Khi trọng tài lỏng chân

Thể thaoThứ Ba, 13/03/2012 09:47:00 +07:00

VFF vừa thông báo về việc các trọng tài VN được AFC tín nhiệm tham gia điều khiển các trận đấu quan trọng.Chưa kịp tự hào thì trọng tài Trí đã kịp gây “sốc".

VFF vừa thông báo về việc các trọng tài Việt Nam được AFC tín nhiệm tham gia điều khiển các trận đấu quan trọng. Cụ thể các trọng tài Võ Minh Trí, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Hoàng Minh, Phùng Đình Dũng tham gia điều hành trận đấu giữa ĐT Trung Quốc gặp ĐT Jordan tại Trung Quốc. Riêng trọng tài Võ Minh Trí tham gia điều hành trận đấu giữa Kashima Reysol (Nhật Bản) gặp Jeonbuk Huyndai Mortos (Hàn Quốc), bảng H tại Nhật Bản vào ngày 21/3 trong khuôn khổ AFC Champions League.
Chưa kịp tự hào thì trọng tài Trí đã kịp gây “sốc” khi các trang mạng quốc tế đưa hình ảnh về cú “bẻ còi” ở sân Thanh Hóa.

Điều luật thứ 18?

Trọng tài Võ Minh Trí là một trong những trọng tài tốt nhất hiện nay. Ưu điểm nhưng đồng thời cũng là nhược điểm của ông Trí là những quyết định có phần cứng nhắc, thiếu mềm dẻo trong đa số các tình huống. Nghĩa là ở góc độ nào đó, trọng tài Võ Minh Trí giống với một cảnh sát trên sân nhiều là người có khả năng làm thăng hoa trận đấu.

Sau sự kiện ông Trí “bẻ còi” ở sân Thanh Hóa, có người khen ông Trí dũng cảm, dám rút lại quyết định của mình. Còn giới trọng tài thì nói với nhau: “Anh Trí đã vận dụng luật 18 trong các điều luật của FIFA”.

Khi trọng tài…lỏng chân 

Luật FIFA chỉ có 17 điều, nhưng khi được học, các giảng viên bao giờ cũng khuyến khích các trọng tài áp dụng “điều luật thứ 18” tức là vận dụng một cách khéo léo để làm trận đấu tốt hơn, tất nhiên không phải để làm sai 17 điều kia.

Ông Trí từng dùng “điều luật thứ 18” ngay ở sân Thanh Hóa trong trận đấu với Đà Nẵng cách đây 4 năm khi công nhận bàn thắng cho chủ nhà dù bóng chưa qua vạch vôi để cứu cho trận đấu khỏi vỡ. Quyết định bẻ còi của trọng tài Trí ở vòng đấu thứ 9 vừa qua, được cho là khôn ngoan ở thời điểm chủ nhà Thanh Hóa đã thắng tới 2 bàn và thời gian còn rất ít. Nhưng nếu tình huống ấy, tỷ số vẫn là 0-0 thì quyết định “bẻ còi” của ông Trí có thể mang lại họa lớn. Đa số các trọng tài tin rằng, trong trường hợp ấy, sẽ có penalty.

Ông Trí chọn phương án an toàn, thế nhưng bất luận thế nào thì trọng tài Trí vẫn mất điểm.

Nguyên nhân ở đâu?

Ông Trí sau này nói rằng: “Có lỗi khi không quan sát trợ lý của mình”. Thực ra, sự phối hợp giữa trợ lý và các trọng tài hiện nay là rất lỏng lẻo. Ở sân Chi Lăng, trong trận SHB.Đà Nẵng- K.Kiên Giang, một trọng tài FIFA khác là Hoàng Anh Tuấn bị cho là mắc lỗi lớn khi công nhận bàn thắng của đội khách ở phút 90+5. Thế nhưng trong một tình huống rất nhanh và trợ lý K’Đức Tuấn cũng không xác định là có lỗi hay việt vị trong tình huống trên thì có thể hiểu rằng quyết định của ông Tuấn cũng là rất dũng cảm. Thậm chí nếu bắt chặt hơn, Phước Vĩnh còn phải nhận thẻ (đồng nghĩa với một penalty) trong tình huống vào bóng rất ác ý của mình.

 

Tất nhiên cũng cần phải nhìn một cách công bằng, cả trọng tài Trí và trọng tài Tuấn đều làm tốt nhiệm vụ của mình trừ những một vài quyết định gây tranh cãi. Trưởng ban trọng tài Dương Vũ Lâm “trần tình” rằng do bị “soi” nhiều quá nên trọng tài vào sân thiếu sự quyết đoán và bình tĩnh cần thiết.

Đấy chỉ là một phần của vấn đề.

Đúng là các trọng tài, ngay cả các trọng tài giàu kinh nghiệm và được gắn mác FIFA khi vào sân đều chung tâm trạng là không cảm thấy thoải mái và có cảm giác là không được bảo vệ một cách thật sự nếu có sai sót nên chọn phương án an toàn.

Cũng phải nhắc đến vai trò của ông Đoàn Phú Tấn- người được giao phân công trọng tài. Ông Tấn được bầu Kiên “dựng” lên, phụ trách mảng trọng tài,  vị thế và quyền lực còn to hơn cả ông Dương Vũ Lâm. Ông Đoàn Phú Tấn được biết đến như một người mô phạm, sách vở và thiếu đi sự khéo léo của ông Nguyễn Văn Mùi. Trong cách phân công, ông Tấn đã bắt đầu bị giới trọng tài phản ứng bởi một số việc:

Thứ nhất: có hàng loạt các trọng tài FIFA trong tay nhưng lại ít khi giao nhiệm vụ hoặc bị đẩy vào những trận không “hot”, tức là những trận đinh, được nhiều người quan tâm.

Thứ hai: ông Tấn muốn thể hiện, muốn thay đổi bằng việc đưa hàng loạt các trọng tài trẻ, thiếu chuyên môn vào môi trường V.League. Đào tạo và rút kinh nghiệm cần thời gian chứ không phải biến trọng tài thành “chuột bạch” để thí nghiệm, thành ra đã sai lại càng sai.

Với một tâm trạng bất an và lỏng chân như thế, trọng tài không bị soi và sai mới là lạ.

Nhật Thành (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn