“Bây giờ, ngành văn hóa đem danh hiệu di tích văn hóa về cho làng tôi, và “nhà di sản văn hóa” thời mới này tiếp tục… đổ vào đầu tôi, khiến tôi đau đớn hơn cả cái hồi cây đổ gây bất tỉnh khi đang xây dựng nhà văn hóa thời trước…”, bà Khanh ví von.

Năm 2010, bà Khanh bán toàn bộ tài sản, vay mượn đủ nội và ngoại tộc để có được 800 triệu đồng, xây một ngôi nhà ở gần cổng làng Mông Phụ (làng trung tâm của xã Đường Lâm). Cả làng lúc đó có tới hơn 20 ngôi nhà hai ba tầng, chả ai bị làm sao, bà bảo, bà cũng xây cho con cháu nó ở, chứ nhà toen hoẻn, chỉ xây một tầng thì tối cứ phải trải chiếu xuống đất cho con cháu nằm như đi tị nạn. Đất chật không xây nhà ống thì lấy đâu chỗ mà nằm?

Xây xong, làm lễ khánh thành, cả nhà hí hửng ở được 2 tháng, thì người ta có quyết định cưỡng chế, đòi phá tan cái tầng 2 nhà bà.

“Nếu tôi mềm dẻo có khi cũng bị phạt cho tồn tại như nhà người khác. Đằng này bà chị họ tôi lại lên tận UBND xã, xông vào cuộc họp, chửi thẳng vào mặt một bà là đương kim lãnh đạo thị xã… Thế là họ quyết tâm phá nhà tôi để làm gương. Chứ bao nhiêu nhà vi phạm họ có làm sao đâu”, bà Khanh khóc kể.

 Bị phá mất toàn bộ tầng 2 của ngôi nhà một cách quá đau đớn, hàng ngày bà Khanh vẫn nhặt gạch vụn, dây điện thừa rồi kiến nghị xin hỗ trợ cắm đất giãn dân, kẻo gia đình không còn chỗ ở nữa.
“Tiền cả đời tôi tích cóp tan theo mây khói, họ phá mấy ngày, phá cả đêm, 12h đêm vẫn rầm rập phá. Công an, bảo vệ giăng hàng trong ngoài như chống khủng bố. Người ta nhốt tôi ở nhà người khác, kẻo sợ tôi trông thấy cảnh đau lòng quá mà tự tử.

Tôi cứ nghe tiếng đập uỳnh uỳnh, đập đến đâu, nghe tiếng đổ rầm một cái là tôi lại gào lên, “ối cha mẹ ơi, ối trời đất ơi” vì quá đau đớn. Con trai tôi còn mua 20 lít xăng, mua bình gas về định chống lại, định tự tử, nếu không được can ngăn kịp thời thì đúng là mất của lại mất cả người.

Vì sao tôi bức xúc thế? Vì tôi nghèo cả đời, tôi sẽ chả còn gì nếu nhà bị phá. Đêm ấy, cột trụ chính của nhà tôi bị đổ, kinh động cả làng, vì tôi làm rất vững chãi. Tiếng đổ đó nhiều trăm ngày qua vẫn ám ảnh tôi và cả xóm. Hôm ấy, nhiều người làng kêu ca, ra hiện trường kêu “trả lại danh hiệu làng cổ cho nhà nước”. Có 4-5 người “nói to” đã bị bắt, đưa lên xe công an, nhốt mấy ngày trời”, bà Khanh kể.

 
Vì đại gia đình ở trong một căn nhà nhỏ, không có tum và gác. Nên, cháu nội bà Khanh suốt mấy năm qua phải học trên... bậc cầu thang như thế này. 
Xây một cái tum, phải tự tháo dỡ, vẫn bị cắt điện nước 2,5 tháng qua!

Người Đường Lâm cực khổ vì khách du lịch và lối kinh doanh du lịch chụp giật quá của người nơi khác đến “khai thác” quê mình.

Khách tràn đến kín mọi lối xóm, rác xả bừa bãi, họ tìm các nhà mở cửa để vào nhờ… phóng uế, họ chui vào mọi ngõ ngách chụp ảnh, quay phim, nói năng thô lỗ oang oang. Không lúc nào ngớt ồn ào, rác thải, đặc biệt là cảnh mất tự do vì sự dòm ngó của đông đảo người đời.

Nhà bà Khanh bị phá dỡ, nhưng điểm vô lý là, ngay bên cạnh đó, ba bề bốn bên, chỗ nào cũng thấy nhà hai ba tầng tọa lạc nghênh ngang! 
Chị Lan, giáo viên ở xóm Sải, trung tâm làng cổ, bảo: “Tôi cảm giác lúc nào mình cũng như một con thú nhốt trong cái lồng, người ta đến ngó nghiêng, chụp ảnh mà không cần xin phép, chào hỏi gì tôi cả. Ngày nào cũng thế”.

Ví dụ, 5 tháng đầu năm 2013, người ta đã bán vé, “lấy tiền nuôi nhau” với số lượng là 12 vạn chiếc vé phục vụ 120.000 lượt du khách (mỗi vé 20.000đồng). Tiền tỷ đó đi đâu? Nó không được nộp cho ngân sách nhà nước, không chia cho dân làng cổ, nó dùng để nuôi chính cái bộ máy đã tổ chức lập chốt bán vé ở ba phía cổng vào làng cổ. Gần một vạn người dân không được hưởng lợi gì, mà bị xả rác, bị mất tự do, bị ồn ào, bị nhốt “như con thú trong chuồng để người ta ngó nghiêng”.

Chưa hết, thảm họa còn nằm ở chỗ: từ ngày có danh hiệu làng cổ, người ta đơn phương đưa ra cái “Quy chế tạm thời” về xây dựng cơ bản, cứ thế tạm thời suốt gần chục năm qua, rồi áp dụng vào và làm khổ, làm mất tự do tối thiểu người dân làng cổ. Bà con không được xây dựng theo ý mình, họ bị tước đi cái quyền được cải tạo, xây dựng không gian sống cho mình thật tiện nghi, khang trang, hoặc ít ra là đủ diện tích tối thiểu “chui ra chui vào”.

Chỉ một schủ nhân những ngôi nhà cổ thực sự là được hưởng lợi từ du lịch làng cổ. 
Chịu thiệt vậy, mà bà con lại không được hưởng bất cứ lợi ích gì từ tiền tỷ khai thác du lịch! Vô lý hơn: quy chế này nói rõ, bà con xây dựng phải xin phép. Xin phép cẩn trọng nhất thì cũng chỉ được trả lời với nội dung giống hệt nhau, khiến bà con phát ốm: rằng, phải làm nhà cấp bốn, phải mái dốc (không đổ mái, không mái bằng, không lợp chống nóng tum nhô cao), phải dùng vật liệu truyền thống.

Làm nhà cấp bốn tiếp ư? Nếu lại làm nhà cấp bốn thì như nhà từ thượng cổ bà con đã có, thì bà con đều có nhà kiểu đó rồi, còn phải sửa chữa cơi nới làm gì nữa? Mái lợp ngói truyền thống thì đắt đỏ, vật liệu gỗ truyền thống thì đại gia mới dám dùng mua; trong khi không một ai đặt mình trong cái nghèo, cái thiệt thòi của bà con người làng cổ để nghĩ rằng cần phải hỗ trợ tiền nong cho bà con cả!

Phải làm sao? Người Đường Lâm cay đắng tự làm, tự cơi nới thôi. Nhà họ có cổ gì đâu, nhà mới xây 10 năm qua, lợp tôn, lợp phibroximang, giờ làm tum chống nóng, giờ lợp tiếp hai vật liệu rẻ tiền kia vào, chứ biết làm sao? Bà con làng Mông Phụ (trung tâm làng cổ, bảo tồn nghiêm ngặt nhất) thì 90% làm nông nghiệp, nghèo khổ truyền kiếp. Bà con tội tình “gia cố” nhà như vậy, lập tức bị cán bộ cho vào tầm ngắm,… tấn công liên tiếp.

Chị Oanh, một người bán cá ở chợ Mía, Đường Lâm, kể: “Tôi có con trai đã lấy vợ, con tôi đã có con. Nhà tôi cấp bốn, lợp phibroximang, quá chật cho vợ chồng trẻ và cả vợ chồng tôi cũng còn… trẻ. Tôi lợp thêm cái tum chống nóng, bằng phibroximang, để nhà mát hơn, kê đồ chật một tí bớt cảm giác bức bí.

Thế mà vừa xe vật liệu đổ trước cửa nhà, là cán bộ đến rất đông người, họ hỏi giấy tờ, đơn xin, giấy cấp phép sửa sang xây dựng nhà. Không có. Họ bảo không được làm.

Chị Oanh bảo cứ làm nốt, mình làm công trình bé tí có sao đâu, xã này có cả trăm cái nhà tầng rồi mà. Có vài tấm phibroximang thôi mà. Nhà mình có là di tích tham quan hay di sản di siếc gì đâu. Thế là cánh cán bộ họ tổ chức xin giấy của xã, cắt bỏ điện sinh hoạt nhà chị, cắt bỏ nước dùng hằng ngày, vợ chồng con cháu nhà chị lao đao, nóng lồng lộn, tối mò mò như thời trung cổ.

Ngày nào vài cán bộ, cả thanh tra xây dựng, cả cán bộ di tích làng cổ, cán bộ xã cùng đến. Suốt 80 ngày qua, nhà chị Oanh bị cắt điện nước, sống khổ sở như địa ngục. Hôm 7/5/2013, chị Oanh đến nhà ông Giang Mạnh Hoằng, nhà ông Phan Văn Hòa, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã để xin cấp lại điện, nước sinh hoạt mà vẫn không được.

Cán bộ “quy tắc” xây dựng bảo, cắt điện nước, cấm hàng xóm cấp lén (cho xin) điện nước cho gia đình chị Oanh. Họ bảo, nếu còn làm nữa, sẽ cho công an đến, cấm thợ làm. Sẽ thành lập đoàn cưỡng chế phá công trình, nếu không biết điều tự phá dỡ. Chị hàng cá nghèo 10 năm chịu cảnh ở trong “túp lều” hy sinh cho làng cổ ấy sợ quá, đành cay đắng tự dỡ công trình hàng chục triệu đồng vừa “nhô” lên kia.

Phá rồi, nhưng người ta vẫn trừng trị, khi chúng tôi viết những dòng này, nhà chị vẫn chưa được cấp điện nước trở lại.

Người Đường Lâm dù rất trân trọng di sản, nhưng họ đang quá khổ sở với các ngôi nhà cổ và nhà không cổ bị áp dụng quy chế "cấm xây dựng". 
“Bây giờ mà Đường Lâm được UNESCO công nhận di sản thế giới thì chúng tôi chết”!

Sáng 8/5, làm việc với chúng tôi, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, xác nhận: việc nhà chị Oanh và nhiều nhà dân bị cắt điện nước, bị cưỡng chế phá dỡ hay tự phá dỡ công trình “nhô cao” là có thật. Là đúng quy định. Sắp tới sẽ có một số nhà dự kiến bị cưỡng chế phá dỡ, nếu không tự phá dỡ.

Ông Sơn thừa nhận người dân bức xúc là có thật và là rất chính đáng. Tuy nhiên quy định về xây dựng và bảo tồn di tích cấp quốc gia là phải như vậy. “Chúng tôi đã có quy chế tạm thời, đã “lách luật” để người dân bớt khổ rồi đấy, chứ đúng quy định là người dân muốn cơi nới, sửa chữa, phải về thành phố Hà Nội, lên Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch để xin “thỏa thuận” cơ”, một cán bộ địa phương nhấn mạnh.

Bản thân lãnh đạo xã Đường Lâm cũng bị “trên đe dưới búa”. Họ thấy rõ các quy định quá ngặt nghèo trong xây dựng, việc phá dỡ công trình của dân là “quá cứng nhắc”, người dân quá khổ sở, bà con không được quyền lợi gì từ di tích làng cổ, mà họ vẫn phải chịu quá nhiều thiệt thòi suốt 10 năm qua. Mười năm là gần như trọn cả tuổi thanh xuân của một kiếp người rồi!, một người Đường Lâm khóc tức tưởi nói.

Thấy rõ sự vô lý này, ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã thẳng thắn nói với VTC news: Chúng tôi sẵn sàng bị kỷ luật, bị đình chỉ công tác, chứ không thể nhẫn tâm phá dỡ nhà của bà con mình trong đợt tới được. Vì làm như thế bà con quá khổ. Cả làng này, với tôi, người nào cũng là anh em, phi nội tác ngoại (không anh em đằng nội thì cũng thân thiết đằng ngoại).

Làng Di sản quốc gia làm du lịch giàu có, nhưng con em người Đường Lâm phải "học" 90 cháu trong một phòng như thế này. Lý do: vì quy chế "làng cổ", không được xây dựng cao tầng! (Ảnh: Đỗ Lãng Quân, chụp ngày 8/5/2013).
Lối thoát nào cho Đường Lâm?

Đơn giản là phải giãn dân, có cơ chế đặc thù cho người dân làng cổ được sinh sống ở ngoài ngôi làng chật hẹp đang bị cấm ngặt cơi nới xây dựng của kia.

Việc này đã được ghi trong nghị quyết, chương trình, đã công khai bàn thảo nhiều năm rồi, nhưng đến nay, Ban đầu tư xây dựng cơ bản (đơn vị được UBND thị xã giao chủ trì dự án) vẫn thản nhiên nói với lãnh đạo xã Đường Lâm: khoảng ít nhất 10 năm nữa, dự án mới đi từ bàn giấy vào hiện thực. Lúc đó thì có khi làng cổ “tan” rồi, một cán bộ xã thở dài.

Theo Quyết định về việc thu phí danh lam thắng cảnh ở Hà Nội thì 100% phí ở làng cổ Đường Lâm là do đơn vị thu phí di tích hưởng. 
Trong khi đó, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm vẫn hồn nhiên: Chúng tôi đã hội thảo, đã đưa vào hồ sơ, lộ trình rồi, làng Việt cổ Đường Lâm có thể sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Lúc ấy, bao nhiêu nhà hai ba tầng sẽ bị “chặt” cụt hết, trả lại một làng cổ toàn nhà mái ngói, thấp, mái dốc. Lúc ấy, nhà nào xây có phép mà cao cao từ cũ, sẽ được đền bù, nhà xây cơi nới thì bị cưỡng chế cắt mà không hỗ trợ kinh phí cho khổ chủ. Điều này đã được chuyên gia UNESCO Việt Nam nói trong hội nghị rồi mà.

Than ôi, người Đường Lâm từng hí hửng khi loa xã thông báo làng mình là di sản quốc gia, rồi sẽ làm du lịch, sẽ giàu. Ai ngờ, gần 10 năm qua, theo bước chân gần hai chục vạn du khách mỗi năm, là tiền tỷ vào túi người khác và bao nhiêu thảm họa người làng cổ phải gánh chịu. Than ôi, bây giờ mà công nhận di sản tầm thế giới nữa, chắc nỗi khổ sẽ được “nâng tầm” khủng khiếp hơn ư?

Một trí thức lớn của đất Đường Lâm, khi được phỏng vấn, chỉ còn biết thở dài: Bây giờ mà làng được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới thì chúng tôi… chết dở. Bi kịch sẽ còn bị đẩy lên đến khủng khiếp, nếu không kịp thời có chính sách, quy chế đặc thù để an lòng dân.

Di sản này, dùng nó để làm gì thì làm, kinh doanh hay văn hóa gì thì tôi không biết, nhưng trước hết nó phải tồn tại và phát triển vì những lý lẽ dân sinh, vì giá trị nhân văn nhất ở đời, đó là cuộc sống của đồng bào mình. Là các giá trị sống của chủ nhân ngôi làng này. Đường Lâm là của người Đường Lâm, của tổ tông họ để lại cơ mà.

Trần Thị Diệu Diệu

Bình luận
vtcnews.vn