Kho báu đảo Oak và bí ẩn lời nguyền 200 năm chưa có lời giải

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 23/11/2016 11:02:00 +07:00

Nơi được mệnh danh là Hố Tiền trên vùng đất chỉ rộng chưa tới 7ha những đã khiến không ít người bỏ mạng, và chỉ phát hiện ra những điều kỳ lạ.

 Suốt hơn 200 năm qua, trong dòng người không mệt mỏi đổ về hòn đảo ngoài khơi Nova Scotia, Canada, từ năm 1795 đến nay có cả Franklin Delano Roosevelt - Tổng thống thứ 32 của Mỹ.

Họ mang theo từ dụng cụ thô sơ đến những trang thiết bị, máy móc tối tân nhất, nhưng hàng triệu đô la Mỹ đổ vào công cuộc tìm kiếm trở thành công cốc. Tuy nhiên, những bằng chứng họ tìm được ngày càng nhiều và càng thuyết phục những người khác tiếp tục đến thử vận may, cho đến khi trở về tay trắng.

1455359215-anh-1---bia

 Tấm bia trên đảo Oak tưởng niệm những người bỏ mạng vì tìm kiếm kho báu (Ảnh: ancient-origins.net)

Hi vọng cứ lóe lên rồi tắt. Nhưng có một thứ dường như không bao giờ khô kiệt, đó là hệ thống nước ngầm vô cùng phức tạp và bí hiểm luôn làm ngập các đường hầm mỗi khi các nhà thám hiểm có vẻ như sắp đi đến đích. Đây là thứ đáng sợ nhất đối với những người tìm kiếm kho báu. Cho đến nay 6 người trong số họ đã mất mạng. Theo lời nguyền trong truyền thuyết, nếu có 7 người chết, kho báu sẽ được phát hiện.

Vẫn chưa biết chính xác kho báu được cho là lớn nhất thế giới này chứa gì, nhưng giả thuyết được thừa nhận rộng rãi nhất cho rằng thuyền trưởng cướp biển người Scotland khét tiếng William Kidd đã chôn giấu của cải cướp được ở đây trước khi bị hành hình.

Những phát hiện lạ lùng

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1795, khi một thiếu niên tên Daniel Mc Ginnis phát hiện những ánh sáng lạ từ hòn đảo ngoài khơi gần nhà cậu. Tới gần, cậu nhận thấy những dấu hiệu mặt đất đã được dọn dẹp. Trí tò mò xuất phát từ những truyền thuyết về kho báu của cướp biển thôi thúc Ginnis rủ thêm hai người bạn bắt đầu đào bới ngay hôm sau. Họ phát hiện ra những đường hầm bí mật, nhưng bị chặn lại bởi những cấu trúc bằng đá và gỗ. Sau nhiều tuần đào bới không kết quả, họ quyết định từ bỏ.

1455359215-anh-5---thanh-guom-dao-oak

 Một thanh gươm được cho là của người La Mã tìm thấy trên một xác tàu đắm ngoài khơi đảo Oak – củng cố giả thuyết người La Mã đã đến châu Mỹ 1.000 năm trước Christopher Columbus (InvestigatingHistory.org)

Gần một thập kỉ sau, ba chàng trai này (hai trong số đó đã mua lại đất trên hòn đảo) quay lại với sự tài trợ của các thương nhân để tiếp tục công việc dang dở. Đào sâu hơn, họ tìm thấy những nền bằng gỗ sồi cách quãng khoảng 3m, cùng than củi, vữa không trộn, và sợi quả dừa – mặc dù không hề có cây dừa nào trong khoảng 1000 dặm. 

Sâu thêm 27m nữa, họ gặp phải đá. Đó là một tấm bia bằng phẳng với những mật mã được chạm khắc. Tấm bia này là miếng mồi đã câu rất nhiều nhà thám hiểm trong hàng thế kỉ cho tới khi nó biến mất vào năm 1919. Những biểu tượng và hình vẽ trừu tượng trên tấm bia đã được giải mã như sau: “12m bên dưới, hai triệu bảng (Anh) được chôn giấu.”

Tiếp tục đào sâu thêm khoảng 1m, họ tìm thấy một thứ có vẻ là gỗ, hoặc một cái rương. Phát hiện này khiến họ vô cùng sung sướng và đã tranh cãi suốt buổi tối xem ai sẽ nhận được phần lớn nhất của kho báu.

Nhưng vận may của họ chẳng kéo dài lâu. Họ đào phải một vùng đất ẩm ướt ở độ sâu 27-30m. Khi quay lại vào ngày hôm sau để đào tiếp, họ thấy đường hầm đã ngập trong nước biển, dù điểm khai quật cao hơn mặt biển tới 150m.

Trong nhiều thập kỷ, những nhà thám hiểm đã cố gắng hút bớt dòng nước dường như vô tận khiến họ không thể vào hầm. Đến giữa thế kỉ 19, những người thợ phát hiện ra điều kì lạ: thứ có vẻ như là một bãi biển thật ra là nhân tạo, và nước chảy từ đây ra biển chứ không phải từ biển chảy vào. Khi bãi biển được tìm ra, họ phát hiện đó là một hệ thống bơm nước trá hình phức tạp, liên tục bơm vào Hố Tiền gần 4000 lít nước/phút.

1455359215-anh-2--tim-kho-bau-dao-oak

 Quang cảnh khai quật kho báu đảo Oak vào thế kỷ 19

Những gì tìm thấy cho đến ngày nay

Dù vậy, việc liên tục tìm thấy các cổ vật khiến hi vọng tìm thấy kho báu càng lúc càng lên cao. Ở độ sâu 30m, một công ty săn tìm kho báu gặp phải một thứ mà họ mô tả là nhiều lớp gỗ sồi, một đoạn dày đặc những mảnh kim loại, rồi lại gỗ sồi, và lại kim loại, khiến họ tin tưởng rằng họ cuối cùng đã tìm ra những chiếc rương đựng tiền.

Nhưng những hân hoan này cũng sớm tan thành mây khói khi những đường hầm tiếp tục bị ngập nước, khiến công cuộc tìm kiếm bị trì hoãn. Những tấm thép, xi măng và đất sét được tìm thấy sâu dưới lòng đất sau đó được giới khoa học xác nhận là sản phẩm nhân tạo. Một mảnh da cừu được lấy lên từ độ sâu 45m có những chữ “vi,”, “ui” (hoặc “wi”). Một dây xích bằng vàng cũng được tìm thấy ở đó, nhưng nhanh chóng biến mất.

Năm 1909, chàng thư kí luật 27 tuổi Franhklin Delano Roosevelt đặt chân lên đảo. Anh là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của một cuộc khai quật dẫn đầu bởi nhà thám hiểm Mỹ Henry Bowdoin, người đã hứa rằng, với đủ những thiết bị hạng nặng, “kho báu trị giá 10 triệu USD” sẽ là của họ.

Cuốn sách The Secret Treasure of Oak Island (Kho báu bí ẩn trên đảo Oak) viết rằng, tại địa điểm mà họ đặt tên là “Trại Kidd”, Roosevelt đã cùng Bowdoin và các cộng sự luân phiên khoan, đặt thuốc nổ và đưa thợ lặn vào Hố Tiền. Trong một bức ảnh đen trắng, chàng Roosevelt trẻ tuổi đứng trên đảo, miệng ngậm tẩu thuốc. Họ đào đến 45m, nhưng không tìm được gì.

1455359215-anh-3---ho-tien

 “Hố tiền” trên đảo Oak năm 1947

Năm 2015, trong loạt phim trên kênh History Channel phát sóng ở Anh, nhà săn kho báu chuyên kiêm nhà văn Gary Drayton tham gia tập thứ hai của bộ phim mang tên Lời nguyền đảo Oak, và đã tìm thấy nhiều hiện vật gần khu khai quật.

1455359215-anh-4---tram-cai-dau

 Chiếc trâm cài đầu hình Nữ hoàng Victoria được tìm thấy trên đảo Oak năm 2015

Nhờ các thiết bị dò kim loại, Gary nói rằng ông đã tìm ra nhiều đồng tiền cổ và cổ vật hơn bất cứ ai từng săn lùng trên đảo Oak trước đây, những người không thực sự biết họ đang tìm kiếm cái gì và đã đào bới khắp hòn đảo. 

Trong số những hiện vật được phát hiện ở những khu ngập nước, bờ biển và lân cận khu khai quật, có những chiếc rìu từ những năm 1710 – 1730, nhiều đồng tiền Anh cổ từ thế kỷ 17, một chiếc trâm cài đầu hình Nữ hoàng Victoria, và một đồng tiền Kỵ sĩ dòng Đền. Những đồ vật này đã được Gary tặng lại cho bảo tàng Nova Scotia.

Nguồn: Ngọc Minh (Dân Việt)

Bình luận
vtcnews.vn