Khó khăn vẫn đổ tiền mua xe tay ga

XeThứ Ba, 26/02/2013 12:13:00 +07:00

Kinh tế khó khăn, toàn thị trường xe máy ế ẩm nhưng xe tay ga vẫn bán chạy, nhất là các loại xe cao cấp.

Kinh tế khó khăn, toàn thị trường xe máy ế ẩm nhưng xe tay ga vẫn bán chạy, nhất là các loại xe cao cấp.

Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, tiêu thụ xe máy Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 3,11 triệu chiếc, thấp hơn nhiều so với năm 2011 đạt 3,7 triệu chiếc. Đây là lần đầu tiên, thị trường xe máy Việt Nam sụt giảm so với năm trước.

Tuy nhiên, nhìn vào số liệu trên vẫn thấy cao hơn doanh số bán ra trong năm 2010 khi thị trường chỉ đạt khoảng 3 triệu xe. Một doanh nghiệp đang đứng hàng đầu thị trường xe máy cũng tiết lộ 2012 có doanh số bán ra bằng 96% so với năm 2011 nhưng vẫn cao hơn doanh số 2010 khi kinh tế chưa rơi vào khó khăn.

Điều này chứng tỏ thị trường xe máy Việt Nam vẫn đầy tiềm năng. Việt Nam vẫn là thị trường xe máy lớn thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.

Theo ông Masayuki Igarashi, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, 2013 thị trường xe máy sẽ tốt hơn. Thị trường xe máy Việt Nam chưa thể bão hoà.

Dự báo, tiêu thụ xe máy tại Việt Nam vẫn còn tăng trưởng mạnh, có thể đạt tới 4,5 triệu xe/năm vào 2018 - 2020 chứ không chỉ xoay quanh mức 3 triệu xe/năm như nhiều người dự đoán. Trong đó, xe tay ga sẽ tăng mạnh.


Mặc dù khó khăn nhưng năm 2012 tăng trưởng của xe tay ga trên thị trường vẫn giữ ở mức trên 30%. Theo các nhà sản xuất, dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu sử dụng xe tay ga, đặc biệt là xe tay ga tầm trung vẫn liên tục tăng.

Ở các thành phố lớn, xe tay ga có thể tăng trưởng đến hơn 50% trong vài năm tới. Thời gian tới phân khúc xe tay ga vẫn tăng trưởng đáng kể và và trở thành xu hướng tiêu dùng mới, vì vậy các nhà sản xuất đã đầu tư mạnh vào phân khúc này.

Hiện nhiều mẫu xe tay ga sản xuất tại Việt Nam có tỷ lệ nội địa hoá rất cao. Có loại lên đến 90%. Việc đẩy mạnh nội địa hoá đã giúp giảm giá thành, tạo ra nhiều công ăn việc làm và biến sản xuất xe máy trở thành ngành công nghiệp mạnh nhất của Việt Nam hiện nay.

Mặc dù vậy thì vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện cung cấp cho các nhà lắp ráp vẫn còn yếu.

Tại một doanh nghiệp sản xuất xe máy lớn có vốn FDI hiện có trên 100 nhà cung cấp linh kiện xe máy nhưng có tới 50% là các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, 30% là doanh nghiệp FDI của các nước khác và doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 20%. Số lượng không nhiều và linh kiện do DN Việt Nam sản xuất cũng có giá trị thấp.


Có thể chia linh kiện thành 2 loại, loại thứ nhất, chỉ cần có thiết bị là sản xuất được và loại thứ 2 ngoài thiết bị còn phải có nghiên cứu phát triển. Hiện những linh kiện mà các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thuộc loại thứ nhất, tức là chỉ cần có thiết bị là làm được, còn loại thứ 2 đến nay hầu như chưa có đóng góp gì, ông Yukitaka Okanoya cho biết.

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam ( VEAM) cho biết, hiện họ có 4 đơn vị thành viên đang sản xuất linh kiện xe máy với doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này vẫn là quá nhỏ khi so với doanh thu của 1 doanh nghiệp xe máy thuộc hàng lớn nhất Việt Nam năm 2012 đạt 2 tỷ USD, tương đương với trên 40.000 tỷ đồng.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất linh kiện, mà doanh nghiệp xe máy 100% vốn trong nước cũng ngày càng yếu. Trong tổng công suất 4,9 triệu xe hiện nay thì doanh nghiệp trong nước chỉ còn giữ công suất khoảng 100.000 xe/năm. Năm 2012 các doanh nghiệp trong nước có doanh số bán chỉ vào khoảng 30.000 xe.

Cơ hội tồn tại của các doanh nghiệp xe máy nội được dự báo sẽ không còn nhiều, nhất là khi mức sống của người dân ngày càng nâng cao thì tiêu chuẩn lựa chọn xe cũng sẽ cao hơn và nhu cầu cũng sẽ đa dạng hơn. Điều này xe máy nội không đáp ứng được, vì vậy ngày càng phải lùi dần vào những vùng sâu vùng xa với số lượng người tiêu dùng hạn chế.

Theo Trần Thủy/Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn