Kho nhôm 'đội lốt' Trung Quốc được phát hiện từ năm 2016

Kinh tếThứ Năm, 07/11/2019 09:16:00 +07:00

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng ông nắm thông tin về kho nhôm 'đội lốt' Trung Quốc từ năm 2016.

Sáng nay, 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Liên quan đến kho nhôm trị giá 4,3 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu được đại biểu Mai Sĩ Diến (Đoàn Thanh Hóa) chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016.

bo-truong-tran-tuan-anh

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Ông khẳng định, doanh nghiệp do người Trung Quốc đầu tư và nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu. Năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác được tiến hành tuy nhiên chưa có gì đột biến.

Mới đây, sau khi doanh nghiệp có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. "Do đó, xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc không đáng kể và không gây ra những vướng mắc đến vấn đề trong quan hệ thương mại quốc tế với Mỹ", ông Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng chỉ ra 3 lý do về nguyên nhân khiến Việt Nam chưa đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ nhất, xuất phát điểm của Việt Nam quá thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực từ 2-3 thế hệ công nghệ trong công nghiệp hóa. Thứ hai, nước ta chưa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất, nên môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí… chưa có điều kiện phát triển đặc biệt. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của xã hội còn hạn chế, điển hình như đào tạo nguồn nhân lực, rất ít sinh viên tham gia nghiên cứu và được đào tạo về công nghệ trong sản xuất.

Thứ ba, công nghiệp hóa đòi hỏi vốn đầu tư và trình độ công nghệ ở mức cao, do đó gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nước ta cũng thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nguyên nhân chủ quan đến từ công tác quản lý Nhà nước, trong đó có sự thiếu đồng bộ của các Bộ, ngành và tâm lý thụ động của các doanh nghiệp.

Ông nhấn mạnh: "Tuỳ lĩnh vực và ngành sản xuất có đặc thù, tính chất khác nhau, ta phải làm thế nào tạo ra giá trị gia tăng thực sự bền vững và đạt yêu cầu”.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn