Khó khăn từ Nghị định 20: Doanh nghiệp 'than vãn', Tổng cục Thuế nói gì?

Kinh tếThứ Năm, 30/05/2019 22:56:00 +07:00

Nghị định 20 được ban hành với mục đích hạn chế trốn thuế của các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, Nghị định này lại khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó.

Năm 2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 20) được ban hành có mục đích hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng Tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế Thu nhập cá nhân thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.

Nghị định 20 được xây dựng trên nền tảng khuyến nghị của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chống xói mòn về thuế, chống chuyển giá.

Mục đích là vậy, song theo đánh giá của các chuyên gia thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn.

Nhiêu doanh nghiệp trong nước kêu khó

Về mặt tích cực, sau khi áp dụng Nghị định này năm ngoái, cơ quan Thuế đã thanh tra 758 doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Phạt và truy thu hơn 1.900 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 8.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc khống chế chi phí vay đã vô tình gây ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp trong nước.

vinacomin

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho rằng, Nghị định 20 không cồng bằng đối với các doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu từ chính các doanh nghiệp đang gặp khó khăn từ Nghị định 20, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đang là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất.

Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức này đều có tình trạng công ty mẹ thì thừa vốn, doanh nghiệp con lại thiếu vốn. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 20 được áp dụng, công ty mẹ lại không dám cho vay vốn như trước. Bởi vì, nếu cho vay, doanh nghiệp sẽ bị quy vào giao dịch liên kết.

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt cho biết, kể từ khi Nghị định 20 được áp dụng, nhiều công ty con đã phải ra ngoài vay vốn với lãi suất cao hơn so với vay vốn từ công ty mẹ.

“Bởi vì công ty mẹ cho công ty con vay sẽ dính tới giao dịch công ty liên kết, như vậy, cũng bị tính vào các chi phí mức trần 20% nộp thuế. Các công ty con phải tự xây dựng hệ thống huy động vốn riêng, đương nhiên với một chi phí cao hơn việc vay vốn từ tập đoàn. Điều này sẽ dẫn đến quản trị tài chính không đạt được hiệu quả tối ưu”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sở hữu hơn 70 công ty con và các công ty liên kết, trong năm qua phải “cõng” thêm vài trăm tỷ đồng  tiền thuế do Nghị định 20.

Ông Lê Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho rằng: “Đối với các đơn vị độc lập không bị khống chế chi phí lãi vay tính trong dài hạn, nhưng các đơn vị hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con lại lại bị khống chế. Đây là sự không bình đẳng”.

Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính để xem xét lại khoản 3 điều 8 của Nghị định 20. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ chuyển từ lãi sang lỗ nếu phải “cõng” thêm vài trăm tỷ đồng tiền thuế từ khống chế chi phí lãi vay từ Nghị định này.

lilama

Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng các công ty trong nước không có động cơ để chuyển giá, nhằm mục đích hưởng lợi về thuế như một số công ty đa quốc gia.

Cụ thể, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng, Lilama và các công ty liên kết đều hoạt động ở Việt Nam cũng chịu 1 mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy không có động cơ để chuyển giá, nhằm mục đích hưởng lợi về thuế như một số công ty đa quốc gia.

Trong khi đó, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cho rằng, phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế 2 lần tính cả ở công ty mẹ và lần 2 ở công ty con.

Có cùng nhận định trên, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)  thắc mắc, các khoản chi phí lãi vay đều có hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật thì tại sao vẫn bị tính thuế.

Cần sửa đổi Nghị định 20 theo hướng linh hoạt, phù hợp

Các chuyên gia trong nước đều cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền nên sửa các quy định về khống chế chi phí lãi vay theo hướng linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, việc sửa đổi này vẫn phải đảm bảo việc chống chuyển giá, trốn thuế.

Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, việc khống chế chi phí lãi vay không nên áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước không có giao dịch xuyên biên giới hoặc các công ty mẹ - công ty con có cùng 1 mức thuế suất.

“Bởi vì, các doanh nghiệp hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu 1 mức thuế suất thì chạy đâu mà trốn thuế. Đây là một nội dung, chúng ta cần nghiên cứu sớm để từng bước sửa đổi phù hợp hơn”, bà Cúc nói.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng, so với kiến nghị của OECD, Nghị định 20 vẫn thiếu 2 quy định đó là bù trừ lãi vay với thu nhập từ cho vay. Việc thiếu đi quy định này đã khiến các công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con gặp khó khăn.

Ngoài ra, theo Ông Phan Lê Thành Long, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán An Việt, Nghị định 20 cũng không cho phép chuyển khoản lãi vay chưa được trừ hết năm nay sang các năm sau khiến các công ty mới thành lập vốn mỏng, gặp khó.

Tổng Cục thuế nói gì?

Trước những thắc mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp trong nước về  khoản 3 điều 8 của Nghị định 20, mới đây, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết, Bộ đang nghiên cứu để điều chỉnh quy định khống chế chi phí  lãi vay một cách phù hợp hơn.

aaaaaa

Tổng cục Thuế khẳng định đang tổng hợp lại các ý kiến còn vướng mắc của các Tập đoàn.  

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, việc khống chế chi phí lãi vay là chính sách toàn cầu để chống chuyển giá, đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bởi thực tế, qua thanh - kiểm tra từ Tổng cục, không chỉ doanh nghiệp FDI mà cả những doanh nghiệp trong nước cũng có hành vi sắp đặt để báo lỗ nhằm chuyển chi phí lãi vay từ công ty mẹ có thuế cao hơn sang công ty con có nơi có thuế thấp hơn.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng Cục thuế cho biết: “Những doanh nghiệp không được ưu đãi đầu tư, với mức thuế suất bình thường, họ có thể đẩy chi phí vào đó. Như vậy thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm đi rất nhiều”.

Ngoài ra, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổng cục đã nhận được kiến nghị từ 1 số Tập đoàn có chức năng trung chuyển vốn nhưng không có điều kiện để chuyển giá, đang gặp khó khăn bởi Nghị định 20.

Tổng cục Thuế khẳng định đang tổng hợp lại các ý kiến còn vướng mắc của các Tập đoàn. Từ đó, Tổng cục Thuế sẽ đánh giá các tác động, mức độ ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp kiến nghị và trình Chính phủ trong thời gian tới để có những định hướng sửa đổi.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn